Khởi đầu cho những mối quan hệ hợp tác mới
Sau 3 ngày mở cửa, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã kết thúc vào chiều qua (10-12).
Sức hút đặc biệt từ sân bay Gia Lâm
Tác nghiệp tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) suốt 3 ngày diễn ra Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã cảm nhận rõ sức hút đặc biệt mà sự kiện này tạo ra.
Một trong những minh chứng cho sức hút đặc biệt ấy là sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức triển lãm, song đã có hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp CNQP, an ninh của 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ đem sản phẩm đến trưng bày. Những sản phẩm có mặt tại triển lãm cũng rất đa dạng, với các loại phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho tất cả lực lượng hải quân, lục quân, phòng không-không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật. Đáng chú ý, trong đó có nhiều sản phẩm do chính các đơn vị Quân đội và doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, chế tạo như: Tổng cục CNQP, Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), các công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng và Cục Công nghiệp An ninh (Bộ Công an)...
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 nghe giới thiệu về sản phẩm trưng bày tại một gian hàng. Ảnh: TUẤN HUY |
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một triển lãm quốc phòng quốc tế cũng là lần đầu tiên nhiều người được tận mắt chứng kiến những sản phẩm, vũ khí trang bị do nền CNQP Việt Nam tự chủ sản xuất và hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất, cùng với đó là những loại vũ khí của các nhà sản xuất CNQP hàng đầu thế giới. “Triển lãm giúp tôi có cơ hội rất hiếm để tìm hiểu thông tin, sờ tận tay những chiếc máy bay chở hàng quân sự, máy bay không người lái lưỡng dụng, tên lửa, radar, robot tự động, xe tăng T90, xe đặc chủng... mà trước giờ chỉ thấy trên báo chí và mạng xã hội”, Đại tá Khamvaen Labuamahaxay, Quân đội nhân dân Lào hồ hởi nói.
Chia sẻ với nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân sau khi đi một vòng khu trưng bày ngoài trời, Trung úy Camille Jovi Baybayan cho biết, cô thuộc thành phần đoàn Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đến thăm triển lãm nhân dịp sang Việt Nam tham dự Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”. Trung úy Baybayan dành nhiều thời gian tìm hiểu các vũ khí, trang bị, sản phẩm trưng bày tại những gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam. Cô tỏ ra bất ngờ khi thấy nhiều vũ khí, trang bị như các loại súng bộ binh, đạn cối, đạn pháo, radar, máy bay không người lái, hệ thống thông tin quân sự, hệ thống tự động hóa hay hệ thống mô phỏng hiện đại... đều được phía Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Tự nhận mình là một người đam mê tìm hiểu về công nghệ quốc phòng, Trung úy Baybayan cho rằng những sản phẩm này luôn đòi hỏi yêu cầu sự đầu tư, năng lực, kỹ năng rất cao.
Bên cạnh đó, khu vực không gian văn hóa, không gian ẩm thực của triển lãm cũng rất “hút khách”. Bởi, hầu hết lãnh đạo, nhân viên của các công ty CNQP nước ngoài tham gia triển lãm đều tất bật với việc chào hàng, tư vấn sản phẩm, kết nối đối tác và không có thời gian đi thăm phố phường Hà Nội. Không gian văn hóa và ẩm thực là nơi mà họ có thể tranh thủ thưởng thức một vài món ăn phổ biến và tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Sự quan tâm đối với Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 có lẽ khiến ngay cả những người làm công tác tổ chức sự kiện này cũng phải bất ngờ khi nửa tiếng trước giờ triển lãm đóng cửa, khách tham quan quốc tế, người dân Hà Nội và các địa phương lân cận vẫn xếp thành hàng dài cả cây số trước cửa ra vào.
Đối tác và khách quốc tế nói gì?
Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 không chỉ là dịp để quảng bá về năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do CNQP Việt Nam sản xuất mà còn mở ra những cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nước ngoài với nhau. Đây cũng là nhận định của nhiều khách quốc tế tham quan triển lãm, trong đó có cả lãnh đạo Quân đội và đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam.
Sau khi tham dự Lễ khai mạc triển lãm, Quốc vụ khanh về Lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh James Heappey chia sẻ: “Tôi rất vui mừng được tham dự triển lãm lần này và xin chúc mừng những người bạn của chúng tôi tại Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức thành công một sự kiện quy mô lớn như vậy. Thật tuyệt khi thấy sự quan tâm của một loạt công ty có liên kết với Vương quốc Anh như Thales, Airbus và Steel Core Designs. Tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều đơn vị mong muốn tham gia triển lãm vào năm 2024”. Ông Heappey cho biết tại triển lãm lần này, các công ty của Anh mang tới nhiều công nghệ mới, tiên tiến. Đây cũng là thời điểm thích hợp để giới thiệu những cơ hội hợp tác với Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong lĩnh vực CNQP.
Đánh giá cao đối với công tác tổ chức của Bộ Quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là lễ khai mạc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper nhận định các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 nhằm tăng cường hiểu biết và tìm kiếm các cơ hội hợp tác phù hợp về CNQP, đồng thời hy vọng triển lãm sẽ giúp làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Trong các cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam cũng như nước ngoài đều nhắc đi nhắc lại mong muốn Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục tổ chức những triển lãm tương tự để họ có cơ hội nghiên cứu và mở rộng thị trường, kết nối với các đối tác mới, tìm thêm những nguồn khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ, vũ khí trang bị.
Có thể khẳng định, Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 đã thành công vượt kỳ vọng về nhiều mặt. Thành công của triển lãm lần này đánh dấu nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với tất cả các nước vì hòa bình và phát triển, đồng thời là bước khởi đầu cho những mối quan hệ hợp tác mới trong lĩnh vực CNQP.
HIẾU VŨ - LINH THẢO
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.