Không khoan nhượng với hành vi “xâm lăng” văn hóa từ tác phẩm điện ảnh
“Các bộ phim nước ngoài hay sản phẩm văn hóa, du lịch có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là việc làm không tôn trọng dân tộc, văn hóa truyền thống của Việt Nam, đồng thời gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam và an ninh văn hóa”, GS, TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình, đã bày tỏ mạnh mẽ như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Thách thức lớn
Phóng viên (PV): Thời gian gần đây, nhiều bộ phim nước ngoài được phổ biến tại Việt Nam cố tình cài cắm hình ảnh bản đồ chứa “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông) gây ra nhận thức sai lệch về chủ quyền lãnh thổ. Ông có ý kiến gì về những sai phạm này của các đơn vị sản xuất phim cũng như đơn vị phổ biến, phát hành?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh, tranh giành và phân chia thị trường, có thể thấy điện ảnh cũng như các lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa chịu rất nhiều sự tác động. Bên cạnh nhận thức, yếu tố thị trường tác động rất lớn đối với việc lựa chọn nội dung và sự tìm tòi, sáng tạo điện ảnh, bởi vậy người làm phim luôn hướng tới một thị trường rộng lớn, không ít trường hợp có sự thỏa hiệp chiều lòng một bộ phận công chúng.
Nhiều sản phẩm điện ảnh không đứng ngoài cuộc đấu tranh tư tưởng, không đứng ngoài tham vọng lãnh thổ đang diễn ra, dù đâu đó có thể bắt gặp lời kêu gọi không nên gắn vấn đề chủ quyền với các sản phẩm giải trí nghe nhìn.
GS, TS Trần Thanh Hiệp. Ảnh: NGUYỆT HÀ
Trong hệ thống phát hành, phổ biến phim ở Việt Nam, hiện nay có khoảng 70% số rạp do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Các doanh nghiệp kinh doanh chiếu phim ở Việt Nam bên cạnh sự khẳng định muốn góp phần xây dựng điện ảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam, họ đều có mục đích kinh tế. Phim chiếu trên không gian mạng có số lượng rất lớn cũng không ngoài mục đích kinh tế.
Nếu phim chiếu trên hệ thống rạp ở Việt Nam (khoảng 240 phim truyện nước ngoài trong một năm) phải được thẩm định trước khi công chiếu, thì phim trên không gian mạng theo Luật Điện ảnh do các đơn vị phổ biến, phát hành tự thẩm định, phân loại, cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm.
Nói những điều trên để thấy sự mở cửa hội nhập sâu với thế giới trong lĩnh vực điện ảnh đồng thời bảo vệ những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc là một thách thức rất lớn.
PV: Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện cài cắm hình ảnh trong các văn hóa phẩm ngày càng tinh vi khiến các nhà quản lý, phát hành phim khó kiểm soát. Nhưng rõ ràng những hành vi tái phạm lại chưa được giải quyết và xử lý triệt để, mà mới chỉ dừng ở việc tháo gỡ. Vậy theo ông có nên cân nhắc tăng nặng xử phạt đối với những trường hợp tái phạm không?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Tôi chưa thấy đơn vị phát hành phim nào nói rằng không rõ các quy định, luật, nhất là vấn đề phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Trong văn bản đăng ký khi trình duyệt phim mà họ ký bao giờ cũng có dòng cam kết chấp hành quy định của Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có sự vi phạm? Tôi tin các sai phạm đó do chủ quan, cẩu thả, hoặc vì lý do nào đó chứ không phải do thiếu hiểu biết. Về phía ta, tôi nghĩ có thể chế tài xử lý của chúng ta chưa đủ mạnh. Chẳng hạn, vụ việc phim “Người tuyết bé nhỏ” có đưa hình ảnh “đường lưỡi bò”, cơ quan phát hành bị phạt 170 triệu đồng, theo tôi đây vẫn là con số quá nhỏ so với tiền mua mấy giây quảng cáo trên truyền hình. Sự tái phạm pháp luật của các cơ quan phát hành phim cũng chưa có hình thức xử lý thỏa đáng, nghiêm khắc.
Tất nhiên cần phải hiểu rằng, việc xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước đối với các vi phạm phải trên cơ sở quy định của pháp luật, không thể tùy tiện, ngẫu hứng. Tôi tin những người làm công tác quản lý sẽ nhìn ra vấn đề và sẽ có đề xuất thay đổi phù hợp. Nếu đơn vị phát hành phim nhiều lần vi phạm thì phải nghĩ đề xuất tạm thời đình chỉ hoặc đình chỉ hoàn toàn hoạt động ở Việt Nam.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, chúng ta chưa sử dụng được sức mạnh của các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng tạo nên dư luận xã hội, áp lực xã hội buộc những người làm kinh doanh chiếu phim không có cơ hội phát hành những bộ phim vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Dư luận xã hội đối với các đơn vị phát hành phim rất quan trọng. Tấm vé của người xem, thái độ của người xem bao giờ cũng gắn với sự sống còn, thành bại của một bộ phim, thành bại của một đơn vị phát hành, phổ biến phim.
