Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm Cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Do vậy người dân đã chủ động mua sắm, hàng hóa dự trữ trước khi Bão đổ bộ.
Ngay trong ngày 7 tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương đã có Công văn hỏa tốc số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu để kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân. Ngày 09 tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương gửi Công văn hỏa tốc số 6883/BCT-TTTN đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường sau bão và Công văn hỏa tốc số 6915/BCT-TTTN ngày 10 tháng 9 năm 2024 gửi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Bộ Công Thương thường xuyên, liên tục chỉ đạo và hướng dẫn Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, đơn vị cung cấp hàng hóa quy mô lớn, các thương nhân đầu mối và kinh doanh xăng dầu cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng mưa lũ và một số tỉnh thành khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Tính đến 11h sáng ngày 11 tháng 9 năm 2024, theo ghi nhận báo cáo của Sở Công Thương các các tỉnh, thành phố:
Hà Nội: Hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của Bão. Các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Quảng Ninh: Tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, chợ, trong đó có một số địa bàn của tỉnh mặc dù cơ sở vật chất bị hư hỏng do Bão gây ra nhưng các đơn vị vẫn duy trì hoạt động. Hiện có 130/133 chợ, 11 siêu thị kinh doanh tổng hợp và 342 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đa số đều duy trì bán các mặt hàng thiết yếu trong đó có rau củ quả, thịt, trứng. Tỉnh Quảng Ninh vẫn đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, trừ một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ từ 10-15% so với thời điểm trước bão.
Hải Phòng: Trên địa bàn thành phố Hải Phòng mưa lớn, nhiều tuyến đường thành phố bị ngập nước, tuy nhiên, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường. Tại các chợ: các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả nguồn cung dồi dào, nhu cầu mua sắm không có biến động nhiều (tăng 5-10% so với ngày thường). Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa tăng 80-100% (chủ yếu đối với các mặt hàng thiết yếu). Do tâm lý lo ngại mua lũ, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc kéo dài, ngay từ chiều ngày 10/9, khách hàng vào mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến (tăng trên 150-170% so với ngày thường), người dân xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau xanh, các loại đồ ăn sẵn, bánh mỳ, lương khô, sữa, nước, giá cả hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định so với ngày thường, không có tăng giá các mặt hàng, lượng hàng bán ra tăng mạnh từ 50-80% so với ngày thường.
Bắc Giang: Địa bàn tỉnh vẫn có mưa, nước đang rút. Tại một số địa bàn bị ngập lụt, chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn cung ứng lương thực hàng ngày. Các hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn diễn ra bình thương, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu.
Thái Nguyên: Nước Sông Cầu đang rút, tuy nhiên một số khu vực tại thành phố Thái Nguyên vẫn bị ngập úng, ảnh hưởng đến việc đi lại; một số vùng tại huyện Phú Bình, khu dân cư Soi Cốc, thành phố Phổ Yên vẫn bị ngập lụt. Đối với các khu vực bị ngập lụt, tỉnh vẫn triển khai công tác tiếp tế thực phẩm. Ngoài các khu vực bị ngập lụt, việc lưu thông, cung ứng hàng hóa vẫn diễn đầy đủ.
Yên Bái: Nước sông Hồng vẫn cao tại điểm thành phố Yên Bái và các huyện. Hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu, giá tăng chủ yếu là rau xanh 15-20%. Tuy nhiên do ngập sâu cục bộ tại thành phố Yên Bái nên công tác chuyển hàng hóa đi huyện gặp khó khăn.
Hà Giang: Do ảnh hưởng của Bão, một số tuyến huyện vẫn xảy ra mưa vừa và to dẫn đến sạt lở khá nghiêm trọng nên tạm thời theo ghi nhận huyện Xí Mần không thể thông thương hàng hóa. Chính quyền địa phương đã kịp thời triển khai phương án khắc phục để lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân. Hoạt động thương mại trên địa bàn các huyện khác cơ bản diễn ra bình thường, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định.
Qua tổng hợp báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa từ Sở Công Thương các tỉnh/thành phố:
Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt: Tình hình cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá đột biến.
Đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng như nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh trưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn như yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do Bão gây ra.
Ngày 11 tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc số 6969/CĐ-BCT về việc tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão, trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ:
Tổ chức triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu.
Thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trị cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão và thường xuyên và liên tục nắm bắt báo cáo tình hình của các địa phương để có chỉ đạo cụ thể và kịp thời đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi Bão số 3 năm 2024.
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.