• Click để copy

Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva (1954-2024)-Mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam: Bài 2: Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Trải qua 75 ngày (từ ngày 8-5 đến 21-7-1954) đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Geneva đã được ký kết. Đây là quá trình đấu trí, đấu lực thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Hội nghị Geneva bắt đầu họp từ ngày 26-4-1954 bàn về giải pháp chính trị ở Triều Tiên và Đông Dương. Do vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả và đặc biệt là tin Chiến thắng Điện Biên Phủ truyền đến hội nghị, nên từ ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneva bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Tham gia hội nghị gồm 9 thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp), Vương quốc Campuchia, Vương quốc Lào. Đại diện Pathet Lào và Khmer Issarak có đến Geneva nhưng không được các nước lớn đồng ý cho tham dự. Đồng Chủ tịch hội nghị là Anthony Eden-Ngoại trưởng Anh và Vyacheslav Molotov-Ngoại trưởng Liên Xô thay phiên nhau làm chủ tọa. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn.

Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva (1954-2024)-Mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam: Bài 2: Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Geneva, ngày 8-5-1954. Ảnh tư liệu 

Là hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng các nước dự hội nghị đều có lợi ích, chiến lược và mục tiêu khác nhau. Đối với đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ; thực hiện dựa theo “phương châm đấu tranh là vừa đánh, vừa nói chuyện; chủ động cả quân sự lẫn ngoại giao”.

Quá trình diễn ra hội nghị qua 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1 (từ ngày 8-5 đến 19-6-1954): Đây là giai đoạn các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và vấn đề Đông Dương, tranh luận các vấn đề lớn liên quan đến mục tiêu của hội nghị. Trong phiên họp đầu tiên (ngày 8-5), đoàn Pháp trình bày lập trường của mình trên cơ sở chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập đến giải pháp chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi Việt Nam. Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn yêu cầu phải có sự tham dự của đại diện Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia.

Trong phiên họp ngày 10-5, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát biểu, đưa ra lập trường gồm 8 điểm với nội dung chủ yếu là: Yêu cầu đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Lập trường 8 điểm của Việt Nam được Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề chính trị và quân sự, giải quyết đồng thời cả 3 vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia.

Phiên họp thứ ba, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai trình bày lập trường tổng quát của Trung Quốc, ủng hộ 8 điểm của Việt Nam Dân chủ cộng hòa; đồng thời nêu hai điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: Pháp chấm dứt chiến tranh thực dân, Mỹ chấm dứt can thiệp vào cuộc xung đột ở Đông Dương. Đáng chú ý, trong phiên họp thứ tư, Trưởng đoàn Liên Xô Vyacheslav Molotov ủng hộ kế hoạch của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và đề nghị lấy hai phương án của Pháp và của Việt Nam Dân chủ cộng hòa làm cơ sở thảo luận. Tuy nhiên, cho tới ngày 19-5, hội nghị vẫn chưa đi tới thỏa thuận về chương trình nghị sự.

Sau 4 phiên mở rộng, Chủ tịch hội nghị Anthony Eden yêu cầu họp hẹp. Trưởng đoàn Liên Xô đề nghị vấn đề quân sự, chính trị và vấn đề 3 nước sẽ bàn song song. Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Liên Xô, Trung Quốc đồng ý. Anh và Pháp tán thành, Mỹ đành phải chấp nhận. Ngày 25-5, trong phiên họp hẹp, đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ra hai nguyên tắc cho vấn đề đình chiến: Ngừng bắn hoàn toàn trên toàn cõi Đông Dương; điều chỉnh vùng trong mỗi nước, trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn, thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế. Đại diện các bộ tư lệnh có liên quan nghiên cứu tại chỗ những biện pháp ngừng bắn để chuyển tới hội nghị xem xét và thông qua.

Đến phiên họp thứ bảy (ngày 27-5), đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam Dân chủ cộng hòa làm cơ sở thảo luận, đề nghị đại diện của hai bên gặp nhau ở Geneva để bàn việc chia ranh giới khu vực tập trung quân ở Đông Dương. Cùng ngày, đoàn Trung Quốc đưa ra 6 điểm về vấn đề quân sự như: Ngừng bắn hoàn toàn và cùng một lúc ở 3 nước Đông Dương, thành lập Ủy ban kiểm soát quốc tế gồm các nước trung lập nhưng chưa đề cập tới giải pháp về mặt chính trị.

Ngày 29-5, sau các phiên họp toàn thể và cấp trưởng đoàn, Hội nghị Geneva ra quyết định: Ngừng bắn toàn diện và đồng thời đại diện hai bên gặp nhau ở Geneva để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng việc phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.

Nhìn chung, do lập trường giữa các đoàn có khoảng cách khá lớn, chủ yếu do lập trường hiếu chiến của các nước phương Tây, làm cho cuộc đàm phán tiến triển chậm. Đến ngày 19-6, Pierre Mendès France lên cầm quyền đã hứa với Quốc hội Pháp trong vòng một tháng sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, nếu không sẽ từ chức. Đây là sự kiện quan trọng góp phần phá vỡ thế bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển.

Giai đoạn 2 (từ ngày 20-6 đến 10-7): Trong giai đoạn này, hầu hết các trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở lại. Các quyền trưởng đoàn tổ chức những cuộc họp hẹp và họp Tiểu ban Quân sự Việt-Pháp bàn vấn đề tập kết, chuyển quân, thả tù binh và việc đi lại giữa hai miền. Trong giai đoạn này, bên ngoài hội nghị đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đáng chú ý là những hoạt động tiếp xúc của các trưởng đoàn, những cuộc gặp gỡ tại các thủ đô liên quan. Nhìn chung, các cuộc họp hẹp ở Geneva trong giai đoạn này không có tiến triển gì đặc biệt.

Giai đoạn 3 (từ ngày 11 đến 21-7): Trong giai đoạn này, hội nghị diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn. Các phiên họp chủ yếu đàm phán, thỏa thuận về phân chia vĩ tuyến làm ranh giới tạm thời; thông qua các văn kiện, kể cả các điều khoản thi hành hiệp định. Cuối cùng là phiên họp toàn thể bế mạc hội nghị.

Ngày 11-7, các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đã được nối lại để giải quyết một loạt vấn đề, căng thẳng nhất vẫn là vấn đề giới tuyến. Pháp giữ lập trường vĩ tuyến 18; Việt Nam kiên quyết vĩ tuyến 16. Phải đến phiên họp chiều tối 20-7, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng mới chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Thời hạn hai năm tổng tuyển cử cũng như các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào, Campuchia và các vấn đề khác đều là sự giằng co giữa các bên. Ngày 21-7, các bên ra bản tuyên bố cuối cùng và kết thúc Hội nghị Geneva.

Hiệp định Geneva được ký kết đã trở thành văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam một cách toàn diện trên các mặt: Quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao và pháp lý, mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

(còn nữa)

LÊ VĂN THÀNH

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.