Khơi nguồn cảm hứng, trách nhiệm sáng tạo của văn nghệ sĩ
“Sau Hội nghị văn hóa diễn ra ngày 24-11-2021 đã tạo ra hai điểm vô cùng cơ bản, đó là cảm hứng sáng tạo và trách nhiệm sáng tạo của văn nghệ sĩ ở giai đoạn mới. Năm vừa qua đã có rất nhiều văn nghệ sĩ làm việc trong tinh thần sáng tạo đó để mang đến kết quả hết sức có giá trị trong mùa trao giải văn học-nghệ thuật (VHNT) 2022”, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Khích lệ cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ
Phóng viên (PV): Vào những ngày đầu xuân mới 2023, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Liên hiệp) đã tổ chức trao giải năm 2022. Ông đánh giá như thế nào về mùa giải này?
PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đây là mùa giải thứ hai nhiệm kỳ X (2020-2025) của Liên hiệp. Tuy mới vào mùa trao giải lần thứ hai nhưng chúng tôi nhận định đã có bước chuyển biến rất rõ nét. Điều đầu tiên là việc tham gia của các văn nghệ sĩ hội viên 63 hội VHNT trong cả nước cùng 10 hội chuyên ngành Trung ương tham gia nhiệt tình, với sự chọn lựa khắt khe, công tâm đã giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất. Nổi bật là những hội địa phương có nhiều tác phẩm thơ, văn, nhiếp ảnh hay âm nhạc được chọn lựa kỹ càng, nâng cao chất lượng tác phẩm, đúng với tiêu chí của Liên hiệp; mở rộng khuyến khích những tài năng trẻ, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn; các hội VHNT đều có khởi động và tham gia giải với ý thức phấn khởi, trách nhiệm.
![]() |
PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân |
Trong lĩnh vực văn học, thơ và văn xuôi có bước tiến đáng kể, nhiều tác phẩm tốt, được sáng tác bởi hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vì vậy, quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp ngay những tác giả đoạt giải cao là sự khuyến khích và phát hiện những tài năng mới. Đây chính là điều mà các hội chuyên ngành khác có thể tham khảo, vận dụng.
Nhìn lại có thể thấy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, mùa giải thu được kết quả rất tốt đẹp. Có kết quả này là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, ngay từ cơ sở đã có những hội đồng lựa chọn chính xác. Bài học rút ra là năm tới chúng tôi sẽ triển khai sớm hơn việc phổ biến quy chế, phát động để các hội tập trung vào các chủ đề. Ví như năm tới hướng vào chủ đề đất nước, hướng tới cột mốc 50 năm non sông thu về một mối, cũng là đổi mới của VHNT... Có chủ đề thì văn nghệ sĩ sẽ tập trung, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo để hy vọng có tác phẩm đỉnh cao như mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
PV: Ông có cho rằng chất lượng và giá trị của các tác phẩm đoạt giải thưởng cao năm nay sẽ tạo dấu ấn?
PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Lần này Hội đồng nghệ thuật của Liên hiệp căn cứ vào đề xuất của hội chuyên ngành và các hội địa phương quyết định trao 10 giải A các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học, âm nhạc... qua đó cho thấy nhiều tác giả đã bám sát vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu, tìm hiểu của công chúng. Chẳng hạn, kiến trúc xanh đã trở thành nhu cầu rất thiết thực của người dân hiện nay, do đó Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trao giải A cho công trình “Nhà Bình Dương”-nhà ở nông thôn mới của kiến trúc sư Phan Lâm Nhật Nam và Trần Cẩm Linh. Hoặc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã lựa chọn tác phẩm mang âm hưởng Tây Nguyên hoàn toàn mới và có giá trị nghệ thuật “Ơi con sông mặt trời” của tác giả Nguyễn Đình Nghĩ. Hay kịch bản sân khấu về đề tài biển, đảo “Đất liền và biển cả” của tác giả Nguyễn Đăng Chương được nhiều đơn vị nghệ thuật chèo, cải lương chọn dàn dựng và đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi sân khấu năm 2022...
