Khắc họa hình ảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước bằng âm nhạc
Nhân dịp kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2023), nhạc sĩ Kiên Ninh đã ra mắt MV “Người đi tìm hình của nước” với ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Chế Lan Viên. Ca khúc do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quốc Hưng và ca sĩ Đào Tố Loan thể hiện; đạo diễn Anh Quân chịu trách nhiệm phần MV.
Nhạc sĩ Kiên Ninh đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân về tác phẩm âm nhạc mà anh đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện.
Phóng viên (PV): Tại sao anh lại chọn bài thơ “Người đi tìm hình của nước” để thực hiện MV ca nhạc này?
Nhạc sĩ Kiên Ninh: Đây là một bài thơ đã quen thuộc với nhiều thế hệ, nhưng chưa từng có sự lan tỏa rộng rãi bằng âm nhạc như nhiều tác phẩm khác. Bài thơ rất hay ở nhiều góc độ, song lại rất khó để có thể phổ nhạc nếu như nhạc sĩ không đủ khéo léo ứng biến, sắp đặt và sáng tạo thêm những ý tứ để nối liền mạch cảm xúc cũng như câu chuyện ẩn chứa bên trong.
Tôi cũng như bao người viết nhạc về đề tài tình yêu quê hương đất nước nhưng tôi luôn mong muốn sáng tác được những tác phẩm có dấu ấn về Bác Hồ. Tuy nhiên, phải mất đến 3 năm ấp ủ, tôi mới có thể viết nên ca khúc “Người đi tìm hình của nước”. Đây là bài thơ của nhà thơ Chế Lan Viên rất đặc sắc về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu chuyện về hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, ngay tựa đề đã gợi lên cho tôi nhiều ý nghĩa to lớn về cảm xúc và câu từ rất “đắt”. Lời thơ mang đến cho tôi những rung cảm sâu sắc, để từ đó có thêm những sáng tạo trong việc khắc họa chân dung Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Các ca sĩ thể hiện MV ca nhạc “Người đi tìm hình của nước”. |
PV: Anh đã sử dụng những câu từ “đắt” vào trong tác phẩm ra sao?
Nhạc sĩ Kiên Ninh: Trong quá trình viết ca khúc, những câu từ hay, những hình ảnh “đắt” về mặt cảm xúc của bài thơ đã được tôi chắt chiu tối đa, xuất hiện xuyên suốt trong từng đoạn nội dung của bài hát. Bên cạnh đó, tôi cũng đưa vào những ý tứ mang tính phát triển thêm về hình tượng của Bác Hồ với thông điệp ca ngợi, tri ân công ơn của Bác đối với dân tộc và Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt, tôi rất kỹ lưỡng trong việc truyền tải ý nghĩa về tính tư tưởng của tác phẩm - điều mà nếu không có những hiểu biết nhất định về lịch sử, về lý luận tư tưởng triết lý thì người viết sẽ ngại mà không muốn “đụng” vào để có thể viết nên một ca khúc về Bác dễ nghe, dễ thẩm thấu, nhất là với những người trẻ.
PV: Hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác được anh khắc họa bằng âm nhạc ra sao?
Nhạc sĩ Kiên Ninh: Ở một bài hát nói đến hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác sẽ có rất nhiều điều muốn truyền tải. Vì vậy, tôi đã lựa chọn hình thức cấu trúc tác phẩm gồm 3 đoạn đơn, mỗi đoạn là một tính chất nội dung tương phản khác, trong đó có vận dụng thủ pháp chuyển điệu khi tiến hành chuyển đoạn.
Nhạc sĩ Kiên Ninh. |
Đoạn đầu thể hiện tình yêu sâu nặng đối với quê hương của Bác và nói lên bối cảnh vì sao Người phải ra đi tìm đường cứu nước. Đây là bối cảnh đau thương, nước mất nhà tan, dưới ách nô lệ kìm kẹp của thực dân đầu thế kỷ 20. Chính vì vậy, âm nhạc được chủ đích viết trên thang âm ngũ cung nhằm tái hiện lại Việt Nam trong giai đoạn này.
