Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
Ngày 30/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 với chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.
Số lượng vụ việc ngày càng gia tăng, thị trường điều tra ngày càng mở rộng
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước/khu vực có hiệu lực, Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Nhiều ngành sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh thời gian gần đây.
Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài những lợi thế đặc thù của quốc gia đang phát triển, như giá nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, thì việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế càng khiến hàng hóa Việt Nam trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu.
Bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – cho biết, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước của mình, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ, lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (ở một số nước, như Hoa Kỳ, còn sử dụng công cụ thứ 4, có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”, nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế). Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Trong giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Nhưng, kể từ đó đến nay, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng thêm 207 vụ việc. Trong tổng số 257 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Năm 2020 là năm Cục phải xử lý nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.
Bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại
Theo bà Trương Thuỳ Linh, ngoài số lượng vụ việc ngày càng gia tăng, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Bên cạnh hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra hàng hóa nước ta, số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia và vùng lãnh thổ chưa từng điều tra hoặc ít điều tra nước ta như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra Việt Nam.
Hơn nữa, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…Cùng đó, xu hướng điều tra khắt khe hơn, đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).
Cùng đó, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng gồm cả nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng lưu ý, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường bởi một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.
Trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại nhận thấy vai trò của các cơ quan Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Bởi, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo.
Tại nhiều vụ việc, ngay khi nhận được thông tin về việc cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ hợp lệ từ phía các doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt Nam đã gửi thông tin cho Chính phủ Việt Nam, thông báo về khả năng nước bạn sẽ tiến hành điều tra đối với mặt hàng này. Nhờ cảnh báo sớm từ Thương vụ, Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc đã có thêm chuẩn bị tinh thần, thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra.
Đặc biệt, Thương vụ còn hay mặt Bộ Công Thương trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trước việc các vụ kiện trong phòng vệ thương mại ngày càng nhiều, bà Trương Thuỳ Linh khuyến nghị hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo sớm mặt hàng có nguy cơ bị điều tra. Cùng đó, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra. Ngoài ra, hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện ra Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm các quy định của WTO mà không thể bố trí tham gia.
Theo ông Đinh Quốc Thái - Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến nay, ngành thép đối mặt 78 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, chiếm 30% số vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, chỉ trong tháng 8 và 9 đã phát sinh 3 vụ việc.
“Sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận”- ông Thái đánh giá.
Cũng theo ông Thái, kết quả trong kháng cự phòng vệ thương mại có được phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phối hợp giữa các bên liên quan, gồm: Doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan Nhà nước, trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là quan trọng.
“Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo về Việt Nam. Gần đây, chúng tôi cũng được tiếp nhận các thông tin cảnh báo sớm thông qua Cục Phòng vệ thương mại, tham tán… Từ đó, Hiệp hội và cộng đồng các doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc đã có thêm chuẩn bị tinh thần, và thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra”- ông Thái chia sẻ.
Trong thời gian tới, VSA đề nghị Bộ Công Thương, Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục đưa ra các khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc; Hỗ trợ trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến các chương trình chính sách của phía Chính phủ Việt Nam. Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ giới thiệu và tiếp tục kết nối các chương trình giao thương thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thép.
Thương vụ Việt Nam tại nước có nhập khẩu thép Việt Nam tiếp tục cập nhật, cảnh báo, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; Hỗ trợ cung cấp danh mục các sản phẩm nước bạn cần, giới thiệu mạng lưới luật sư tư vấn, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng các nhà nhập khẩu,… Hỗ trợ tham vấn hoặc tham gia cùng các doanh nghiệp trong các phiên tham vấn công khai tại nước khởi kiện trong trường hợp mà đại diện ngành hàng, nhà sản xuất/xuất khẩu không thể bố trí tham gia.
Những khuyến nghị đối với doanh nghiệp
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn đạt top đầu. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Mỹ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, một số doanh nghiệp, ngành của Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với vụ việc.
Trong thời gian qua, Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ ũng như các Hiệp hội như Hiệp hội thép, Hiệp hội mật ong, Hiệp hội gỗ và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để làm việc với phía Hoa Kỳ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bày tỏ quan điểm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Thương vụ cũng báo cáo Đại sứ quán, đề xuất trao đổi ở cấp lãnh đạo đại sứ quán khi làm việc với đối tác để tăng cường hiệu ứng tác động, hỗ trợ ứng phó với vụ việc. Ngoài ra, Thương vụ cũng luôn thăm dò, trao đổi, gặp gỡ đối tác tại Hoa Kỳ để tìm hiểu thông tin, phân tích số liệu xuất nhập khẩu để đưa ra khuyến nghị, cảnh báo doanh nghiệp như một số sản phẩm như thép, gỗ…
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, các doanh nghiệp cần luôn có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể. Khuyến nghị đầu tiên tại thị trường Mỹ là doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (điều tra về thiệt hại).
