Kinh tế Đức bên bờ vực suy thoái
Đức - nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) và là cường quốc xuất khẩu của châu Âu-có vẻ đang tiến tới một cuộc suy thoái ngay trước mắt.
Theo The Guardian, cách đây vài ngày, tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức thông báo họ sẽ cắt giảm 2.600 việc làm khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu chuẩn bị đối mặt với suy thoái do cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng kể từ sau xung đột Nga-Ukraine.
BASF là tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới và là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp Đức. Trong suốt nhiều năm, BASF đã xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nguồn khí đốt giá rẻ và dồi dào từ Nga. Tuy nhiên, cũng chính bởi vậy, BASF đã bị ảnh hưởng lớn khi nguồn cung khí đốt từ Nga suy giảm.
Một nhà máy hóa chất của BASF ở Ludwigshafen, Đức. Ảnh: AP |
Trong tuyên bố hôm 24-2, BASF cho biết, hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và đặc biệt là giá năng lượng, nguyên liệu thô tăng cao đã chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong năm vừa qua. BASF xác nhận lỗ ròng 627 triệu euro vào năm 2022. Tập đoàn sẽ đóng cửa một trong hai nhà máy sản xuất amoniac và hai nhà máy hóa chất nhựa, cũng như chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Đức.
BASF là điển hình cho những gì mà nền kinh tế Đức phải trải qua khi “cai” khí đốt Nga. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy các quốc gia châu Âu tìm nguồn năng lượng thay thế, sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Hệ quả là giá năng lượng tăng vọt. Nền kinh tế Đức cũng chịu tác động vô cùng lớn. Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang trên bờ vực suy thoái khi sản lượng kinh tế cuối năm 2022 sụt giảm nhiều hơn so với dự báo, ở mức -0,4% thay vì -0,2%.
Các nhà phân tích cho rằng, kết quả tệ hơn dự kiến là do lạm phát cao liên tục và những lo ngại kéo dài về nguồn cung năng lượng ảnh hưởng nặng nề đến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư vốn ở Đức. Số liệu cho thấy, chi tiêu hộ gia đình đã giảm 1% trong quý IV-2022, trong khi đầu tư vào xây dựng giảm 2,9% và máy móc, thiết bị giảm 3,6%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Đức cũng giảm 1% so với quý III-2022 do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và giá năng lượng cao.
Theo RT, với tăng trưởng bị sụt giảm trong quý cuối năm ngoái, nền kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu GDP tiếp tục sụt giảm trong quý I năm nay. Về mặt kỹ thuật, một quốc gia được coi là suy thoái khi hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Nền kinh tế lớn nhất của EU đã phải vật lộn để đối phó với chi phí năng lượng tăng vọt. Quốc gia chủ yếu dựa vào khí đốt tự nhiên để cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp của mình đã tuyên bố sẽ từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào giữa năm 2024. Tuy nhiên, những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt khiến Đức phải trả một cái giá khá đắt, theo đúng nghĩa đen. Chính phủ Đức sẽ phải phân bổ hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030 để đối phó với những rủi ro và thách thức phát sinh do cuộc khủng hoảng năng lượng. Đây là thông tin do Bloomberg đưa ra hôm 26-2. Các chi phí khổng lồ dự kiến sẽ bao gồm các khoản đầu tư vào hiện đại hóa mạng lưới điện và kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân và than đá. Berlin sẽ phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng từ xe điện và hệ thống sưởi ấm. Hơn nữa, chính quyền Đức có nghĩa vụ đáp ứng các cam kết về khí hậu.
Đầu tháng này, tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) đã công bố báo cáo cho thấy các quốc gia EU đã chi gần 800 tỷ euro (gần 846 tỷ USD) cho các biện pháp hỗ trợ khi khu vực này tiếp tục lao đao vì chi phí năng lượng leo thang. Đức là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng nói trên của Bruegel, với khoản chi gần 270 tỷ euro.
Đáng lo ngại hơn là khoản nợ công ngày càng phình to của Đức khi chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động của giá năng lượng tăng vọt. Trong một bài đăng trên Twitter mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tiết lộ, tiền lãi từ khoản nợ công của Đức đã tăng từ 4 tỷ euro vào năm 2021 lên 40 tỷ euro ở thời điểm hiện tại.
“Với số lãi tăng nhanh như vậy, chúng ta sẽ không có đủ cho các mục đích khác trong tương lai như: Giáo dục, số hóa và đầu tư vào các dự án bảo vệ khí hậu. Do đó, việc kiềm chế sự gia tăng của nợ là hợp lý về mặt kinh tế”, ông Christian Lindner viết trên Twitter.
Nợ công của Đức đã vượt quá 2,3 nghìn tỷ euro và theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), con số này tương đương 68,3% GDP của quốc gia châu Âu. Bộ trưởng Lindner từng cho biết, nợ công gia tăng là do các biện pháp khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng.
Theo Carsten Brzeski, người đứng đầu Bộ phận Vĩ mô toàn cầu của Tập đoàn ING, nỗi lo suy thoái đối với Đức đã quay trở lại sau dữ liệu kinh tế mới nhất. Ông cho rằng, cơn suy thoái trong mùa đông vẫn là dự báo cơ bản đối với nền kinh tế Đức do những lo ngại về nguồn cung năng lượng, tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu cũng như tình trạng thiếu lao động lành nghề ngày càng tăng.
NGỌC HÂN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.