Indonesia nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ về một thủ đô xanh
Theo Channel News Asia, hơn 10.000 công chức nhà nước và nhân viên chính phủ của Indonesia sẽ chuyển đến thủ đô mới Nusantara ở Đông Kalimantan vào tháng 9 tới, đánh dấu giai đoạn tái định cư đầu tiên trong quá trình di dời thủ đô của Indonesia.
Nằm giữa khu rừng nhiệt đới trên đảo Borneo, thủ đô mới của Indonesia, Nusantara đang từng bước hoàn thiện hạ tầng và dự kiến khánh thành vào ngày 17-8-2024, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 Quốc khánh Indonesia. Đợt tái định cư đầu tiên sẽ diễn ra khoảng một tháng sau lễ khánh thành.
Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ máy nhà nước và Cải cách hành chính Indonesia Abdullah Azwar Anas cho biết sẽ có 11.916 công chức từ 38 bộ, ngành và các cơ quan của chính phủ chuyển đến Nusantara trong giai đoạn đầu. Một nhóm khoảng 1.500 công chức sẽ tới từ tháng 8 để hỗ trợ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm và lễ khánh thành. Bộ trưởng Anas cho biết: “Chúng tôi đã có danh sách những người sẽ di dời trong đợt 1, 2 và 3. Vấn đề chỉ là thực thi”.
Chính phủ Indonesia cũng đã chuẩn bị cung cấp 4 điều kiện cho công chức, viên chức sẽ chuyển đến thủ đô mới, đó là nhà ở trong Khu vực chính của Trung ương ở Nusantara, phụ cấp đắt đỏ, chi phí di chuyển theo quy định hiện hành và bố trí cơ sở linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng công chức. Trong giai đoạn 2024-2029 sẽ có tổng cộng hơn 100.000 công chức nhà nước, nhân viên chính phủ ở Jakarta và các khu vực xung quanh chuyển tới Nusantara.
Công trình Dinh Tổng thống đang được xây dựng ở Nusantara. Ảnh: Channel News Asia |
Từ lâu, chính quyền Indonesia đã ấp ủ kế hoạch xây dựng một thủ đô mới trên nền tảng một thành phố thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo. Lý do là bởi thủ đô hiện tại của Indonesia là Jakarta nằm trên đảo Java phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường không khí, lũ lụt và tắc đường trầm trọng kéo dài. Thêm vào đó, với vị trí nằm ở vùng đất thấp nên Jakarta cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những đợt triều cường, thường xuyên hứng chịu lũ lụt vào mùa mưa. Việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến thành phố ngày càng bị lún nhanh hơn. Ước tính phần lớn đô thị Jakarta có thể sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050.
Quyết định di dời thủ đô từ Jakarta đến Nusantara đã được Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố vào năm 2019. Chính phủ Indonesia xem đây là giải pháp tối ưu để chuyển thủ đô ra khỏi thành phố Jakarta đông đúc và đang chìm dần, đồng thời góp phần tăng cường phát triển khu vực phía Đông Indonesia.
Siêu dự án xây dựng thủ đô mới trị giá 32 tỷ USD, được phát triển theo 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên của siêu dự án là xây dựng khu trung tâm hành chính cốt lõi thủ đô cùng các cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá, nhà ở... dự kiến hoàn thành trong năm nay. Giai đoạn kết thúc dự kiến vào năm 2045 với việc phát triển Nusantara thành thủ đô thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Theo tờ Kompas của Indonesia, công trình Dinh Tổng thống mới, Cung điện Nhà nước và 4 tòa nhà của các bộ, ngành sẽ được hoàn thiện trước ngày 17-8 tới.
Chính phủ Indonesia định hướng xây dựng thủ đô mới Nusantara theo mô hình thành phố rừng bền vững mang tính bao trùm, thân thiện với môi trường và có khả năng ứng phó cao. Trong tổng số 256.000ha của siêu dự án này, diện tích xây dựng chỉ chiếm 25%, tương đương khoảng 64.000ha, trong khi 65% còn lại là không gian xanh với rừng nhiệt đới, vườn, công viên. 10% diện tích còn lại sẽ được sử dụng để làm nông nghiệp. Các công trình, tòa nhà tại thủ đô mới sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo và 80% nhu cầu giao thông trong thành phố sẽ được đáp ứng bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc các phương tiện thân thiện môi trường. Với những ưu điểm trên, các quan chức kỳ vọng “thành phố rừng thông minh” Nusantara sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 của Indonesia.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng định hướng Nusantara trở thành trung tâm hàng đầu quốc gia về dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, một hình mẫu cho sự chuyển đổi về phương thức làm việc, cơ sở kinh tế, công nghệ, một nơi đáng sống bậc nhất thế giới. Có thể thấy, Chính phủ Indonesia đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào siêu dự án phát triển thủ đô mới. Tuy vậy, dự án tham vọng này lại đang phải đối mặt với một số ý kiến lo ngại về sự hòa nhập và các quyền cơ bản liên quan đến đất đai, kinh doanh và cơ hội làm việc của người dân bản địa. Cần biết rằng, ngành công nghiệp than chiếm khoảng 35% GDP của khu vực Đông Kalimantan và sử dụng gần 9% dân số của vùng này. Một thủ đô có lượng khí thải bằng 0 có thể lấy đi sinh kế của các công nhân khai thác than ở Đông Kalimantan.
BẢO CHÂU
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.