Kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, bền bỉ gây dựng cơ sở cách mạng
Võ Văn Ngân là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Ông sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Bình Tây, xã Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An).
Chịu ảnh hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng xóm, Võ Văn Ngân sớm có suy nghĩ độc lập, ham tìm đọc sách báo yêu nước, tiến bộ, từ đó ý thức về con đường đấu tranh chống áp bức, tự nguyện dấn thân tìm đường cứu dân, cứu nước. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và các thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng và đóng góp lớn về nhiều mặt. Tiêu biểu trong số đó chính là sự hoạt động và những đóng góp của đồng chí Võ Văn Ngân trong đấu tranh bảo vệ Đảng và xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng (1930-1935).
Năm 1926, lúc 24 tuổi, với mong muốn góp sức vào cuộc đấu tranh cứu dân, cứu nước, Võ Văn Ngân cùng các anh trai: Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây tham gia Hội kín Nam Kỳ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Trước sự phát triển sôi động của phong trào yêu nước, đặc biệt là sự xuất hiện của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên cùng với những tư tưởng cách mạng mới mẻ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-người mà Võ Văn Ngân từng biết đến thông qua sách báo lưu hành ở Sài Gòn-Chợ Lớn từ đầu thập niên 1920, lúc này, Võ Văn Ngân nhận thấy tôn chỉ, mục đích của Hội kín Nguyễn An Ninh không thỏa mãn được nguyện vọng của thanh niên đương thời. Cuối năm 1926, đầu năm 1927, được sự giúp đỡ của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Nam Kỳ, Võ Văn Ngân cùng với Võ Văn Tần đã chuyển sang lập trường yêu nước theo xu hướng mới và chính thức gia nhập tổ chức này. Đó là bước chuyển biến tất yếu từ lập trường yêu nước đến lập trường vô sản. Võ Văn Ngân tích cực vận động xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở quận Đức Hòa và trong tỉnh Chợ Lớn, tích cực tuyên truyền, gây dựng, kết nạp được nhiều hội viên. Những hoạt động tích cực của Võ Văn Ngân đã góp phần nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra vùng nông thôn của Sài Gòn-Chợ Lớn.
Hoạt cảnh tái hiện những hoạt động chính của ông Võ Văn Ngân tại lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân Ảnh: Vietnam+ |
Tháng 8-1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Sài Gòn, sau đó có tổ chức ở các tỉnh Nam Kỳ và đến tháng 11-1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng được thành lập tại Sài Gòn do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư. Võ Văn Ngân được công nhận là đảng viên của tổ chức này. Đồng chí đã tích cực chủ động cùng anh trai là Võ Văn Tần thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn. Sự ra đời và hoạt động tích cực của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng và tổ chức Nông hội đỏ ở Đức Hòa đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn. Cơ sở của An Nam Cộng sản Đảng được gây dựng và hoạt động tích cực ở nhiều nơi trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Võ Văn Ngân được công nhận là đảng viên của Đảng. Không chỉ tin tưởng tuyệt đối vào con đường đấu tranh cách mạng do Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, Võ Văn Ngân còn tích cực truyền niềm tin đó tới nhiều quần chúng yêu nước khác, đưa họ tham gia vào con đường cách mạng.
Với tài vận động và tổ chức của một người ham hoạt động, có ít nhiều kinh nghiệm, Võ Văn Ngân mau chóng tập hợp được quanh mình các thân hào có uy tín ở địa phương và gây dựng được nhiều cơ sở yêu nước để sau chuyển sang thành cơ sở của Đảng ở Giồng Lốt, Giồng Cám, Đức Hòa, Bình Hữu, Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh... Sau khi lập ra các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đức Hòa (vào nửa đầu năm 1930), Võ Văn Ngân đã tích cực cùng đồng chí Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần chủ động tổ chức đảng bộ đầu tiên ở quận Đức Hòa. Cả 4 anh em Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây và Võ Văn Ngân đều được bầu là Quận ủy viên. Võ Văn Tần giữ chức Bí thư quận ủy.
Trong buổi đầu thời kỳ dựng Đảng, hiếm có một đảng bộ cộng sản nào cùng một lúc có 4 anh em tham gia thành lập từ chi bộ đến đảng bộ quận, trong đó một người là Bí thư quận ủy, còn cả 3 người khác đều được bầu là Quận ủy viên. Hiếm có gia đình nào vào thời kỳ Đảng mới ra đời, có tới 5 người con cùng trở thành đảng viên cộng sản như gia đình đồng chí Võ Văn Ngân. Điều đó thể hiện sự giác ngộ, niềm tin mãnh liệt của đồng chí đối với lý tưởng cộng sản và tiền đồ cách mạng. Đồng chí Võ Văn Ngân đã truyền niềm tin đó vào quần chúng, tạo ra sức lôi cuốn mạnh mẽ quần chúng tham gia phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Ngày 4-6-1930, thực hiện chủ trương của Liên tỉnh ủy Chợ Lớn-Gia Định, với vai trò là Quận ủy viên, đồng chí Võ Văn Ngân tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình lớn nhất Nam Kỳ tại Đức Hòa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Võ Văn Tần. Các đồng chí đã huy động hàng nghìn đồng bào trong quận tiến về quận lỵ biểu tình chống sưu cao, thuế nặng và chống đàn áp. Cuộc biểu tình ngày 4-6-1930 bị dìm trong biển máu, nhưng nó đã gây chấn động lớn thời bấy giờ: Lần đầu tiên trong một vùng thôn quê yên tĩnh đã nổ ra cuộc chạm trán quyết tử với kẻ thù. Cuộc biểu tình ở Đức Hòa có thể xem là thử thách đầu tiên đối với nhà lãnh đạo Võ Văn Ngân. Thành công này không dừng lại ở việc buộc địch phải giảm thuế mà điều quan trọng là lần đầu tiên có được sự biểu dương lực lượng lớn nhất ở Nam Kỳ. Trong sự thành công của phong trào đấu tranh này, vai trò của chi bộ Đảng Cộng sản ở Đức Hòa và đồng chí Võ Văn Ngân đối với sự giác ngộ cách mạng sâu sắc của đồng bào quận Đức Hòa lúc bấy giờ là hết sức quan trọng, có tính chất quyết định. Việc tham gia tổ chức nên chi bộ đầu tiên và quận ủy đầu tiên của Đảng bộ Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, sau đó tổ chức thành công cuộc đấu tranh của nông dân Đức Hòa vào ngày 4-6-1930 thể hiện uy tín, năng lực vận động và tổ chức thực tiễn của đồng chí Võ Văn Ngân.
