• Click để copy

Kiến tạo môi trường thông thoáng nhất để Thủ đô bứt phá

Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước. Do vậy, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất đặc biệt, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hà Nội phát triển. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, HĐND TP Hà Nội luôn nỗ lực hết sức mình để kiến tạo môi trường thông thoáng nhất, tích cực góp phần thúc đẩy Hà Nội bứt phá mạnh mẽ, xứng tầm là Thủ đô của cả nước.

Những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước

Ngay khi chuẩn bị thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Đảng, Nhà nước ta đã xác định Hà Nội là thủ đô của cả nước. Kể từ đó và nhất là từ sau khi Thủ đô được giải phóng (ngày 10-10-1954) đến nay, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội luôn khắc ghi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội trong Ngày giải phóng Thủ đô: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Kiến tạo môi trường thông thoáng nhất để Thủ đô bứt phá
Toàn cảnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY 

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với Hà Nội được thể hiện qua rất nhiều chủ trương, chính sách để củng cố tổ chức đảng, bộ máy chính quyền, xây dựng và phát triển Thủ đô. Năm 2012, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, sau đó Quốc hội đã thể chế hóa thành Luật Thủ đô năm 2012. Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 22-KL/TW; năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 46-KL/TW định hướng việc phân cấp, phân quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội.

Thể chế hóa các chủ trương này, năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội khóa XV đã thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị bằng cách sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012. Tại Kỳ họp thứ bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là những văn bản rất quan trọng, là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để Hà Nội nói chung, HĐND TP Hà Nội nói riêng kiến tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thông thoáng nhất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ở mức tốt nhất, thúc đẩy Thủ đô bứt tốc phát triển kinh tế-xã hội.

Quyết sách lớn đã đi vào thực tiễn

Trong nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với thực tiễn của thành phố. Riêng trong năm 2023, HĐND thành phố đã thông qua hơn 80 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng về các cơ chế, chính sách, có tác động sâu rộng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Có thể kể đến một số nghị quyết tiêu biểu như: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; chương trình phát triển đô thị; chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô; các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, các lực lượng, cán bộ làm việc tại cơ sở; triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương tinh, gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Đây là những chính sách quan trọng, tác động sâu rộng, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô.

HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Đây là dự án quan trọng quốc gia và Thường trực HĐND thành phố, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố thường xuyên giám sát thực hiện nghị quyết. Hiện nay, dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công và đang thực hiện theo tiến độ.

Các đề án phân cấp, ủy quyền; đề án quản lý, khai thác tài sản công; đề án cải tạo chung cư cũ; kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ các di tích lịch sử văn hóa; đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chính sách phát triển nông nghiệp... cùng nhiều đề án quan trọng khác trên các lĩnh vực đã được thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cơ hội bứt phá từ Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28-6 vừa qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Ngay khi Quốc hội bế mạc Kỳ họp thứ bảy, ngày 1-7, HĐND TP Hà Nội cũng bắt đầu tiến hành Kỳ họp thứ 17. Tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, thu-chi ngân sách những tháng cuối năm 2024. Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết này là yêu cầu tổ chức triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống.

Luật Thủ đô (sửa đổi) tích hợp nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được thí điểm theo Nghị quyết số 115/2020/QH14, đồng thời bổ sung, sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách theo hướng phân quyền mạnh mẽ hơn từ Trung ương về Hà Nội (nhất là về đầu tư, quy hoạch xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, tài chính, ngân sách...); đổi mới mô hình quản trị; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định tăng thêm 30 đại biểu cho HĐND thành phố, quy định tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố ít nhất 25%. Thường trực HĐND thành phố cũng được tăng thêm 5 người (1 phó chủ tịch và 4 ủy viên thường trực). Các ban của HĐND thành phố cũng được tăng thêm 2 ban. HĐND thị xã, quận được tăng thêm 1 phó chủ tịch, thêm 3 đại biểu hoạt động chuyên trách, thành lập thêm 1 ban. HĐND thành phố được chủ động trong việc quyết định thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức khi đáp ứng một số điều kiện.

Luật cũng giao HĐND thành phố quy định cụ thể về việc ký hợp đồng với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương; quy định chế độ, chính sách để thu hút, trọng dụng người có tài năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Như vậy, theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND TP Hà Nội sắp tới sẽ có thêm nhiều trọng trách lớn lao hơn, đòi hỏi HĐND thành phố phải phát huy cao độ tinh thần làm việc tập thể và vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố và các ban thuộc HĐND thành phố. Với truyền thống Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội anh hùng, chúng tôi tin sẽ hoàn thành xuất sắc các trọng trách ấy, góp phần tích cực trong việc kiến tạo môi trường thông thoáng nhất để Thủ đô bứt tốc phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, các địa phương bạn, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

TS NGUYỄN NGỌC TUẤN - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Bài liên quan

Tin mới

Tạo "đòn bẩy" trong quản lý chất lượng bệnh viện quân y
Tạo "đòn bẩy" trong quản lý chất lượng bệnh viện quân y

Quản lý chất lượng (QLCL) bệnh viện là nội dung quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, sự phát triển bệnh viện nói chung, các bệnh viện quân y nói riêng.

Bệnh viện Quân y 175 phối hợp hỗ trợ bệnh nhân ung thư
Bệnh viện Quân y 175 phối hợp hỗ trợ bệnh nhân ung thư

Chiều 14-11, tại Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và Công ty P&G Việt Nam tổ chức chương trình "Siêu thị nhân ái" hỗ trợ bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.

Đau đáu “giữ lửa” nghệ thuật sân khấu cải lương
Đau đáu “giữ lửa” nghệ thuật sân khấu cải lương

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 diễn ra từ ngày 25-10 đến 15-11 tại TP Cần Thơ mang đến nhiều trăn trở cho người làm nghề và cả khán giả.

Chớ khen... ngược đời
Chớ khen... ngược đời

Ở tổ chức, cơ quan, đơn vị nào cũng vậy, mỗi dịp cuối năm đều tiến hành bình xét khen thưởng cá nhân và tập thể tiêu biểu trong các lĩnh vực.

160 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
160 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”

Tối 14-11, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”.

Khai mạc Liên hoan Ban nhạc nhóm ca TP Hồ Chí Minh lần thứ VI
Khai mạc Liên hoan Ban nhạc nhóm ca TP Hồ Chí Minh lần thứ VI

Ngày 14-11, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Liên hoan Ban nhạc nhóm ca TP Hồ Chí Minh lần thứ VI, năm 2024.