“Khe cửa hẹp” nào cho TikTok ở Mỹ?
Số phận TikTok tại Mỹ một lần nữa lại rơi vào thế bấp bênh khi các nhà lập pháp ở Washington đang xúc tiến dự luật có thể khiến nền tảng mạng xã hội này bị cấm trên toàn quốc. Liệu có còn “khe cửa hẹp” nào cho TikTok tại Mỹ hay không sau khi đã một số lần “thoát nạn”?
Trên thực tế, việc cấm hoàn toàn TikTok tại Mỹ là việc không đơn giản, bằng chứng là sau nhiều lần nỗ lực, Washington vẫn chưa thể làm được điều mình muốn. Cho đến nay, tại Mỹ, TikTok mới chỉ bị cấm trên các thiết bị liên bang từ tháng 2-2023 và hơn một nửa số bang cũng đã cấm cài đặt ứng dụng này trên thiết bị chính phủ. Montana trở thành bang đầu tiên cấm hoàn toàn TikTok vào tháng 5 năm ngoái.
Còn nhớ, vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cấm nền tảng truyền thông xã hội này bằng một sắc lệnh, nhưng sau đó, nỗ lực này bị tòa án chặn lại vì bị TikTok khởi kiện. Chính quyền ông Trump cũng đã thúc đẩy một thỏa thuận vào năm 2020, theo đó, các tập đoàn Oracle và Walmart của Mỹ sẽ nắm giữ cổ phần lớn trong TikTok vì lý do an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, thương vụ này không bao giờ được thực hiện vì một số lý do, một trong số đó là do Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với các nhà cung cấp công nghệ. Mặc dù sau đó chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thu hồi sắc lệnh của ông Trump, Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ vẫn thực hiện công việc đánh giá TikTok. Chính ủy ban nội bộ này từng dọa cấm TikTok vào năm ngoái nếu các chủ sở hữu là công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc không thoái vốn cổ phần.
Ngoài ra, những nỗ lực khác từ các nhà lập pháp liên bang nhằm ban hành lệnh cấm trên toàn quốc cũng bị đình trệ vào năm ngoái trong bối cảnh TikTok cũng như những người có ảnh hưởng và doanh nghiệp nhỏ sử dụng chính nền tảng này vận động hành lang. Việc Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật sẽ cấm TikTok nếu ByteDance không bán cổ phần của họ trong vòng 6 tháng kể từ khi dự luật này được ký ban hành thành luật, là nỗ lực mới nhất của chính quyền Washington nhằm cấm cửa nền tảng mạng xã hội này trên cả nước. Nếu được Thượng viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành, mà chủ sở hữu TikTok không có những động thái nhượng bộ, số phận mạng xã hội này sẽ được định đoạt.
Chính quyền Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực cấm TikTok trên cả nước (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters |
Tương lai của nền tảng này vẫn đang là một dấu hỏi. Dự luật lần này đặt ByteDance trước hai lựa chọn: Bán TikTok hoặc sẽ bị Mỹ cấm cửa. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tại Thượng viện, nơi một số dự luật nhằm cấm TikTok đã bị đình trệ. Các nhà lập pháp ở Thượng viện đã chỉ ra rằng dự luật này sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Tổng thống Joe Biden cho biết, ông sẽ ký ban hành luật một khi các nhà lập pháp ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua. Nếu điều đó xảy ra, ByteDance sẽ có 180 ngày để bán TikTok cho người mua nào đủ điều kiện. Nhưng giới chuyên gia cho rằng rất khó để ByteDance bán TikTok trong vài tháng tới. TikTok cũng có thể kiện ra tòa, như cách công ty từng làm để chống lại các nỗ lực khác nhằm cấm nền tảng này ở cả cấp quốc gia và cấp tiểu bang.
Trong khi đó, theo Reuters, nếu Tổng thống Joe Biden giữ lời hứa ký dự luật thì ông có thể sẽ làm mất đi nền tảng mà đội ngũ vận động tái tranh cử của chính ông và các thành viên của Đảng Dân chủ đang sử dụng để tiếp cận với các cử tri trẻ. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden đã nhận được hàng nghìn lượt yêu thích cho một video đăng trên TikTok vào ngày 12-3 vừa qua, với nội dung nói xấu đối thủ Trump của Đảng Cộng hòa về việc cắt giảm chi tiêu an sinh xã hội.
Các chiến lược gia về chính trị cho biết cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới sẽ rất sít sao và các cử tri có thiên hướng ủng hộ Đảng Dân chủ đã chuyển sang sử dụng ứng dụng TikTok trong những năm gần đây. Người dùng TikTok phần lớn thuộc về các nhóm bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Chiến dịch tranh cử của ông Trump không có tài khoản TikTok chính thức.
Theo một nghiên cứu năm 2023 từ Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 60% số người thường xuyên sử dụng tin tức của TikTok tại Mỹ là thành viên của Đảng Dân chủ hoặc thiên về ủng hộ đảng này; 19% người dùng TikTok là người da màu và 30% là người gốc Tây Ban Nha, so với khoảng 14% và 19% dân số Mỹ nói chung; khoảng 44% người xem tin tức trên TikTok ở độ tuổi từ 18 đến 29.
Không rõ ông Biden cân nhắc ra sao trước những phân tích này. Một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng khẳng định: “Không lo ngại về tác động của lệnh cấm đối với cơ hội tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden” vì ông Trump cũng phản đối dự luật này và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer chưa cam kết sẽ đưa dự luật này ra bỏ phiếu.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng khác cho biết: “Những lo ngại về an ninh quốc gia là vấn đề lớn nhất. Tổng thống Joe Biden không nghĩ đến vấn đề an ninh quốc gia dựa trên đánh giá của người dùng về việc họ có hài lòng trên TikTok hay bất kỳ nền tảng nào khác hay không”.
MAI NGUYÊN
Tin mới
Tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi
Sáng 12-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi: “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)”.
Cà Mau: Công bố quyết định xếp hạng di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
Ngày 12-11, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).
Phát huy giá trị tổ hợp công trình văn hóa đa năng, hiện đại
Được đầu tư xây dựng và mới đưa vào hoạt động, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tạo sức hút lớn đối với khách tham quan. Công trình là một thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp, hiện đại, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Quân đội và quốc gia; phản ánh toàn diện, sâu sắc về di sản văn hóa quân sự Việt Nam qua các thời đại, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử quân sự cho bộ đội và nhân dân.
Đổi mới tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển
Ngày 12-11, tiếp tục Kỳ họp thứ tám, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Thức dậy những hồi ức đẹp từ bên kia bán cầu
Trước thời điểm chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Arturo M.Benitez, thủ đô Santiago thăm chính thức Chile, tiếp đó là Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC thì nhiều nhật báo ở Mỹ Latin đã có các bài viết về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latin, điển hình nhất là bài viết trên tờ NotiMass Guerrero.
Chủ tịch nước Lương Cường đến Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
Vào lúc 15 giờ 45 phút ngày 12-11, theo giờ địa phương (rạng sáng 13-11, giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Jorge Chavez ở thủ đô Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra.