Lan tỏa giá trị nhân văn của Mo Mường ra thế giới
Được ví như “Bách khoa thư dân gian” của dân tộc Mường, Mo Mường đã góp phần hình thành cốt cách, tâm hồn người Mường, đồng thời bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường qua các giai đoạn lịch sử.
Với nhiều nét văn hóa độc đáo và giá trị nhân văn, Mo Mường đang được xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Hiểu đúng về Mo Mường
Nhiều năm qua, các bản Mường tại Hòa Bình đã quen với hình ảnh một người đàn ông dáng thấp, khoác ba lô và máy ảnh đến gặp các ông mo, bà mỡi, nghệ nhân dân gian, người cao tuổi để tìm hiểu, sưu tầm về đời sống văn hóa, tâm linh của người Mường. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng (trú tại xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), một trong những người hiểu rõ về Mo Mường. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng bày tỏ: “Nhiều người vẫn xem Mo Mường là hủ tục gắn với nghi thức tang ma kéo dài nhiều ngày. Thực tế, Mo Mường có mặt trong nhiều nghi lễ khác của người Mường, như: Lễ mát nhà, cầu sức khỏe, cầu bình an, mừng thọ... Hơn nữa, kho tàng Mo Mường khá đồ sộ cả về lời mo và âm nhạc. Nếu tiến hành đầy đủ mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng mo và hơn 44.000 câu thơ mo. Mo Mường được ví như “Bách khoa thư dân gian” của người Mường”.
Trình diễn chiêng Mường-một hoạt động trong nghi lễ Mo Mường. |
Trải qua các cuộc đấu tranh sinh tồn cùng những nét văn hóa được tích lũy, vun đắp qua hàng nghìn năm của cộng đồng Mường đã được tái hiện đầy chất văn học trong Mo Mường. Không quá khi nói rằng, Mo Mường là nền văn hóa đặc trưng của người Mường. Toàn bộ những quan niệm về vũ trụ, thế giới thiên nhiên, con người, xã hội, tâm linh tín ngưỡng, cái đẹp... của người Mường đều có thể được tìm thấy trong văn bản và cách thức thực hành lễ tiết mo.
Tính nhân văn của Mo Mường được thể hiện ở việc lời mo cho ta biết quy luật tạo hóa của vũ trụ để con người sống và ứng xử một cách chủ động, biết sống và giữ gìn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Lời mo là tình cảm, là đạo đức, là trí tuệ và thâu tóm đầy đủ phong tục, tập quán của văn hóa Mường. Nghệ nhân Bùi Hồng Nhi (trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Người Mường không có chữ viết nhưng những áng mo vẫn được lưu giữ vẹn nguyên cho đến ngày nay đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn các thế hệ người Mường. Mo cũng là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, quê hương, xứ sở. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng”.
Đưa Mo Mường ra thế giới
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế nhìn nhận, nét độc đáo trong Mo Mường còn được thể hiện ở những tiết tấu của âm nhạc. Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Hoành Loan cho rằng, mo không gọi là hát, không gọi là xướng. Người ta chỉ nói là mo lên trời và từ ngữ biểu đạt chuẩn nhất là tiếng mo. Tiếng mo trong tang lễ Mường là hình thức âm nhạc độc đáo đã cung cấp cho nghi lễ mo một sáng tạo âm nhạc đúng, đủ để chuyển tải tới người dự tang toàn bộ câu chuyện kể, những lời thỉnh nguyện trong bộ sử thi Mo Mường Việt Nam. Đồng quan điểm trên, PGS, TS Lê Văn Toàn (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho biết: “Lời Mo Mường trong nhiều dị bản cho thấy những tín hiệu nhạc dân gian Mường đã được phản ánh. Trong Mo Mường, các kỹ thuật đọc, ngâm, hát tuy chưa phát triển tới tầm cao của kỹ thuật thanh nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nhưng trong cách thức diễn xướng Mo Mường lại nổi rõ những đặc trưng riêng. Lời mo có hình thức cấu trúc trong mối quan hệ gắn bó mật thiết thanh điệu ngôn ngữ từ với âm điệu hát nói, hát ngâm trong Mo Mường”.
Mặc dù có giá trị to lớn với người Mường nhưng qua thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một. Vì thế, năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Mo Mường là tập quán truyền khẩu, loại hình này đối với Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO thì được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, TS Lê Thị Minh Lý cũng lưu ý, Hội đồng xây dựng hồ sơ cần trả lời rõ những câu hỏi: Giá trị cốt lõi của Mo Mường là gì? Làm gì để người Mường hiện nay hiểu và trao truyền giá trị cốt lõi ấy? Chúng ta cần làm gì để người Mường chia sẻ giá trị của Mo Mường tới cộng đồng? Thách thức của Mo Mường hiện nay là gì?
Dưới góc độ liên ngành, GS, TS Wolfgang Mastnak (Trường Đại học Âm nhạc và Sân khấu Munich, Đức) cho rằng: “Mo Mường phù hợp với nhiều tiêu chí của UNESCO như tương thích với quyền con người và sự tôn trọng văn hóa lẫn nhau, được chính chủ thể cộng đồng coi đó là một phần thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ; là một di sản có sự đan xen, gắn bó chặt chẽ giữa ý thức về bản sắc và trí nhớ của cộng đồng, bám rễ vào cộng đồng và tiếp tục được trao truyền, tái tạo. Mo Mường cũng phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và minh chứng cho sự sáng tạo của con người. Tôi nghĩ hồ sơ của Mo Mường sẽ sớm được UNESCO thông qua”.
Là người từng viết hồ sơ cho 8 di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc được UNESCO ghi danh, GS, TS Kim Hyong-keun (Đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc) cho rằng, so với nghi thức tang ma của Hàn Quốc, Mo Mường của Việt Nam bộc lộ nhiều nét độc đáo bởi nó là nét văn hóa độc lập của người Mường, không ảnh hưởng bởi văn hóa khác. Toàn bộ quá trình tang lễ, từ khi khâm liệm đến khi chôn cất, đều do thầy mo chủ trì. Hơn hết, người ta thấy rằng, quan niệm về thế giới của người Mường rất đa tầng. Thầy cúng Hàn Quốc chỉ là đại diện của thần, còn ở Việt Nam, thầy mo xuất hiện cả với tư cách là cố vấn trực tiếp. GS, TS Kim Hyong-keun bày tỏ: “Tôi đánh giá cao khi Việt Nam đang nỗ lực đưa Mo Mường ra thế giới. Tôi cho rằng Mo Mường sẽ dễ được UNESCO thông qua vì có âm nhạc, lời hát, nghi lễ, công cụ và chức năng xã hội. Tôi mong rằng, các bạn hãy cho cộng đồng biết nhiều hơn nữa về nét độc đáo văn hóa và giá trị nhân văn của Mo Mường”.
Diễn ra trong hai ngày 5 và 6-1, Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình phối hợp với Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tổ chức đã nhận được gần 30 tham luận của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội thảo đã chứng minh Mo Mường chứa nhiều nét văn hóa độc đáo tiêu biểu, đáp ứng nhiều tiêu chí của UNESCO.
HỮU TRƯỞNG
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.