Làm gì để phòng cúm mùa khi thời tiết nồm ẩm?
Thời tiết Bắc Bộ được dự báo sắp chuyển sang hình thái nồm ẩm. Khi số người mắc cúm mùa gia tăng, thì yếu tố thời tiết càng trở nên bất lợi, nhất là với những người có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp.
Số ca mắc cúm vẫn tiếp tục tăng
Theo thống kê, trong tháng 1-2025, TP Hà Nội ghi nhận 820 ca mắc cúm, tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024. Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm nhập viện tăng từ tháng 12-2024.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương), trong tháng 11 năm ngoái, trung bình mỗi tuần bệnh viện chỉ tiếp nhận 100-120 ca mắc cúm, nhưng đến tháng 12 đã tăng 4 lần; đến tháng 1 năm nay, lại tăng 4 lần, với trung bình 1.200 ca/tuần. Trong đó, khoảng 10-15% nhập viện đều là ca nặng.
![]() |
Nhiều bệnh nhân mắc cúm A có diễn biến nặng. Ảnh: Thành Dương |
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị 45 ca mắc cúm, đều trong tình trạng nặng, trong đó 5 ca thở máy, 5 ca HFNC (thở oxy lưu lượng cao), 10 ca thở oxy kính… đều là những người có bệnh nền.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian qua, bệnh nhân cúm đến trung tâm tăng đột biến so với cùng kỳ mọi năm. Tổng số ca điều trị ở trung tâm đến nay đã khoảng 3.000 ca. Hầu hết các ca nhập viện điều trị đều là bệnh nhân cúm nặng, có bệnh nền, ở các khoa khác chuyển sang hoặc từ tuyến dưới chuyển lên.
Thời gian gần đây, Khoa Bệnh lây đường hô hấp (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó phần lớn là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền, một số trường hợp là phụ nữ mang thai.
Điển hình là một bệnh nhân nam, 83 tuổi (ở Hà Nội), có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, nhập viện ngày thứ ba của bệnh, với biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục 39-39,5 độ C, kèm theo mệt mỏi, ho khạc đờm, đau ngực, khó thở. Kết quả thăm khám, xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán mắc cúm A.
Mặc dù đã được điều trị thuốc kháng virus, kháng sinh chống bội nhiễm và kiểm soát bệnh lý nền, nhưng tình trạng của người bệnh vẫn diễn biến nặng dần, viêm phổi, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở oxy, sau đó được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển khoa Hồi sức truyền nhiễm điều trị hồi sức tích cực.
Người có bệnh nền cần lưu ý gì khi bị cúm mùa?
Theo các bác sĩ, thời tiết nồm ẩm của mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh cúm phát triển, gây bệnh, bùng phát dịch.
Cúm A sẽ gây ra biến chứng, điển hình như viêm phổi. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở các nhóm người có yếu tố nguy cơ cao, như trẻ em, người hơn 65 tuổi, người có bệnh mạn tính, như suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan…
Ngoài ra, cúm A còn có khả năng gây viêm bội nhiễm (viêm tai giữa, viêm mũi xoang mủ), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm nấm huyết. Đối với phụ nữ mang thai, mắc cúm A sẽ dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng, suy thai, sảy thai, thai chết lưu, đẻ non…
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim Mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), cúm mùa có thể làm nặng lên các triệu chứng ở bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt là bệnh nhân suy tim, hô hấp. Cúm mùa có thể gây sốt, mất nước, tăng nhu cầu oxy khi nhiễm cúm khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn đến suy tim cấp mất bù ở bệnh nhân suy tim, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân tim mạch.
Hơn nữa, bệnh nhân tăng huyết áp hoặc suy tim thường đang được bác sĩ kê đơn các thuốc giãn mạch và lợi tiểu, khi bị cúm, bệnh nhân có thể bị mất nước và giãn mạch do sốt, do đó cần tham vấn ý kiến của bác sĩ tim mạch, để điều chỉnh các loại thuốc này.
Cúm mùa cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở cả người khỏe mạnh và đặc biệt là bệnh nhân có bệnh nền tim mạch. Trong một số trường hợp, cúm mùa có thể dẫn đến viêm cơ tim cấp, gây nên rối loạn nhịp tim cấp, suy tim cấp tiến triển rất nhanh, bệnh sẽ nguy hiểm hơn ở những bệnh nhân có bệnh tim mạch mạn tính.
Hơn nữa, cúm mùa thường gây phản ứng viêm hệ thống, làm tăng nguy cơ rối loạn đông máu, dẫn đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa.
Vì vậy, khi bị cúm, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ truyền nhiễm, tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch đang quản lý điều trị về phác đồ tim mạch, xem có cần điều chỉnh thuốc tim mạch hay không.
Tái khám tim mạch ngay nếu có các triệu chứng sau: Nhịp tim nhanh kéo dài, khó thở, đau ngực, phù chân... Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Thời điểm tiêm tốt nhất là trước mùa dịch (tháng 3-4 hoặc tháng 10-11).
CHÂU ANH
Tin mới
Giá vàng hôm nay (23-2): Kéo dài đợt tăng giá lịch sử
Giá vàng hôm nay (23-2): Nhu cầu bảo vệ tài sản trước những rủi ro địa chính trị, thương mại tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong thời gian gần đây, đẩy giá lên các mốc kỷ lục mới.
Tỷ giá USD hôm nay (23-2): Đà giảm chưa dừng lại
Tỷ giá USD hôm nay (23-2): Rạng sáng 23-2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tuần 76 đồng, hiện ở mức 24.638 đồng.
Giá xăng dầu hôm nay (23-2): Tuần trượt nhẹ
Giá xăng dầu thế giới ghi nhận tuần giảm nhẹ. Giá xăng dầu trong nước tăng, giảm trái chiều.
Quân sự thế giới hôm nay (23-2): Xe tăng M10 Booker của Mỹ có thể hoạt động ở Bắc Cực?
Quân sự thế giới hôm nay (23-2) có những nội dung sau: Xe tăng M10 Booker có thể hoạt động ở Bắc Cực? Serbia triển khai xe bọc thép Miloš cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình? Hàn Quốc trình làng súng máy hạng nhẹ XR-17.
Thời tiết hôm nay (23-2): Bắc Bộ đón không khí lạnh, trời rét kèm mưa
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, thời tiết hôm nay 23-2, sáng sớm không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc.
Tin thể thao (23-2): Chelsea và Arsenal thua bạc nhược
Cập nhật tin thể thao ngày 23-2 với tiêu điểm là cuộc đọ sức giữa Chelsea và Aston Villa, Arsenal và West Ham thuộc vòng 26 Ngoại hạng Anh.