Đoạn hai được chuyển điệu sang giọng với tính chất tươi sáng. Đây là đoạn nói về thời điểm Bác đã tìm thấy con đường đi cho cả dân tộc và cảm xúc của Người vỡ òa trong hạnh phúc. Chính giây phút reo mừng ấy, giọt lệ Người đã rơi bởi Bác Hồ đã nhìn thấy một Việt Nam sẽ sớm “hồi sinh” và “hình đất nước” một ngày sẽ “nở hoa”.
Đoạn ba được chuyển sang tiết nhịp mới (6/8) tính chất rộn ràng sáng láng, phơi phới niềm vui được tăng cường. Đoạn này chính là hình tượng những bước chân đầu tiên của Người về nước. Những bước chân ấy đã gieo ánh dương hồng lên non nước Việt Nam. Đó là ánh sáng của Đảng soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi tới thành công. Và phần cuối ca khúc như là thông điệp tri ân mà cả dân tộc muốn gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Người đã tìm thấy “con đường cho cả dân tộc đi theo”, Người đã tìm thấy “hình của nước”, “Hình đất nước bay lên ngày chiến thắng” và tên Người sẽ luôn sáng mãi cùng non sông Việt Nam.
PV: Tại sao anh lại chọn hai ca sĩ có giọng nam trầm là NSND Quốc Hưng và giọng nữ cao của ca sĩ Đào Tố Loan để thể hiện tác phẩm?
Nhạc sĩ Kiên Ninh: Khi viết xong bài hát, tôi nhận thấy phần thể hiện sẽ rất phù hợp với phiên bản song ca nam nữ solo từng đoạn có kết hợp với vocal và bè của hợp xướng. Bởi vậy, tôi quyết định mời NSND Quốc Hưng và ca sĩ Đào Tố Loan tham gia dự án âm nhạc “Người đi tìm hình của nước”.
Đây là 2 giọng hát hàng đầu trong dòng nhạc thính phòng cách mạng và có sức lan tỏa mạnh tới công chúng. Tôi tin rằng 2 nghệ sĩ sẽ truyền tải được nhiều năng lượng và nhiều cảm xúc tới người nghe. Tôi cho rằng, với phiên bản song ca, từng giọng solo vẫn thể hiện được tính cách cũng như thế mạnh của mình và làm cho người nghe cảm thấy thú vị khi chuyển đổi màu sắc, khoảng âm thanh dải tần của từng giọng. Ở phần hòa âm bè cho giọng hát, tôi cũng tính toán để sao cho công năng của 2 giọng hát này dễ dàng hòa quyện và cộng hưởng với nhau.
NSND Quốc Hưng sở hữu giọng nam trầm, còn nghệ sĩ Đào Tố Loan lại là giọng nữ cao. Việc kết hợp 2 giọng khác biệt trong một bài hát như “Người đi tìm hình của nước” đã mang đến hiệu quả bất ngờ.
NSND Quốc Hưng và ca sĩ Đào Tố Loan. |
PV: Phần dàn dựng của MV được anh thể hiện như thế nào?
Nhạc sĩ Kiên Ninh: Khi thực hiện MV, đạo diễn Anh Quân đã chọn cách kể chuyện đan xen giữa những hình ảnh tư liệu lịch sử về Bác và hình ảnh quay hiện đại. Mục đích của đạo diễn là để khán giả hiểu hơn thông qua những hình ảnh chân thực về lịch sử, về hành trình tìm đường cứu nước của Bác, đồng thời cảm nhận được đất nước Việt Nam hiện tại tươi đẹp như thế nào. Tôi rất ưng ý với phần dàn dựng của đạo diễn Anh Quân. Là đạo diễn có kinh nghiệm và tư duy chặt chẽ về ý đồ kịch bản. Các nghệ sĩ quay hình ảnh nào là có ý đồ rõ ràng nên mọi người không phải quay lại nhiều lần. Khi dựng hình thì ý đồ dẫn dắt mạch cảm xúc của nội dung dựa trên những hình ảnh tư liệu về Bác cũng rất chặt chẽ.
Trong MV có nhiều hình ảnh được thực hiện tại các địa điểm quan trọng như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch… MV ghi hình vào tháng 5, vào những ngày Hà Nội nắng nóng cao điểm. Có bạn trẻ trong dàn hợp xướng bị say nắng, phải sơ cứu. Ca sĩ Đào Tố Loan thì sau buổi ghi hình về là bị ốm mất giọng 1 tuần do sốc nhiệt, đó là những kỷ niệm rất đáng nhớ đối với ê kíp thực hiện. Dù có vất vả, nhưng cả ê kíp đều rất vui và thấy tự hào vì đã cùng nhau làm nên một tác phẩm có nhiều ý nghĩa để kính dâng lên Bác.
