Kiên quyết cấm sóng những bộ phim vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia
Trước những vi phạm của các đơn vị phát hành, nhà sản xuất phim, phổ biến phim có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” tại Việt Nam thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước phản đối cũng như đưa ra những giải pháp nhằm kiên quyết ngăn chặn hành vi vi phạm.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Xu hướng thể hiện bản đồ “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, ứng dụng công nghệ... thực sự rất nguy hiểm. Những vi phạm này nếu không bị ngăn chặn, dỡ bỏ ngay từ đầu sẽ tạo ra những tiền lệ về sau, trở thành một bằng chứng xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn.
Để có sự kiểm soát tốt hơn về sản phẩm văn hóa chứa bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, cần thực hiện tốt các giải pháp:
Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh năm 2022, ở đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông, đặc biệt là hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; cơ quan văn hóa và truyền thông ở các địa phương cần nắm vững vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, kiểm soát nội dung văn hóa có liên quan đến chính trị nói chung và chủ quyền quốc gia nói riêng.
Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động phối hợp để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. Thông qua việc chia sẻ thông tin, tăng cường tương tác và hợp tác, các cơ quan có thể cùng nhau phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm.
Thứ tư, tạo ra môi trường tác động tích cực từ phía công chúng bằng cách mỗi cá nhân trong xã hội cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình đối với việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ của đất nước từ sớm, từ xa.
Thứ năm, cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về tác động của những sản phẩm văn hóa. Một công chúng có nhận thức cao sẽ đưa ra những quyết định chính xác và có ý thức khi tiếp xúc với sản phẩm văn hóa không phù hợp.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Theo Luật Điện ảnh năm 2022, việc phát hành phim trên không gian mạng, nền tảng mạng xã hội được thực hiện theo hình thức hậu kiểm. Trường hợp nhà quản lý kiểm tra, nếu phát hiện sai sót vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh, bộ phim sẽ bị xử lý theo quy định.
Ông Vi Kiến Thành.
Nhằm góp phần phát hiện những sai phạm, Cục Điện ảnh thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Tuy nhiên, vì số lượng phim phát hành trên không gian mạng quá lớn nên có thể nói là không quản lý xuể. Trong đó, ngày càng có nhiều phim hoạt hình bị cài cắm nội dung với thủ đoạn hết sức tinh vi. Trách nhiệm của cơ quan quản lý về điện ảnh, Hội đồng thẩm định và Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng ngày càng nặng nề.
Quan điểm của Cục Điện ảnh là kiên quyết cấm sóng những bộ phim vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Điều này cũng đã được quy định tại Luật Điện ảnh. Chúng tôi mong có sự phối hợp của các cơ quan liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an... để kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm.
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng: Nhiều năm công tác và gắn bó với ngành văn hóa, tôi nhận thấy thực tế thường xuyên xảy ra việc cài cắm hình ảnh, bản đồ có “đường lưỡi bò” với những chiêu bài tinh vi, lắt léo. Năm 2018, tôi có đi dự một hội thảo bên nước bạn, nhận thấy phía dưới chân cột mốc biên giới ở Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (đối diện với cột mốc bên kia sông Hồng của tỉnh Lào Cai) được xây dựng thành điểm chụp ảnh kỷ niệm, nhưng nơi đây có bản đồ “đường lưỡi bò”. Tôi quan sát kỹ và vận động mọi người không chụp ảnh, sau đó thông báo cho cơ quan hữu quan về thủ đoạn nhập nhằng này.
TS Trần Hữu Sơn. Ảnh: HÀ PHƯƠNG
Chúng ta thấy rằng, chiêu bài này luôn được tìm mọi cách để cài cắm tinh vi, với tần suất ngày càng nhiều. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nếu thiếu cảnh giác thì dễ xuất hiện những tình huống như thế, rất nguy hiểm, vì văn hóa có đặc thù là được tiếp xúc với công chúng rất lớn. Trước những thành tựu phát triển rầm rộ của văn hóa, nghệ thuật hôm nay, thì những chiêu bài cài cắm này ngày càng được sử dụng nhiều hơn, nguy hiểm hơn, tác động đến công chúng nhiều hơn, nhất là trong phim ảnh.
Trước thực tế này, theo tôi, giải pháp căn cốt nhất chính là nâng cao ý thức của mỗi người dân. Truyền thống yêu nước của người Việt đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, những biểu hiện “xâm lăng” văn hóa như thế này tỏ rõ là sự thách thức, khiến lòng yêu nước càng bùng cháy lên. Khi tự thân mỗi cá nhân thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước thì sẽ dập tắt những âm mưu, thủ đoạn. Đó là cái gốc để bảo vệ chủ quyền văn hóa quốc gia, là chủ trương đúng và bền vững.
Quan trọng hơn, cần tổ chức nhiều thêm các hoạt động như hội thảo khoa học, các đợt tuyên truyền về biển, đảo, nói rõ về nguồn gốc của “đường lưỡi bò”, thực chất, sự vô lý và nguy cơ phía sau những thủ đoạn cài cắm tinh vi. Thông qua đó để tiếp tục khẳng định niềm tự hào dân tộc và chủ quyền quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
HỒNG AN (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.