• Click để copy

Khơi thông các động lực phát triển

Sau 3,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV đã bế mạc. Đây là kỳ họp quan trọng được tiến hành ngay trước thềm năm mới để tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý về đất đai, tín dụng; bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công, đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ đời sống.

Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là hai bộ luật tác động đến mọi mặt đời sống xã hội và sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính-ngân hàng nên Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến tại nhiều kỳ họp, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trước khi biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Điều đó cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội trong việc hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như bảo đảm an toàn, lành mạnh, ổn định và phát triển bền vững của hệ thống tín dụng; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. 

<a title=
Ảnh minh họa: VGP 

Để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững; kiểm soát và xử lý hiệu quả tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo, nâng cao năng lực tài chính và quản trị hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công bằng và ổn định xã hội.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nền kinh tế nước ta cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những tác động không thuận lợi của kinh tế thế giới. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 5,05%, gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới. Thu ngân sách nhà nước vượt 6% dự toán cả năm; bội chi ngân sách nhà nước ở mức 0,14% GDP, thấp hơn rất nhiều mục tiêu Quốc hội giao là 4,42% GDP. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng, củng cố. Đời sống nhân dân được bảo đảm, từng bước nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Dẫu vậy, vẫn còn không ít nguy cơ, rủi ro phía trước.

Tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2023 tuy cao so với nhiều quốc gia nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn lớn; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn trở ngại; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro. 

Vì thế, việc tổ chức kỳ họp bất thường để tháo gỡ kịp thời những tồn tại, vướng mắc về đất đai, tín dụng, ngân sách đã cho thấy nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm, khả năng thích ứng mau lẹ với thời cuộc của Quốc hội, Chính phủ, của cả hệ thống chính trị trong việc chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi hành động, quyết sách.

Năm 2024, khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn khi tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đối tác thương mại lớn, quan trọng của Việt Nam vẫn tiếp đà suy giảm, gây khó khăn cho đầu ra của nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu trước mắt do sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân sau hai năm bị dịch Covid-19 bào mòn. Vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cùng các quyết sách quan trọng vừa được thông qua tại kỳ họp bất thường cần được triển khai nhanh chóng, bảo đảm thẩm thấu được vào đời sống xã hội, tạo thành các nguồn lực tăng trưởng, kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế.

Để đạt được kỳ vọng mong muốn, các cấp, ngành, tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương, các tầng lớp nhân dân cần phải nhận thức đầy đủ, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý và sử dụng đất đai, ngân sách, tài sản nhà nước, tránh để lãng phí các nguồn lực về đất; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát chặt chẽ việc thu hồi, đền bù, giải tỏa, định giá, chuyển nhượng đất, hoạt động cho vay, thế chấp tài sản của các tổ chức tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tham nhũng, sai phạm, lãng phí, trục lợi từ đất và rủi ro đối với tổ chức ngân hàng. Tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp từ chính sách đất đai và tín dụng mang lại. 

Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc càng phải quán triệt, nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong việc chung tay phát triển kinh tế-xã hội; tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Ngoài nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đất quốc phòng được giao, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cần phải bắt nhịp với diễn biến mau lẹ của đời sống thực tiễn; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nơi đơn vị đứng chân thực hiện ngày càng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, hạn chế những phức tạp nảy sinh từ đất; đóng góp, xây dựng để bộ máy nhà nước ngày càng hoạt động hiệu quả, luôn lấy người dân làm trung tâm của mọi quyết sách, hành động.

QĐND

Bài liên quan

Tin mới

Thành ủy TP Hồ Chí Minh chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho phóng viên, biên tập viên
Thành ủy TP Hồ Chí Minh chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho phóng viên, biên tập viên

Sáng 20-11, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh công tác phát triển Đảng và đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong hệ thống báo chí, xuất bản TP Hồ Chí Minh.

Xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền người dân cùng giữ gìn trật tự an toàn giao thông
Xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền người dân cùng giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Ngày 20-11, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội cho biết, dịp cuối năm 2024, với lưu lượng phương tiện tăng mạnh, tình trạng ùn tắc và vi phạm giao thông dự kiến sẽ gia tăng.

Tạm giữ hơn 100 vợt Pickleball không rõ nguồn gốc và nhập lậu tại thành phố Vũng Tàu
Tạm giữ hơn 100 vợt Pickleball không rõ nguồn gốc và nhập lậu tại thành phố Vũng Tàu

Thực hiện Kế hoạch số 515/KH-QLTTBV ngày 29/10/2024 của Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, theo dõi các cơ sở kinh doanh dụng cụ thể thao, trong đó có kinh doanh mặt hàng vợt Pickleball - môn thể thao đang được ưa chuộng trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.

Các xạ thủ của Quân đội nhân dân Việt Nam giành thêm 15 huy chương vàng tại AARM-32
Các xạ thủ của Quân đội nhân dân Việt Nam giành thêm 15 huy chương vàng tại AARM-32

Ngày 20-11, bước sang ngày tranh tài thứ tư trong khuôn khổ Giải bắn súng quân dụng Lục quân các nước ASEAN lần thứ 32 (AARM-32) tại Philippines, các vận động viên Đoàn tuyển thủ bắn súng quân dụng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thi đấu và giành được 15 huy chương vàng, 5 huy chương đồng.

5 nguyên nhân ô nhiễm không khí Hà Nội
5 nguyên nhân ô nhiễm không khí Hà Nội

Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường; báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là khung giờ đi làm buổi sáng (6-8 giờ) và tan tầm buổi chiều (17-19 giờ).

Giá vàng hôm nay (20-11): Nối dài đà tăng
Giá vàng hôm nay (20-11): Nối dài đà tăng

Theo ghi nhận vào lúc 14 giờ hôm nay (20-11), giá vàng trên thị trường trong nước nối dài đà tăng, trong đó có vàng Phú Quý SJC tăng 900.000 đồng/lượng.