• Click để copy

Làm gì để bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường? - Bài 2: Cái tâm của hiệu trưởng và cơ chế giám sát

Quá trình thâm nhập, tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, để bữa ăn bán trú của các em học sinh bảo đảm chất lượng, đủ định lượng, tương xứng với giá trị suất ăn thì không thể thiếu hai yếu tố, đó là trách nhiệm, cái tâm của người hiệu trưởng và sự minh bạch, công khai, giám sát chặt chẽ của phụ huynh học sinh.

Minh bạch, công khai, giám sát chặt

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) là một trong những điển hình về công tác giáo dục-đào tạo cũng như nuôi dưỡng học sinh của huyện Thuận Châu. Hiện nay trường có hơn 510 học sinh người dân tộc thiểu số ăn bán trú. Các em được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn 720.000 đồng/tháng cùng 15kg gạo.

Có mặt tại trường vào một ngày giữa tháng 4-2024, chúng tôi được chứng kiến không khí sinh hoạt, học tập vui tươi, phấn khởi của thầy trò nhà trường. “Với đặc thù là trường phổ thông dân tộc bán trú, chúng tôi xác định việc nuôi dưỡng học sinh là trách nhiệm, đạo đức của mỗi thầy, cô giáo. Làm tốt việc này không chỉ giúp các em có đủ sức khỏe để học tập mà còn góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, thu hút các em đến trường”, thầy giáo Lê Trung Kiên, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Làm gì để bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường? - Bài 2: Cái tâm của hiệu trưởng và cơ chế giám sát
Nhân viên y tế Trường Tiểu học Đạo Đức A (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) giám sát quá trình chia suất ăn bán trú tại trường. Ảnh: TRUNG HIẾU 

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực còn khó khăn nhưng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Co Mạ vẫn tổ chức nấu ăn cho học sinh 3 bữa/ngày. Tiêu chuẩn ăn không cao (bữa sáng 3.000-5.000 đồng, bữa trưa và tối trung bình 12.500 đồng) nhưng các em luôn được ăn no, ăn đủ định lượng, dinh dưỡng. Theo thầy giáo Lê Trung Kiên, để thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng học sinh, nhà trường phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ giáo viên cùng sự giám sát của phụ huynh học sinh. Thực đơn các bữa ăn được xây dựng theo tuần, niêm yết công khai. Trong suốt quá trình từ tiếp nhận thực phẩm đến chế biến, nấu ăn..., ngoài nhân viên nhà bếp, luôn có giáo viên giám sát, thực hiện quy trình kiểm thực 3 bước. Hằng tháng, trường tổ chức quyết toán công khai tiền ăn và gạo của học sinh, thông báo đến từng lớp và phụ huynh học sinh để nắm bắt, kiểm tra, giám sát...

Thực tế cho thấy, tình trạng bớt xén tiêu chuẩn ăn của học sinh thường do người đứng đầu cơ sở giáo dục buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, thiếu sự giám sát của phụ huynh. Điển hình như vụ việc “bữa ăn sáng chan canh mì tôm” tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà, Lào Cai) đã nêu ở bài trước, cơ quan chức năng kết luận hàng loạt hồ sơ, bảng kê giao nhận thực phẩm thiếu chữ ký của hiệu trưởng, của người nhận; phiếu chi tiền mặt không có số, không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị... Vì vậy, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, tính công khai, minh bạch và sự giám sát của phụ huynh là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạo Đức A, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đồng tình với giải pháp trên và nêu kinh nghiệm của trường mình: “Chúng tôi yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn lên thực đơn, bóc tách chi phí cụ thể, rõ ràng và thông báo công khai đến phụ huynh học sinh. Hằng ngày, lớp trực tuần cử luân phiên phụ huynh cùng đại diện nhà trường kiểm tra chất lượng, định lượng thực phẩm nhập vào bếp, giám sát chặt chẽ từ khâu chế biến đến chia suất ăn... Bên cạnh đó, các phụ huynh khác nếu muốn đều có thể đăng ký đến kiểm tra bếp ăn đột xuất.

Các buổi giao ban hằng tuần, nhà trường yêu cầu giáo viên tổng hợp ý kiến của phụ huynh để kịp thời xử lý, chấn chỉnh...”. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên, trên địa bàn huyện có 42 trường học tổ chức ăn bán trú. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, kiểm tra, giám sát, nhất là sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh, nhiều năm qua, các trường luôn bảo đảm tốt chất lượng bữa ăn, không để xảy ra vi phạm, khuyết điểm lớn, được phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ.