![]() |
Trường đoạn 4 với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên” trong tác phẩm mỹ thuật panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - tác phẩm được trao giải A chuyên ngành mỹ thuật Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2022. Ảnh: HỒNG HÀ |
Như thế để thấy đề tài phải luôn bám sát hơi thở cuộc sống, nhưng sự phát hiện, sáng tạo của tác giả quyết định chất lượng tác phẩm. Đó chính là sự sáng tạo không lặp lại. Điều quan trọng nhất trong sáng tạo VHNT là bám vào hình tượng và truyền thống dân tộc. Nội dung và nghệ thuật là hai yếu tố quyết định chất lượng của tác phẩm, nhất là tác phẩm mới. Khi nào chúng ta có nhiều nét dân tộc, truyền thống dân tộc và kho tàng dân tộc thấm đượm, đầy ắp thì tác phẩm của văn nghệ sĩ ra đời rất tươi mới, có sức thuyết phục và chiều sâu. Điển hình phải kể tới là Hội Mỹ thuật Việt Nam có tác phẩm về Chiến thắng Điện Biên Phủ qua bức tranh tròn panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) do ông Nguyễn Văn Mạc và nhóm tác giả thực hiện, đã trở thành tác phẩm mỹ thuật lớn được công chúng đón nhận, đạt hiệu ứng giá trị nghệ thuật ngay sau khi hoàn thành.
Phát huy nguồn lực, đưa văn học-nghệ thuật đến với công chúng
PV: Theo ông, đâu là mặt hạn chế trong mùa giải năm nay?
PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Hạn chế lớn nhất phải kể đến là các hội VHNT địa phương chưa có nhiều đầu tư cho tác phẩm, nhất là điện ảnh và sân khấu. Để làm một tác phẩm điện ảnh phải có máy quay, dàn dựng, kinh phí... Đây là vấn đề mà các hội đang thiếu và yếu trong nhiều năm qua. Ngoài điện ảnh thì các chuyên ngành khác là sân khấu, múa, kiến trúc tại các hội VHNT địa phương, trình độ và năng lực sáng tạo của hội viên còn hạn chế, nên hằng năm có ít tác giả có tác phẩm dự xét giải; có hội không tìm được tác phẩm xuất sắc nào để gửi xét giải hoặc có giải thưởng; tác phẩm xét giải ít nhiều còn chưa vượt khỏi tính nghiệp dư.
PV: Làm thế nào để tác phẩm VHNT đến được với khán giả sau mùa giải chứ không chỉ dừng ở việc vinh danh, thưa ông?
PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nghị quyết của Đảng về phát triển VHNT trong nhiều năm qua là kim chỉ nam chính xác và đến nay luôn có giá trị. Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay đối với văn nghệ sĩ là khi đưa nghị quyết của Đảng vào thực tế thì chúng ta thiếu những cơ chế, chính sách, đặc biệt là chưa tìm được nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực và tài chính. Tôi lấy ví dụ, mùa giải Oscar 2020, Hàn Quốc có phim được vinh danh, ngoài giá trị nghệ thuật cả thế giới ngưỡng mộ thì tác phẩm đạt được giá trị tài chính rất lớn. Theo thống kê, một doanh nghiệp sản xuất ô tô đầu tư cho phim đã công bố giá trị lợi nhuận thu được từ bộ phim tương đương giá trị 50.000 chiếc xe hạng sang của họ. Đây luôn là niềm ước ao của văn nghệ sĩ nước ta. Nếu chúng ta thông được cơ chế, chính sách giữa các ban, ngành, giữa các nguồn lực thì sự cởi mở cho văn nghệ sĩ sẽ rất thuận lợi.
Điều đáng mừng là năm vừa qua văn nghệ sĩ đều đồng tâm nhất trí kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021. Hội nghị đã kích hoạt sự cống hiến và tạo niềm tin mới cho văn nghệ sĩ. Khi đã có niềm tin, có sự hứng khởi thì sau đam mê dấn thân sẽ khơi nguồn cảm hứng và từ đó văn nghệ sĩ nâng cao trách nhiệm sáng tạo nhiều hơn cho VHNT. Vì vậy, chúng tôi luôn hy vọng sẽ có nhiều nữa những tác phẩm VHNT chất lượng và giá trị trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.