Hình ảnh trong phim “Đất rừng phương Nam” chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, con người Việt Nam sắp khởi chiếu ra rạp. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Kiên quyết ngăn chặn hành vi “xâm lăng” văn hóa
PV: Hành vi “xâm phạm chủ quyền quốc gia” Việt Nam được quy định trong Luật Điện ảnh, nhưng một số công ty phát hành phim vẫn vi phạm hoặc tái phạm, mặc dù họ luôn biện minh bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình kiểm duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật. Phải chăng Luật Điện ảnh chưa đủ sức răn đe, xử lý những hành vi vi phạm này?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Căn cứ Điều 9 Luật Điện ảnh, những phim chiếu rạp như “Barbie” do Mỹ sản xuất, phim chiếu trên không gian mạng như “Hướng gió mà đi” do Trung Quốc sản xuất đã bị cấm do cài cắm “đường lưỡi bò”, tham vọng vi phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Phim “Barbie” (trong đó có “đường lưỡi bò” được cài cắm rất tinh vi) bị cấm chiếu ở Việt Nam, không chỉ được dư luận đồng tình mà được nhiều hãng thông tấn nước ngoài đưa tin.
Quyết định cấm phim có hình ảnh, tình tiết vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam thể hiện thái độ dứt khoát, kiên quyết không khoan nhượng nhằm bảo vệ chủ quyền văn hóa, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta. Cấm chiếu hoàn toàn bộ phim chứ không chỉ yêu cầu làm mờ, chỉ cắt các cảnh mà bộ phim vi phạm. Tôi nghĩ đây là một thông điệp, một thái độ rõ ràng cần có trong quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa với nước ngoài và cũng là nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta.
Tôi được biết Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất vận động người xem tham gia phát hiện phim vi phạm Luật Điện ảnh. Tôi nghĩ đó cũng là đề xuất đáng khuyến khích. Nhưng để ngăn chặn những hành vi vi phạm, tái phạm, các cơ quan chức năng cần làm nhiều việc quyết liệt hơn thế.
PV: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bảo vệ chủ quyền văn hóa là một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vậy phải làm thế nào để có thể sàng lọc, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm, “xâm lăng” văn hóa, vừa bảo đảm môi trường hoạt động lành mạnh của nghệ thuật điện ảnh, người làm điện ảnh, thưa ông?
GS, TS Trần Thanh Hiệp: Đúng là bảo vệ chủ quyền văn hóa là một phần không tách rời của việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với những thủ đoạn ngày càng phức tạp hơn, tinh vi hơn. Bên cạnh việc thường xuyên cảnh giác, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý, sử dụng phương tiện công nghệ tăng cường hiệu quả cho công tác thẩm định phim, rất cần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền văn hóa của Việt Nam.
Ngăn chặn những bộ phim có yếu tố xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam phải là trách nhiệm chung, phải được chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa. Quân đội, hải quan, cơ quan an ninh không chỉ kiểm tra tại cửa khẩu mà còn cần kết nối với các cơ quan văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài, tập hợp nguồn lực từ các viện nghiên cứu điện ảnh trong nước của các trường đại học...
Chắc chắn các cơ quan quản lý điện ảnh sẽ có thông tin nhiều hơn, kịp thời hơn trước một bộ phim có ý đồ xấu xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam dù bộ phim có sự cài cắm nội dung tinh vi đến đâu.
Việc thẩm định, ngăn chặn các phim xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam vô cùng quan trọng. Nhưng rất mong Nhà nước cũng như các doanh nghiệp có sự đầu tư thích đáng cho các bộ phim về lịch sử, văn hóa, biên giới, biển và hải đảo của chúng ta. Sẽ rất tuyệt vời khi thấy con người Việt Nam, nhân vật của điện ảnh Việt Nam sống, lao động, vui buồn và hạnh phúc trên biển, đảo quê hương mình.
Chống lại cuộc “xâm lăng” văn hóa trên lĩnh vực điện ảnh không gì tốt hơn bằng chính các tác phẩm điện ảnh, trong đó người Việt Nam khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Điều 9 Luật Điện ảnh (năm 2022) quy định: Nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
VƯƠNG HÀ (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.