Kinh tế Singapore mấp mé bờ vực suy thoái
Các chuyên gia nhận định, kinh tế Singapore có “nguy cơ cao” rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý II-2023 sau khi sản lượng công nghiệp lao dốc, xuất khẩu sụt giảm do những thách thức từ môi trường bên ngoài.
Theo South China Morning Post (SCMP), nền kinh tế nhỏ và mở của Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại, nhưng nhu cầu bên ngoài đã suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chậm lại, áp lực lạm phát vẫn mạnh và suy thoái trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Điều này đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế đảo quốc sư tử.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng UOB Alvin Liew cho biết, có nguy cơ cao Singapore sẽ bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật-được định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm-trong nửa đầu năm 2023, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất và thương mại.
Sản lượng công nghiệp của Singapore đã chứng kiến mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2019. Theo dữ liệu mà Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore công bố ngày 26-6, sản lượng sản xuất trong tháng 5-2023 đã giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này tồi tệ hơn nhiều so với mức dự báo giảm trung bình 7,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó của hãng Bloomberg.
Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất hàng điện tử-vốn là động lực chính cho xuất khẩu của Singapore-có sự sụt giảm mạnh nhất với sản lượng tháng 5 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước đó. Ngoài điện tử, tất cả lĩnh vực sản xuất khác đều có sản lượng giảm, ngoại trừ cơ khí giao thông và sản xuất y sinh.
Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) của Singapore cũng trên đà giảm mạnh. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này đã giảm trong 8 tháng liên tiếp với tốc độ ngày càng tăng. Cụ thể, xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ trong tháng 5 giảm tới 14,7% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 9,8% hồi tháng 4.
![]() |
Sản lượng công nghiệp của Singapore sụt giảm mạnh. Ảnh: Straits Times |
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, sự sụt giảm xuất khẩu của Singapore đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kỹ thuật đối với nền kinh tế Singapore. Nhà kinh tế trưởng Selena Ling của Ngân hàng OCBC cho biết, những kết quả không mấy khả quan của tháng 5 nhấn mạnh trở ngại ngày càng tăng do suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với tình trạng tồn đọng hàng đang diễn ra trong ngành công nghiệp bán dẫn, bất chấp những thành tựu gần đây về trí tuệ nhân tạo (AI).
Các chuyên gia kinh tế của Barclays Plc và Maybank đều dự đoán nền kinh tế Singapore sẽ tiếp tục thu hẹp trong quý II-2023, đẩy Singapore rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau mức giảm 0,4% trong quý I. Hai chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin và Lee Ju Ye của Maybank cho rằng, nền kinh tế Singapore sẽ lâm vào tình trạng trì trệ thay vì phục hồi trong những quý tới. Họ cũng dự đoán Singapore có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật nếu các kỳ vọng từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại không thành hiện thực trong quý II-2023.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Singapore. Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại, nhu cầu của nước này đối với hàng nhập khẩu đã giảm mạnh. Do vậy, việc mở cửa trở lại của quốc gia 1,4 tỷ dân đã không giúp cho tăng trưởng xuất khẩu của Singapore. Dẫu vậy, một điểm sáng tiềm năng đối với kinh tế Singapore là khả năng lượng người đến và đi từ Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ cải thiện. Điều này sẽ thúc đẩy các lĩnh vực du lịch, hàng không và khách sạn tại đảo quốc sư tử.
Chuyên gia Shivaan Tandon từ Capital Economics đánh giá: “Mặc dù đây không phải là kịch bản cơ bản của chúng tôi, nhưng vẫn có nguy cơ cao là nền kinh tế Singapore rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý II hoặc nửa cuối năm. Trong khi các nền kinh tế tiên tiến đã tăng trưởng tốt hơn dự kiến, chúng tôi cho rằng khả năng phục hồi đó sẽ yếu dần trong nửa cuối năm nay và ảnh hưởng tới nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Singapore”.
Do triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu bên ngoài đối với các sản phẩm chủ lực của Singapore tiếp tục suy giảm, Bộ Công Thương nước này đã dự báo mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 trong khoảng 0,5-2,5%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2022. Tuy nhiên, ông Chua Hak Bin dự đoán giới chức Singapore có khả năng sẽ hạ dự báo tăng trưởng trong bối cảnh các dấu hiệu suy thoái trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp diễn.
NGỌC HÂN
Tin mới
Đông Nam Bộ: Xuất hiện đợt triều cường mới ven biển
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-4 đến 17-4, khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt triều cường với mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu trong khoảng thời gian này có khả năng dưới 4m. Người dân cần đề phòng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ.
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1979/QĐ-UBND, ngày 10-4-2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2025.
Quy hoạch hạ tầng số để phát triển mạng di động 5G
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN, quy định chi tiết về quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76 GHz và 81-86 GHz (băng tần E). Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-5-2025.
Thuế quan của Mỹ: Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc dù cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang khi ông tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 145%.
Unilever đầu tư nhà máy 800 triệu USD tại Mexico bất chấp chính sách thuế của Mỹ
Tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới Unilever đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 800 triệu USD tại bang Nuevo León, miền Bắc Mexico, trong đó đa số sản phẩm sẽ được xuất sang thị trường Mỹ và Canada, bất chấp những thách thức liên quan đến chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump.
Iran cảnh báo có thể trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc
Ngày 10-4, một cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei cảnh báo rằng Iran có thể trục xuất các thanh sát viên thuộc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc khi "các mối đe dọa" gia tăng trước các cuộc đàm phán quan trọng với Mỹ.