Còn “hoa hồng” thì còn... bớt xén

Một vấn đề dư luận bức xúc, là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bớt xén bữa ăn bán trú là doanh nghiệp phải chi “hoa hồng” để nhận được hợp đồng cung cấp suất ăn. “Ở đâu hiệu trưởng có tâm, không nhận “hoa hồng” của doanh nghiệp thì ở đó chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh sẽ được bảo đảm”-chủ một doanh nghiệp (xin được giấu tên) chuyên cung cấp suất ăn cho các công ty, trường học khẳng định với chúng tôi như vậy. Theo chủ doanh nghiệp này, nếu phải chi “hoa hồng” thì bất chấp các hình thức giám sát, kiểm tra, doanh nghiệp cung cấp suất ăn sẽ luôn tìm mọi cách để bớt xén, không bớt được định lượng thì sẽ “bớt” chất lượng, nghĩa là mua thực phẩm rẻ, chất lượng kém... để “bù” vào chi phí đã bỏ ra.

Làm gì để bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường? - Bài 2: Cái tâm của hiệu trưởng và cơ chế giám sát
Kiểm tra định lượng thực phẩm nhập bếp ăn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La). Ảnh: LÊ TRUNG 

Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để thuyết phục chủ một số doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho các trường học tiết lộ “thâm cung bí sử” trong hành trình tìm kiếm hợp đồng. Theo đó, ở nhiều địa phương hiện nay, quy trình chọn doanh nghiệp cung cấp suất ăn thường là phòng giáo dục và đào tạo, phòng y tế kiểm tra năng lực, thẩm định hồ sơ, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được giới thiệu xuống các trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, hiệu trưởng sẽ xin ý kiến thống nhất của ban giám hiệu, hội phụ huynh học sinh, thanh tra nhân dân, chủ tịch công đoàn... để ký hợp đồng. Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng trên thực tế, ở không ít nơi, quyền quyết định chọn đơn vị nào chỉ phụ thuộc vào hiệu trưởng vì quyền lực của hiệu trưởng quá lớn, cộng với tình trạng dân chủ hình thức, những mánh khóe “gợi ý”, “định hướng”... Điều này khiến không ít doanh nghiệp phải chi “hoa hồng” cho hiệu trưởng, có khi lên đến 20-30% doanh thu để nhận được “cái gật đầu” của hiệu trưởng. “Nếu mình không chịu chi thì doanh nghiệp khác sẵn sàng nhảy vào”, một chủ doanh nghiệp cho biết.

Có rất nhiều hiệu trưởng, thầy, cô giáo trách nhiệm, có tâm trong sáng, coi học sinh như con để hết lòng yêu thương, chăm sóc. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn những “con sâu” ăn “hoa hồng”, gây ra những hệ lụy tiêu cực. Bởi thế, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nâng cao tính công khai, minh bạch, phát huy dân chủ, vai trò của các cấp quản lý, hội phụ huynh, ban thanh tra nhân dân, công đoàn trong trường học... để ngăn chặn tình trạng hiệu trưởng “tự tung tự tác”. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm...

GS, TS PHẠM TẤT DONG, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam:

Tổ chức bữa ăn bán trú không phải là việc riêng của nhà trường

Bữa ăn học đường có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe học sinh cũng như việc cải thiện tầm vóc con người. Các nước phát triển rất coi trọng bữa ăn này, nhiều nước có chương trình bữa ăn học đường quốc gia, cung cấp miễn phí bữa ăn chất lượng, cân đối dinh dưỡng cho học sinh. Ở ta, nhiều nơi không những chưa coi trọng mà còn có tình trạng bớt xén. Đó là điều không thể chấp nhận. Đã đến lúc không để việc tổ chức bữa ăn bán trú là việc riêng của nhà trường, phụ huynh mà cần vai trò chủ trì của chính quyền, sự tham gia của các chuyên gia dinh dưỡng cùng sự giám sát của toàn xã hội. 

(còn nữa)

PHƯƠNG HIỀN

Bài liên quan

Tin mới

Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon
Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon

Ngày 19-9, Israel triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu thực hiện các đợt không kích dữ dội nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Hezbollah tại Lebanon.

Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024
Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024

Sáng 20-9, Tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân do Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân là Trưởng đoàn đã rời cảng Coonawarra, thành phố Darwin, Australia, bắt đầu hành trình về nước sau khi hoàn thành tốt tất cả các khoa mục tại Diễn tập Kakadu 2024 do Hải quân Hoàng gia Australia đăng cai tổ chức.

Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân
Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 19-9 trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có mưa vừa, mưa to đến rất to gây chia cắt các ngầm tràn trên các tuyến quốc lộ, đường liên xã, đường nội thôn ở một số địa phương. Đặc biệt, tại một số khu vực thuộc huyện Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở núi gây ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống nhân dân.

Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4
Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4

Do ảnh hưởng của bão số 4, đến 5 giờ sáng 20-9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức sơ tán 874 hộ với 3.059 người ra khỏi vùng có nguy cơ cao do sạt lở.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tháng 9 và quý IV/2024.