Ngoài ra, khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tìm hiểu trước quy định pháp luật, thực tiễn điều tra của Mỹ thông qua các buổi hội thảo, đào tạo của Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để có thể hình dung là quy trình điều tra, thủ tục, yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ.
“Các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu những mặt hàng Mỹ đã điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để xem xét, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế hoặc liên quan đến Đạo luật Lao động cưỡng bức (UFLPA) khiến hàng hóa sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại”- ông Đỗ Ngọc Hưng đưa ra lời khuyên.
Với mục tiêu phòng hơn chống, trong thời gian qua, Thương vụ Mỹ luôn chủ động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, thăm dò thông tin từ phía luật sư (các công ty Luật như Bakerhotetsler, Squire Patton n Bogs, Steptoe), chính quyền, hiệp hội Mỹ để có thể đánh giá, phân tích, đưa ra những cảnh báo với doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan trong nước (Cục Phòng vệ thương mại), các Hiệp hội của Việt Nam để làm việc với phía Mỹ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nói chung và trợ cấp nói riêng và cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp/hiệp hội trong thời gian tới.
Tại thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada thông tin, Canada đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà doanh nghiệp Việt Nam cũng có thế mạnh như khung xe đầu kéo/khung xe container và tháp gió (turbin gió). Ngoài ra, gần đây, Thương vụ cũng nhận được các thông tin bên lề rằng sẽ có cuộc điều tra mới liên quan đến sản phẩm nội thất văn phòng bọc vải của Việt Nam và có thể Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) sẽ tiến hành điều tra sản phẩm tháp điện gió và tấm năng lượng mặt trời xuất khẩu từ Việt Nam.
Có thể thấy, khi đã điều tra một sản phẩm, Canada thường xem xét luồng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia liên quan, dù lượng xuất khẩu có thể không đáng kể. Ngoài ra, khi bị vào tầm ngắm, các sản phẩm đều bị điều tra cả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Vì vậy, một số sản phẩm có nhiều nguy cơ khác của Việt Nam có thể là: thép cuộn cán nóng, vít/khớp nối thép, sàn thép lưới, ống đồng, máy làm mát, máy sưởi nhiệt, gỗ ván sàn công nghiệp, ống khoan, ống đóng cọc và nhôm thanh định hình…
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến mặt hàng mình sản xuất kể cả của các nước khác và khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.
Ngoài ra, để giúp doanh nghiệp chủ động phóng tránh bị cáo buộc bán phá giá/lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, Thương vụ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều sự kiện phổ biến Hiệp định Đối tac Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiểu về nguyên tắc xuất xứ và cách thức khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất… và vận động Chính phủ Canada tài trợ cho dự án phát triển cơ sở dữ liệu các sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thoả mãn tiêu chuẩn xuất xứ để khai thác các FTA hiệu quả và bền vững.
Cũng tại hội nghị, Đại diện các cục, vụ của Bộ Công Thương cũng như thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra nhiều khuyến nghị trọng tâm trong xử lý các vụ việc điều tra chống trợ cấp; kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam quan trọng nhất là phải có cơ chế cảnh báo từ sớm, từ xa. Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là những tai mắt, ăng-ten của Việt Nam tại nước ngoài cần có những thông tin về tình hình kinh tế, chính trị nước sở tại, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại tại nước sở tại để hiệp hội, ngành hàng trong nước nắm bắt thông tin và có sự chuẩn bị.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị liên quan thuộc Bộ, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành, ủng hộ hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt là cần tính chủ động, tích cực từ tất cả các thành viên, nhất là đơn vị trong Bộ (Cục Phòng vệ thương mại) để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu để xuất khẩu là 1 trong những động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng đát nước trong thời gian tới.
Tin mới
Trao Quyết định bổ nhiệm Phó tổng Thanh tra Chính phủ
Ngày 15-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
Cảnh giác với hành vi lừa đảo thông qua công cụ bảo mật tài khoản giả mạo
Mới đây, LastPass (công ty an ninh mạng tại Mỹ) đã đưa ra cảnh báo đến người dùng về thủ đoạn lừa đảo giả mạo bộ phận hỗ trợ khách hàng, dụ dỗ người dùng tải về ứng dụng có chứa mã độc nhằm tấn công thiết bị, chiếm đoạt thông tin nhạy cảm.
Đội QLTT số 2, xử lý vi phạm hành chính vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm để kinh doanh
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Triển lãm 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng
Sáng 15-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng.
Làm sáng rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Ngày 15-11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".
Mở rộng trường hợp được lên thẳng cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu
Sáng 15-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 39 và cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.