Israel bầu cử quốc hội với hy vọng phá vỡ bế tắc chính trị
Ngày 1-11, hơn 6,8 triệu cử tri Israel đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội (Knesset). Đây là cuộc bỏ phiếu lần thứ năm trong vòng chưa đầy 4 năm với hy vọng phá vỡ bế tắc chính trị kéo dài từ năm 2019.
Theo truyền thông tại địa phương, gần 12.500 điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7 giờ đến 22 giờ cùng ngày, ngoại trừ một số địa điểm đặc biệt như các khu dân cư hẻo lánh, doanh trại quân đội, nhà tù, trại dưỡng lão... thời gian mở cửa và đóng cửa sớm hơn. Ngay từ sáng sớm, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã đến điểm bỏ phiếu ở thành phố Jerusalem, trong khi Thủ tướng Yair Lapid đến điểm bỏ phiếu ở thành phố Tel Aviv. Phát biểu trước các phóng viên sau khi rời địa điểm bỏ phiếu, ông Herzog và ông Lapid kêu gọi người dân thực hiện quyền cử tri vì tương lai của một Nhà nước Israel dân chủ.
Người dân Israel đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu Bnei Brak, gần Tel Aviv, sáng 1-11. Ảnh: AFP |
Cuộc bầu cử quốc hội lần này không chỉ nhằm tìm ra 120 đại biểu đại diện cho người dân Israel để quyết định những công việc hệ trọng của đất nước, mà cũng quyết định ai sẽ là thủ tướng điều hành chính phủ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới. Để trở thành thủ tướng sắp tới của Israel, đương kim Thủ tướng Yair Lapid, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoặc các chính trị gia khác sẽ phải tập hợp một liên minh kiểm soát tối thiểu 61 ghế trong quốc hội gồm 120 ghế. Nếu không thể thực hiện thành công điều này, Israel sẽ tiếp tục phải tiến hành cuộc bầu cử khác vào đầu năm 2023.
Vòng xoáy bầu cử tại Israel bắt đầu từ năm 2019, khi các đảng phái chính trị không thể hội đủ số ghế tối thiểu cần thiết 61/120 để thành lập chính phủ. Sau cuộc bầu cử tháng 3-2021, một liên minh đã được thành lập bao gồm các đảng pha trộn từ cánh tả, cánh hữu tới đảng của người Arab, với mục đích loại bỏ vị Thủ tướng nắm quyền lâu nhất Netanyahu khỏi chính trường. Cũng vì lý do này mà chính phủ liên minh, dưới sự điều hành của hai Thủ tướng luân phiên Naftali Bennett và Yair Lapid, đã không tránh khỏi tan rã sau hơn một năm nắm quyền.
Hãng tin AFP nhận định, cũng giống các lần trước, tính chất của cuộc bầu cử lần này vẫn là cuộc đấu trí nhằm ngăn cản ông Netanyahu, thủ lĩnh phe đối lập, trở lại chiếc ghế thủ tướng. Bản thân ông Netanyahu, và khả năng cả chính phủ do ông lãnh đạo, là vấn đề gây chia rẽ lớn nhất, đặc biệt khi các phiên tòa xét xử ông với tội danh tham nhũng vẫn tiếp diễn. CNN cho hay, một số chính trị gia hàng đầu của phe trung hữu dù đồng ý với ông Netanyahu về tư tưởng nhưng vẫn từ chối làm việc với ông vì lý do chính trị hoặc cá nhân. Do đó, để có thể quay lại chiếc ghế thủ tướng, ông Netanyahu có thể phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các đảng cánh hữu để thành lập liên minh. Nếu thành công, ông sẽ buộc phải nhường cho họ một số ghế bộ trưởng.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, khả năng cao tình thế bế tắc chính trị tại Israel sẽ chưa sớm được giải quyết do dự báo số phiếu mỗi phe nhận được sẽ chưa đủ mức quá bán để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, dù đảng nào thắng cử và ai lên làm thủ tướng, nhiệm vụ đầu tiên của họ là tìm ra giải pháp giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cũng như kiềm chế lạm phát leo thang. Báo cáo của Cơ quan Thống kê trung ương Israel công bố mới đây cho biết, lạm phát trong tháng 10-2022 ở Israel lên tới 4,6%, mức cao nhất trong một thập niên. Trong các cuộc bầu cử trước, người dân Israel thường có xu hướng bỏ phiếu dựa trên quan điểm tả-hữu liên quan đến tôn giáo, sắc tộc và cuộc xung đột tại Palestine. Lạm phát có thể sẽ là yếu tố mới ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Theo AFP, kết quả chính thức của cuộc bầu cử dự kiến được công bố sau ngày 2-11, trong khi quá trình thành lập chính phủ liên minh mới có thể kéo dài trong nhiều tuần sau đó.
PHƯƠNG VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.