Khán giả yêu cầu rất cao với sân khấu
Sau thời gian trầm lắng bởi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nghệ thuật sân khấu đang hồi sinh với các cuộc thi, liên hoan trong nước và quốc tế, cũng như hoạt động biểu diễn rộn ràng.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định: Sân khấu đang có những bứt phá đáng kể và hứa hẹn nhiều khởi sắc.
Phóng viên (PV): Thưa bà, bà đánh giá thế nào về hoạt động của nghệ thuật sân khấu thời gian này?
NSND Trịnh Thúy Mùi: Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nghệ sĩ sân khấu đã rất lo lắng và bức bối. Tôi từng nhận được nhiều cuộc điện thoại rằng, liệu sân khấu có còn tồn tại hay không? Nghệ sĩ có giữ được tâm huyết mà trở lại với sân khấu không hay phải bỏ nghề?... Những trăn trở đó chính là sự mong mỏi làm nghề của các nghệ sĩ. Do đó, ngay sau khi đại dịch qua đi, sân khấu đã hoạt động, hồi sinh một cách mạnh mẽ. Thấy khá rõ là Liên hoan chèo toàn quốc vừa được tổ chức tháng 10 tại Hà Nam, Liên hoan cải lương toàn quốc diễn ra tháng 11 tại Long An và tới đây là Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm. Ở mỗi liên hoan, hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên, thành phần sáng tạo nhiệt huyết mang tới cả chục vở diễn, sáng đèn sân khấu và tạo nên những ngày hội cho nghệ sĩ, khán giả cả nửa tháng trời. Ngoài liên hoan, suất diễn của các đơn vị so với tần suất trước đại dịch Covid-19 nhiều hơn hẳn. Đấy như một cơn khát của nghệ sĩ mong muốn được phục vụ nhân dân.
Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi. |
Các đơn vị nghệ thuật liên tục dàn dựng và tổ chức chương trình nghệ thuật, vở diễn mới. Nhiều đơn vị duy trì các suất diễn liên tục trong tuần, phía Bắc có Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, hay đơn vị xã hội hóa-sân khấu Lệ Ngọc luôn dẫn đầu về suất diễn phục vụ khán giả.
Ở sân khấu phía Nam nở rộ hơn, có những vở diễn dự Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đã đưa vào diễn thường xuyên và nhận được sự đón nhận của khán giả. Trong đó, Sân khấu Kịch Idecaf liên tục “cháy” vé, từ tháng 9 đến nay chưa nghỉ đêm diễn nào, lịch diễn thậm chí đã kín đến tận cuối năm. Điều này chưa từng có trong gần 10 năm trở lại đây của sân khấu. Qua đó cũng thể hiện khán giả luôn chờ đợi sân khấu, đến sân khấu để thỏa mãn sự đam mê, cùng khóc cùng cười, cùng thăng hoa với nhân vật, với nghệ sĩ.
PV: Nở rộ vở diễn, sân khấu đỏ đèn, như vậy cũng đồng nghĩa với việc sân khấu đã có những bước chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả?
NSND Trịnh Thúy Mùi: Đúng vậy. Có thể khẳng định sân khấu đang dần “thay da đổi thịt”. Nghệ sĩ, người làm sân khấu trong thời gian đại dịch không đi đâu được, không chạy “sô” nên đã dành nhiều thời gian cho tư duy nghệ thuật và đến giờ cho ra đời những tác phẩm chất lượng hơn hẳn so với những năm trước đây, được khán giả đón nhận.
PV: Có thể thấy, sân khấu đang có những bước thay đổi thuận lợi, cùng với đó là sự quan tâm của các cấp quản lý văn hóa, địa phương trong việc liên tục tổ chức những liên hoan, sự kiện. Vậy theo bà, sân khấu có những hứa hẹn gì trong thời gian tới?
Cảnh trong vở rối “Bản tình ca trên núi” của Nhà hát Múa rối Việt Nam tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V.Ảnh: VIỆT LAM. |
NSND Trịnh Thúy Mùi: Hiện nay, đội ngũ sáng tạo và đội ngũ biểu diễn đã nhìn nhận khán giả đang yêu cầu rất cao về nghệ thuật. Chính vì vậy, trong các kỳ cuộc liên hoan, vở diễn chất lượng được nâng cao. Đông đảo thể loại nhất vẫn là sân khấu, từ kịch nói, cải lương, tuồng, chèo, dân ca kịch, múa rối, xiếc...; rồi trong mỗi thể loại lại có 5-7 hình thức thể hiện như chèo có ca, múa, kịch... Tôi cho rằng đã đến lúc khán giả và cả nghệ sĩ không thể chấp nhận những vở diễn kém chất lượng.
Sau mỗi cuộc liên hoan, các đơn vị nghệ thuật đưa đi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn, Nhà hát Kịch Việt Nam phân công 2-3 đoàn đi diễn tại Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ, các tỉnh miền Trung... Nhà hát Tuổi trẻ mời cả đạo diễn và các thành phần sáng tạo là nghệ sĩ nước ngoài, phối hợp với các tổ chức quốc tế dàn dựng vở. Đây cũng là đơn vị nghệ thuật tiên phong trong cơ chế thị trường; họ vẫn đang duy trì phong độ đó.
Các đơn vị sân khấu truyền thống như chèo, cải lương, tuồng khó khăn hơn một chút, chưa bắt kịp được xu hướng hiện đại vì các thể loại này có đặc trưng, biểu diễn phụ thuộc vào mùa diễn là 4 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy các đơn vị này đang có tư duy đổi mới khi phân bổ kế hoạch hoạt động, các tháng thấp điểm thì tập trung dàn dựng kịch mục để có tác phẩm chất lượng phục vụ nhân dân khi mùa diễn đến.
PV: Tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, năm 2022 tổ chức từ ngày 15 đến 26-11, Hội Nghệ sĩ sân khấu đặt kỳ vọng gì, thưa bà?
NSND Trịnh Thúy Mùi: Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm nay bên cạnh 6 đoàn quốc tế tham gia với 6 vở diễn, chúng tôi đã nhận được 30 vở diễn của các đơn vị trong nước, nhưng chỉ chọn 15 vở đáp ứng tiêu chí sáng tạo thử nghiệm, có chất lượng tốt. Đây cũng là con số đáng tự hào, chúng tôi ghi nhận sức cống hiến, sáng tạo, đam mê của nghệ sĩ.
Để tiếp thêm động lực cho các đơn vị, nghệ sĩ, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động như tổ chức trại sáng tác kịch bản, các hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình... Mục đích là để nghệ thuật sân khấu sẽ "khoác trên mình chiếc áo mới" đa sắc và có chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.