Những năm sau đó, với kinh nghiệm hoạt động của mình, đặc biệt là những kinh nghiệm lãnh đạo phong trào ở Đức Hòa, đồng chí Võ Văn Ngân được Đảng giao nhiều trọng trách. Cuối năm 1931, sau vụ phản bội của Ngô Đức Trì và do có một số tay sai làm chỉ điểm, phần lớn lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Định đều sa vào tay giặc. Tuy bị địch truy nã gắt gao nhưng đồng chí Võ Văn Ngân đã bất chấp nguy hiểm tiếp tục cùng đồng chí Võ Văn Tần móc nối, khôi phục các cơ sở đảng bị phá vỡ và tổ chức tái lập Tỉnh ủy Gia Định, Tỉnh ủy Chợ Lớn. Sau khi đồng chí Lê Trọng Mân bị địch bắt (1931), đồng chí Võ Văn Ngân được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Đầu năm 1932, do yêu cầu công tác, đồng chí Võ Văn Ngân được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần. Trong mọi hoạt động ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí luôn tận tụy với công việc, sâu sát phong trào quần chúng, có lối sống giản dị, hòa đồng nên được cơ sở và quần chúng tin yêu, hết lòng che chở.
Do những đóng góp tích cực đối với phong trào cách mạng, đầu tháng 3-1935, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách trực tiếp Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Trong thời gian này, các tổ chức đảng ở Nam Kỳ đã được khôi phục tương đối đều khắp, trong đó có phần đóng góp tích cực của đồng chí Võ Văn Ngân. Vì thế, đồng chí đã được bầu làm một trong 2 đại biểu chính thức thay mặt toàn Đảng bộ Nam Kỳ tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp tại Ma Cao, Trung Quốc (từ ngày 27 đến 31-3-1935) và được bầu là một trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sau Đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân trở về Nam Kỳ đúng vào lúc cơ quan Xứ ủy vừa bị thực dân Pháp phá vỡ, Bí thư Xứ ủy và phần lớn Xứ ủy viên đều bị bắt. Đồng chí Võ Văn Ngân lập tức cùng những đồng chí còn lại bắt tay vào việc khôi phục Xứ ủy. Khi Xứ ủy được tái lập, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy lãnh đạo toàn Đảng bộ Nam Kỳ. Tháng 11-1935, Võ Văn Ngân triệu tập Hội nghị đại biểu các đảng bộ ở Nam Kỳ lập lại Xứ ủy do đồng chí làm Bí thư. Rút kinh nghiệm những lần bị địch phá, năm 1936, Bí thư Võ Văn Ngân cùng các đồng chí trong Xứ ủy: Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Khương (Mười Đen), Mai Công Tư... quyết định chuyển cơ quan Xứ ủy ra ngoại vi trung tâm Sài Gòn và chọn làng Tân Thới Nhứt, vùng Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) làm căn cứ. Tại căn cứ này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành các Hội nghị Trung ương lần 4, 5 và 6 an toàn, đề ra nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, quyết định chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam trong xu thế phát triển của tình hình thế giới, dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ vào tháng 8-1945.
Hoạt động cách mạng trong thời kỳ Đảng mới thành lập, phong trào cách mạng liên tục bị kẻ thù khủng bố, cơ quan lãnh đạo của Đảng nhiều lần bị tan vỡ, bản thân bị kẻ thù truy lùng ráo riết, bất chấp hy sinh, gian khổ, đồng chí Võ Văn Ngân luôn kiên định con đường đã chọn, bền bỉ hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Sự kiên định của đồng chí Võ Văn Ngân là tấm gương sáng để đồng chí, đồng bào noi theo. Đồng chí đã trở thành điểm tựa tinh thần cho đảng viên và quần chúng trong những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng, đặc biệt trong những năm cách mạng tạm thời thoái trào (1930-1935). Đây là những cống hiến to lớn không chỉ đối với phong trào cách mạng Nam Kỳ mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam thời kỳ này. Đóng góp ấy có tính chất tiền đề cho cao trào dân chủ và tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về sau này ở tỉnh Gia Định nói riêng và toàn Nam Bộ nói chung.
PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.