NSND Quốc Hưng: Đã có rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ gạo cội viết về Bác thành công, mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người hát cũng như khán giả. Thế hệ nhạc sĩ trẻ cũng sáng tác không ít đề tài này, nhưng lại chưa có tác phẩm thực sự đọng lại. Bởi vậy, khi Kiên Ninh cho biết về việc phổ thơ Chế Lan Viên, tôi rất hứng thú khi cầm bản nhạc của Kiên Ninh. Đầu tiên Kiên Ninh có ý tưởng để tôi thu âm một mình, nhưng sau khi bàn bạc, chúng tôi thấy sẽ hiệu quả hơn nếu song ca với sự hỗ trợ của dàn hợp xướng, và quyết định mời Đào Tố Loan song ca cùng tôi.
Ca sĩ Đào Tố Loan: Trong âm nhạc muôn màu sắc, tôi nghĩ sự kết hợp giữa những điều khác biệt sẽ trở nên đặc biệt hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Trong một dàn nhạc giao hưởng có violin thánh thót, có cello trầm ấm, có đầy đủ các loại nhạc cụ khác nhau để tạo nên những bản nhạc hòa quyện, những giai điệu đẹp bất hủ, để đời. Trong ca hát cũng vậy, đôi khi 2 giọng nữ cao và nam cao hát với nhau chưa chắc sẽ tạo ra âm thanh hoàn hảo cho tác phẩm “Người đi tìm hình của nước”. Cuộc đời Bác và con đường đi tìm tự do cho đất nước của Người có quá nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi nghĩ việc kết hợp một giọng nữ cao và một giọng nam trầm sẽ giúp thể hiện sinh động những trạng thái hoàn cảnh về Bác; lúc thì lắng đọng, cảm xúc, lúc lại hân hoan hạnh phúc.
Được hát với NSND Quốc Hưng trong một tác phẩm âm nhạc hay về Bác là một điều vinh hạnh của bất kỳ ca sĩ nào. Tôi đã hát rất nhiều ca khúc về Bác, nhưng đây là lần đặc biệt, tôi có cảm giác muốn bật khóc khi thu thanh bài hát về Người. Ca từ của bài hát đã chạm tới trái tim của nghệ sĩ, thật sự thấm và đọng cảm xúc khó tả. Tôi thực sự biết ơn nhạc sĩ Kiên Ninh đã cho tôi cơ hội được hát một ca khúc ý nghĩa về Bác, được kết hợp cùng NSND Quốc Hưng.
Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long:
Ca khúc “Người đi tìm hình của nước” là một tác phẩm mang tính nghệ thuật. Việc lấy cảm hứng sáng tác từ một bài thơ hay của một nhà thơ nổi tiếng sẽ tạo chất xúc tác khiến người nghe muốn tiếp cận tác phẩm nhưng để chinh phục khán giả phải từ chính chất lượng nghệ thuật.
Cá nhân tôi cảm thấy khá bất ngờ và đánh giá cao việc nhạc sĩ Kiên Ninh sáng tác ca khúc này. Một ca khúc vừa mang tính trữ tình, vừa chứa đựng sự hào sảng, vừa thể hiện tình cảm cá nhân, lại vừa toát lên được tinh thần tập thể. Nó như là tình cảm của mỗi một con người và của rất nhiều con người, của cả dân tộc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về mặt biểu diễn, tác phẩm này cũng khá phong phú vì nó phù hợp với nhiều hình thức biểu diễn khác nhau như: Đơn ca, song ca, hợp ca có lĩnh xướng.
“Người đi tìm hình của nước” sẽ là một ca khúc có chất lượng nghệ thuật thuộc chủ đề ngợi ca lãnh tụ. Chủ đề này đã từng được không ít nhạc sĩ khai thác nhưng luôn là một thách thức đối với các tác giả và rất khó thành công. Vì vậy, ngoài việc đời sống âm nhạc có thêm tác phẩm mới còn góp thêm vào mảng đề tài này tác phẩm có chất lượng, được nhiều người quan tâm.
PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này!
GIA KHÁNH (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.