Khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo diễn viên xiếc
Qua Cuộc thi tài năng xiếc toàn quốc 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội, nghệ thuật xiếc Việt Nam được đánh giá có sự đổi mới.
Tuy nhiên, nhìn vào con số 4 đơn vị nghệ thuật tham gia cuộc thi với gần 100 diễn viên xiếc, trong đó gương mặt trẻ và mới không nhiều, cũng khiến người làm nghề chạnh lòng nếu so sánh với các cuộc thi tài năng sân khấu khác như chèo, kịch nói...
Khó như tìm tài năng xiếc
Là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật xiếc, tài năng chưa được tham gia biểu diễn nhiều trên sân khấu, nhưng tại Cuộc thi tài năng xiếc toàn quốc 2024, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ là các đơn vị nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp để thắng lớn. Trong 10 giải thưởng chính thức được trao tại cuộc thi, nhà trường đoạt 1 giải nhất (tiết mục đạp trống “Tiếng vọng miền sơn cước”), 2 giải nhì (các tiết mục đu quăng lưới bật đạp người “Đối lập” và dây lụa “Nỗi oan Thị Kính”) cùng 1 giải đạo diễn cho Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Bên cạnh đó, tiết mục dạy thú tổng hợp “Phiên chợ Ba Tư” của nhà trường nhận giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; đồng thời, một số diễn viên của Trường được Liên chi hội Xiếc Việt Nam trao các giải Diễn viên triển vọng và Diễn viên trẻ xuất sắc.
“Các thí sinh dự thi đều đến từ những đơn vị nghệ thuật xiếc lớn. Do vậy, việc học sinh của Trường đạt thành tích như vậy là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các em cũng như các thầy, cô giáo chúng tôi”, NSƯT Ngô Lê Thắng cho biết.
Tiết mục đạp trống “Tiếng vọng miền sơn cước” của Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đoạt giải nhất tại cuộc thi. Ảnh: THANH HÀ |
Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam hiện là đơn vị công lập duy nhất tại Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc và tạp kỹ, đồng thời cung cấp lượng diễn viên rất lớn cho tất cả các đoàn nghệ thuật xiếc trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo NSƯT Ngô Lê Thắng, việc tuyển được học sinh mới, tài năng không khác “đãi cát tìm vàng”. Mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường chọn được 48 học viên nhập học (chỉ tiêu trung bình khoảng 35 học viên). Để có được con số này, khoảng 10.000 thí sinh dự thi đã tham gia vòng sơ tuyển, tiếp đó, khoảng 400 em được chọn vào vòng 1, rồi sàng lọc dần qua các vòng trung tuyển và phúc tuyển. Trong rất nhiều khó khăn, thì rào cản lớn nhất với đơn vị đào tạo này vẫn là việc tìm được những học sinh ở độ tuổi 11-12 tuổi đủ say mê với xiếc.
Tuyển sinh phổ biến nhất của nhà trường hằng năm vẫn là phương thức tới hàng trăm trường tiểu học trên cả nước để biểu diễn trực quan, rồi thăm dò xem em nào thích xiếc. Nếu có thì câu chuyện tiếp theo là quá trình làm việc của Trường với phụ huynh. Thực tế cho thấy, nếu không quan tâm từ trước, không nhiều bố mẹ muốn cho con theo chuyên ngành này; rồi tấm bằng tốt nghiệp hệ trung cấp hiện tại khiến các em ra trường chỉ được xét theo bậc tương đương diễn viên bậc 4...
Như lời NSƯT Ngô Lê Thắng, nhà trường đang đề xuất nâng cấp lên cao đẳng để nâng cao và mở rộng công tác tuyển sinh, đào tạo. Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật tư nhân cũng đặt ra nhu cầu về nguồn diễn viên này. Do vậy, việc kết nối để xây dựng các kế hoạch trung và dài hạn giữa Trường với các đơn vị nghệ thuật xiếc là điều cần được đẩy mạnh trong tương lai.
Cần đầu tư tương xứng
Vượt khó, gần 100 tài năng xiếc đã hội tụ so tài tại Cuộc thi tài năng xiếc toàn quốc 2024. Theo đánh giá của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi, so với những lần trước, cuộc thi năm nay có quy mô lớn hơn, cho thấy sự đổi mới của nghệ thuật xiếc Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới. Từ những tiết mục được trao thưởng thể hiện sự đầu tư của thí sinh, phong cách biểu diễn cũng như sự sáng tạo trong từng tiết mục gây bất ngờ cho Ban giám khảo và khán giả, làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn, cách nghĩ về xiếc. Nghệ sĩ thử nghiệm cái mới, tạo ra sức hấp dẫn đối với người xem trong các đêm thi.
“Từ cuộc thi, xiếc chuẩn bị đón chờ một thế hệ mới, thế hệ diễn viên trẻ tài năng biết tận dụng cơ hội của công nghệ, sự hội nhập của đất nước để có những phần trình diễn đặc sắc”, NSND Tống Toàn Thắng cho hay.
Tuy nhiên, ở cuộc thi cũng bộc lộ những bất cập. Theo Chủ tịch Hội đồng giám khảo, những đơn vị được đầu tư, có định hướng thì tiết mục rất phong phú, khác biệt. Phần nhiều tiết mục tại cuộc thi chưa sáng tạo, kỹ thuật chưa cao nên chưa thể hiện được hết năng lực của diễn viên. Chính vì thế, từ cuộc thi, các đơn vị, địa phương cũng cần nhìn nhận lại cách đầu tư, khuyến khích sự sáng tạo đổi mới của nghệ sĩ để nâng cao tính nghệ thuật, giải trí, bởi nghệ thuật xiếc vẫn luôn là “món ăn tinh thần” hấp dẫn khán giả.
Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng, người làm nghệ thuật xiếc những năm gần đây đã nỗ lực, năng động, sáng tạo để làm thay đổi cách nhìn nhận của khán giả đối với nghệ thuật xiếc. Những chiến lược, giải pháp đã góp phần mở rộng đối tượng khán giả đến với xiếc, không chỉ thiếu nhi, mà còn nhiều đối tượng khán giả ở các lứa tuổi khác nhau. Chẳng hạn ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, không chờ khán giả đến rạp mà có cách tiếp cận, tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của khán giả như hằng năm tổ chức hội nghị khách hàng với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, đại diện lãnh đạo ngành giáo dục-đào tạo; dàn dựng chương trình theo kịch mục, chủ đề, xây dựng tác phẩm công phu trong sự kết hợp với các loại hình khác như nhảy múa, cải lương... tạo nên sản phẩm văn hóa-du lịch hấp dẫn.
PHẠM THỦY
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.