Khai phá tiềm năng đặc sản gạo hữu cơ của Thủ đô
Là địa phương có nhiều đặc sản nông nghiệp đặc thù có tiềm năng thương hiệu và giá trị cao, trong đó có gạo hữu cơ, TP Hà Nội đang tạo điều kiện về cơ chế để thu hút nguồn lực tư nhân tham gia chuỗi sản xuất.
Đây là bước đi hợp lý không chỉ tạo thương hiệu, nâng cao giá trị của gạo hữu cơ, mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm này ra các thị trường quốc tế.
Hiệu quả của mô hình sản xuất chuỗi
Năm 2012, Tổ chức JICA - Nhật Bản hỗ trợ nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) thí điểm canh tác lúa hữu cơ trên diện tích 5ha. Từ thời điểm đó tới nay, diện tích lúa hữu cơ đang tiếp tục được nhân rộng lên 90ha với nhiều giống đặc sản như: Đài thơm, bộ giống lúa Japonica...
Cùng với đó, địa phương đã từng bước xây dựng mô hình sản xuất chuỗi từ sản xuất tới doanh nghiệp phân phối. Chuỗi lúa gạo ở Đồng Phú đã được nhiều doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân canh tác đúng theo tiêu chuẩn chất lượng cao, xanh và thân thiện với môi trường.
Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao VNR20 của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết triển khai tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). |
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt chia sẻ, từ năm 2019, đơn vị đã liên kết với Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam phát triển chuỗi lúa gạo đặc sản để xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết thêm, các chuỗi sản xuất gắn với thương hiệu sản phẩm trên địa bàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo ra một số liên kết từ sản xuất đến từ gieo trồng, sản xuất và phân phối sản phẩm; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp chất lượng cao: VietGap, Globalgap…, để nâng tầm giá trị hạt gạo địa phương.
Cùng với đó, tại huyện Ứng Hòa, nhiều hộ nông dân đang chuyển sang sản xuất các loại lúa, gạo đặc sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, 80% diện tích lúa của huyện được định hướng sản xuất theo hướng đặc sản, có giá trị cao. Ngoài bộ giống lúa của Nhật Bản (J01, J02…), các giống lúa thơm của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội như HDT10, HD11 cũng được canh tác và chứng minh phù hợp với điều kiện địa phương.
Tham gia chuỗi lúa gạo đặc sản của Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã hướng dẫn nông dân canh tác giống lúa HDT10, HD11, Nếp cái hoa vàng... đã được nhà khoa học dày công nghiên cứu, tuyển chọn, phục hồi từ các giống bản địa độc đáo. Cùng với đó, doanh nghiệp cùng người nông dân đã hoàn thiện đầy đủ các khâu liên kết từ gieo trồng đến thu hoạch, sấy... để hoàn thiện chuỗi lúa gạo hữu cơ đặc sản của từng địa phương.
Cần chính sách hỗ trợ để mở rộng các mô hình hiệu quả
TP Hà Nội hiện có hơn 160.000ha sản xuất lúa chuyên canh với sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Sau nhiều năm định hướng, thành phố đã xây dựng nhiều vùng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 70% tổng diện tích, trong đó lúa thơm các loại chiếm hơn 53% sản lượng.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, thành phố xác định phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hoàn thiện các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo chuỗi, thân thiện với môi trường.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, riêng nhóm lúa gạo Japonica, trung tâm đã xây dựng được 25 vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích 1.370ha và sản lượng gần 10.000 tấn mỗi năm. Định hướng này sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.
Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng lúa, gạo hữu cơ vụ Xuân năm 2022 tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa). |
Để hoàn thành mục tiêu của thành phố giao, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện thực hiện giải pháp tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường chuỗi liên kết; hỗ trợ địa phương mở rộng quy mô các cơ sở sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn chung; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý… cho các sản phẩm lúa gạo đặc sản.
Để tăng cường hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất lúa, gạo đặc sản của Thủ đô, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: “Các doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ được hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu để xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị sơ chế, xe vận chuyển, cũng như được đào tạo các kỹ năng cần thiết trong chuỗi lúa gạo. Với sự hỗ trợ đồng bộ từ khâu giống, sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, phân phối lưu thông... sản phẩm lúa gạo đặc sản của Hà Nội chắc chắn sẽ có nhiều bước tiến mới”.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội Lê Văn Tuấn, để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản, ngành nông nghiệp cần tập trung tổ chức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn; khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu; đồng thời hỗ trợ về mặt bằng, pháp lý về đất đai để phát triển cơ sở bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ sản xuất… đáp ứng tiêu chuẩn cao với định hướng xuất khẩu tới các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Bài, ảnh: NGỌC HUY
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.