Lâm Đồng: Nỗ lực hoàn thành 2.980 căn nhà ở xã hội
Nhiều năm qua, việc triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn. Thiếu quỹ đất, vướng quy hoạch cùng nhiều lý do khác khiến giấc mơ về một "mái ấm" của nhiều gia đình chưa trở thành hiện thực.
7 năm, không có dự án nào được triển khai
Gần 10 năm gắn bó với mảnh đất Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng chị Nguyễn Thị Dung, 41 tuổi, quê Đắk Lắk, tạm trú tại phường 9, TP Đà Lạt, vẫn chưa thể “an cư”. Chồng mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ, thu nhập chủ yếu từ gian hàng nhỏ bán đồ gia dụng nên giấc mơ về một ngôi nhà riêng với chị là điều xa xỉ. “Giá nhà tại TP Đà Lạt hiện quá cao so với mức thu nhập của chúng tôi. Nếu có nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, được mua trả góp thì may ra chúng tôi mới có cơ hội”-chị Dung chia sẻ.
Theo khảo sát từ Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng, hiện nhu cầu về nhà ở đối với người lao động tại địa phương rất cao. Chỉ tính riêng công nhân viên chức, người lao động tại các trường học, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước toàn tỉnh đã có 1.452 người, mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng, chưa có nhà ở và có nguyện vọng mua nhà ở xã hội. Ngoài ra còn có hàng nghìn hộ lao động tự do, thu nhập thấp có nhu cầu thuê hoặc mua nhà giá rẻ. Tuy nhiên, 7 năm qua (tính đến hết tháng 5-2023), toàn tỉnh Lâm Đồng không có dự án nhà ở xã hội nào được triển khai.
Dự án nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Phú Hội, tỉnh Lâm Đồng vừa được khởi công ngày 23-6. |
Lý giải về khó khăn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, quỹ đất để triển khai dự án nhà ở xã hội rất khó khăn. Giá đất cao, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng rất tốn kém. Bên cạnh đó, Đà Lạt là đô thị đặc thù, nhằm giữ gìn bản sắc kiến trúc của thành phố, chính quyền địa phương hạn chế xây nhà cao tầng. Ở khu trung tâm, các công trình xây dựng không được xây vượt quá 5 tầng, khu vực ngoại ô không vượt quá 7 tầng. Do bị khống chế về chiều cao nên số lượng căn hộ trong các dự án nhà
ở xã hội khá ít, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặt khác, theo Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021 của Chính phủ thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Do quy mô 2ha là tương đối nhỏ (tương ứng với khoảng 6.000m2-8.000m2 đất ở tại dự án), nên quy định này dễ dẫn đến không tạo được diện mạo khang trang, thống nhất, hiện đại tại khu vực đô thị.
Chuyển động từ những chính sách đột phá
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mang tính đột phá, như: HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết và UBND tỉnh ban hành quyết định đối với “Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020, 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”; “Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và hằng năm”. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đề ra từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng khoảng 2.980 căn nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân khoảng 500 căn.
Để tăng nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất này đúng tiến độ. Lâm Đồng đang quyết liệt tập trung đẩy nhanh việc lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nhà ở xã hội cũng như tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, lập danh mục kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh nội dung chủ đầu tư dự án đầu tư nhà ở thương mại được hoán chuyển quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội sang vị trí khác hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với quỹ đất này.
Những chủ trương, biện pháp trên đã được hiện thực hóa bằng sự kiện khởi công Dự án “Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng” vào ngày 23-6-2023. Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 17.959m2, gồm 4 khối chung cư cao 5 tầng, cung cấp 303 căn hộ nhà ở xã hội, 68 căn hộ thương mại, thời gian thực hiện hai năm, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 1.500 công nhân, người lao động tại địa phương.
Mô hình nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Phú Hội, tỉnh Lâm Đồng vừa được khởi công vào ngày 23-6. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, các dự án nhà ở xã hội của địa phương hiện chủ yếu tập trung tại TP Đà Lạt với 3 dự án, gồm 318 căn hộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ nay đến hết năm 2025, địa phương quyết tâm triển khai xây dựng 12 dự án nhà ở xã hội. Ngoài dự án tại Khu công nghiệp Phú Hội tổ chức khởi công ngày 23-6 thì dự án nhà ở xã hội có quy mô 480 căn nhà tại khu dân cư, tái định cư 5B, phường 3 và phường 4 (TP Đà Lạt) đang được UBND TP Đà Lạt chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội Kim Đồng gồm 94 căn tại phường 6, TP Đà Lạt đang được thẩm định hồ sơ năng lực của nhà đầu tư. Ngoài 3 dự án trên, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu vực ấp Sào Nam, phường 11, TP Đà Lạt gồm 520 căn nhà và dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc gồm 450 căn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết: Thời gian tới, các cấp, ngành của địa phương cố gắng khắc phục khó khăn, nhanh chóng triển khai, khởi công các dự án mới, quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu về nhà ở xã hội đã đề ra. Sau khi các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cần nghiên cứu giá bán, giá thuê, tổ chức thông báo công khai để công nhân, người lao động có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận, bảo đảm đúng đối tượng, thành phần, không được để xảy ra hiện tượng trục lợi...
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.