• Click để copy

Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Ngày 29-11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến (TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo, dự và chỉ đạo. Tham dự hội thảo có hơn 500 đại biểu là đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, văn nghệ sĩ tiêu biểu.

Tính cấp thiết xây dựng các hệ giá trị

Hiện nay, có nhiều định nghĩa, quan điểm khác nhau về hệ giá trị. Song có thể hiểu hệ giá trị là tập hợp các giá trị được con người đánh giá mang ý nghĩa tích cực trong một bối cảnh không gian-thời gian cụ thể. Hệ giá trị có chức năng định hướng rất quan trọng, là động lực to lớn cho sự phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, nhất thiết phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. 

Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. Ở nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, Tổng Bí thư đã định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Phát biểu định hướng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư, Hội thảo phân tích, làm rõ các hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Hội thảo góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Học sinh Trường THCS Trưng Vương trong Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ nhất-năm 2021. Ảnh: THANH TÙNG 

Gìn giữ giá trị truyền thống, tiếp thu chọn lọc giá trị mới

Với lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam đã hun đúc những giá trị cốt lõi giúp cố kết dân tộc để vượt qua bao khó khăn, thử thách. Con người Việt Nam luôn có sẵn trong tâm hồn những giá trị thiêng liêng, cao quý, đó là “yêu nước”, “đoàn kết”, “tự cường”. Đây chính là nguồn sức mạnh to lớn để dân tộc ta chiến thắng biết bao kẻ thù xâm lược, bền chí dựng xây đất nước, hình thành nên những giá trị quốc gia, đó là “hòa bình”, “thống nhất”, “độc lập”, “dân giàu”, “nước mạnh”.

Những giá trị cốt lõi kể trên có tính truyền thống, “di truyền” từ đời này sang đời khác. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí về việc tiếp tục đề cao các giá trị truyền thống, miễn là các giá trị đó thích hợp với bối cảnh thời đại hiện nay.

Bên trong các hệ giá trị, mỗi giá trị đơn lẻ có mối quan hệ biện chứng với nhau. Các giá trị truyền thống sẽ tiếp tục tỏa sáng khi được đặt cạnh những giá trị mới mang tính thời đại, tính toàn cầu đã được chọn lọc. Đơn cử, khi bàn về hệ giá trị gia đình, hai khái niệm truyền thống là “ấm no” và “hạnh phúc” sẽ được củng cố, phát huy nếu đồng thời tiếp nhận giá trị mới là “tiến bộ” và “văn minh”, cụ thể như cùng bàn bạc đưa ra các quyết định, san sẻ trách nhiệm trong các công việc gia đình...  PGS, TS Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học, cho rằng: “Việc phát huy những yếu tố tích cực trong các giá trị gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị mới làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa gia đình trong thời kỳ hội nhập”.

Mặt khác, có những giá trị mới cần phải được đề cao hơn để phát triển đất nước. TS Hồ Bá Thâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực-nhân tài TP Hồ Chí Minh, đề nghị: “Không nên đặt giá trị “sáng tạo” ở vị trí cuối cùng trong chuẩn mực con người Việt Nam. Bởi lẽ, sáng tạo là thành tố then chốt ở thời đại công nghiệp 4.0; khuyến khích sự sáng tạo trong mỗi con người Việt Nam thì mới có quốc gia sáng tạo, mới có nhiều phát kiến giúp dân giàu, nước mạnh”.

Phát huy vai trò của các hệ giá trị trong đời sống

Sau Hội thảo này, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục các chương trình nghiên cứu, tổ chức thảo luận, trao đổi khoa học, làm việc nhóm theo định hướng để đi tới sự đồng thuận nhằm xác định các giá trị cụ thể. GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, kiến nghị: “Để xây dựng các hệ giá trị, cần có một bộ phận chỉ đạo và điều hành theo một dự án, một kế hoạch có thời hạn. Các kết quả nghiên cứu về các hệ giá trị cần được cơ quan có thẩm quyền thảo luận và thông qua, trở thành một văn bản có tính định hướng giúp mọi người và toàn xã hội tự nguyện, tự giác thực hiện”.

Bản chất các hệ giá trị không phải là những điều luật có tính chất bắt buộc, vì vậy theo nhiều nhà nghiên cứu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy vai trò của các hệ giá trị trong đời sống.

Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị cần được ưu tiên. Nhiều đại biểu dự Hội thảo cho rằng: Với những giá trị truyền thống cốt lõi như “yêu nước”, “đoàn kết” vốn đã thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục thì nay càng cần phải tiếp tục đẩy mạnh. Những giá trị mới lại cần đến những hình thức tuyên truyền, giáo dục đa dạng, sinh động, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng. Theo PGS, TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người: “Thời gian học sinh, sinh viên hiện nay ở nhà trường còn nhiều hơn ở với gia đình. Cho nên, cần nghiên cứu đưa nội dung hệ giá trị vào chương trình giáo dục để giới trẻ hiểu được nội hàm các giá trị, từ đó hình thành trong ý thức và xây dựng động cơ hành động theo sự định hướng đúng đắn của các hệ giá trị”.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương và đánh giá rất cao công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các chuyên gia, đội ngũ văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí, truyền thông.

Từ kết quả Hội thảo, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp, đó là: Cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị theo phát biểu định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và được sự đồng thuận, thống nhất rất cao trong Hội thảo.

Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, vừa tiến hành cụ thể hóa các hệ giá trị nêu trên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương. Cấp ủy và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị nêu trên trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

Các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp để nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị đã được nêu trong Hội thảo.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.