Liên Xô và Mỹ từng thử vũ khí hạt nhân ở đâu?
Khi căng thẳng tại cuộc xung đột Nga-Ukraine dâng cao với tâm điểm là việc Quân đội Nga tổ chức diễn tập hạt nhân chiến thuật tại Quân khu phía Nam, một số chính trị gia Nga đã đề nghị Moscow cần nối lại các vụ thử hạt nhân để răn đe các đối thủ tiềm tàng. Điều này làm dấy lên lo ngại về kịch bản từng xảy ra thời Chiến tranh Lạnh.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã tiến hành hàng trăm vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó có những loại bom nhiệt hạch tạo ra sức nóng hơn cả bề mặt của Mặt trời. Những vũ khí khủng khiếp như vậy cần những nơi đặc biệt để thử nghiệm và cả hai siêu cường đều có những bãi thử vũ khí hạt nhân như vậy. Chúng hiện tại đều là các vùng đất hoang không sự sống do ô nhiễm phóng xạ.
“Vành đai trắng” của Liên Xô
Vào giữa thập niên 1950, khi đã sở hữu vũ khí hạt nhân, Liên Xô cần một bãi thử nghiệm để kiểm tra và hoàn thiện dòng vũ khí chiến lược này. Điều tương tự đã được Mỹ thực hiện trước đó tại các đảo san hô Bikini và Eniwetok ở Thái Bình Dương. Căn cứ vào báo cáo của các đơn vị khảo sát, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã chọn đảo Novaya Zemlya ở vành đai Bắc Cực là nơi thử vũ khí chiến lược. Hòn đảo này đáp ứng mọi yêu cầu đề ra khi nằm xa khu dân cư, hạn chế tối đa ảnh hưởng của ô nhiễm và bụi phóng xạ do các vụ thử hạt nhân gây ra. Khu vực này sau đó còn có tên gọi khác là “vành đai trắng”.
Trong mùa Hè năm 1954, 400 cư dân trên đảo Novaya Zemlya được tái định cư tại thành phố Arkhangelsk và một khu phức hợp thử nghiệm vũ khí hạt nhân với tên gọi Object-700 đã được Liên Xô xây dựng tại đây. Tới năm 1955, vụ thử hạt nhân dưới nước đầu tiên được tiến hành tại Novaya Zemlya. Thiết bị hạt nhân RDS-9 với sức công phá 3,5 Kiloton đã được kích nổ dưới nước để tính toán tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt này với các phương tiện tác chiến hải quân.
Núi đá Degelen tại bãi thử hạt nhân Semipalatinsk ở Kazakhstan thời Liên Xô. Ảnh: silkadv.com. |
Vụ thử hạt nhân nổi tiếng nhất tại Novaya Zemlya là kích nổ quả bom nhiệt hạch АН602 hay còn có tên gọi khác là “Mẹ Kuzkin” hay “Tsar bomb”. Quả bom với sức công phá 58 Megaton được thả từ một máy bay Tu-95 được hoán cải, tạo ra vụ nổ khủng khiếp gấp hàng nghìn lần quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sóng xung kích của quả bom АН602 đã đi 3 vòng xung quanh Trái đất, tạo ra cột khói cao 70km và ánh sáng của quả bom được quan sát thấy ở khoảng cách hơn 1.000km.
Tổng cộng có hơn 250 vụ thử hạt nhân được tiến hành tại Novaya Zemlya. Từ năm 1992 tới nay, địa điểm này được vẫn tiến hành các thử nghiệm để kiểm tra độ tin cậy và an toàn kho vũ khí chiến lược của Nga theo quy định của Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT).
Một khu vực thử nghiệm vũ khí hạt nhân khác của Liên Xô là thành phố bí mật Kurchatov được xây dựng ở Kazakhstan. Bãi thử hạt nhân rộng 20.000km2 này hoạt động từ năm 1949. Dù các vụ thử hạt nhân không có quy mô lớn như tại Novaya Zemlya, nhưng đây là địa điểm diễn ra nhiều vụ thử hạt nhân nhất của Liên Xô với 470 lần thử. Hầu hết các vụ thử tại Kurchatov được tiến hành dưới lòng đất và chỉ chấm dứt vào năm 1991, khi Liên Xô tan rã.
Mỹ đã thử vũ khí hạt nhân ở đâu?
Xét về quy mô các vụ thử hạt nhân, Mỹ không có các đầu đạn hạt nhân uy lực bằng Nga, nhưng lại vượt trội về số lượng vụ thử được thực hiện. Bãi thử hạt nhân lớn nhất của Mỹ nằm tại sa mạc Nevada, địa điểm cách thành phố Las Vegas khoảng 100km. Bãi thử này bắt đầu hoạt động từ năm 1951 và nhiều thập kỷ sau đó, người dân thành phố Las Vegas thường xuyên nhìn thấy các ngọn nấm hạt nhân do khói bụi từ các vụ nổ xuất hiện ở xa đường chân trời. Tổng cộng có hơn 900 vụ thử hạt nhân được tiến hành tại sa mạc Nevada.
Các vụ thử hạt nhân của Mỹ thường mô phỏng gần nhất các vụ nổ vũ khí hủy diệt này trong thực tế chiến đấu. Nhiều khu đô thị, tuyến phòng thủ được xây dựng, các phương tiện chiến đấu được đưa tới bãi thử để kiểm tra tác động của vũ khí hạt nhân lên chúng. Thậm chí, Mỹ còn nghiên cứu tác động của vũ khí hạt nhân lên động vật và binh sĩ, khi họ được đưa gần nhất có thể các vị trí nổ bom. Toàn bộ quá trình được ghi lại bởi các máy quay tốc độ cao. Rất nhiều hình ảnh về tác động của các vụ thử hạt nhân được công khai chính là các thước phim được ghi lại tại sa mạc Nevada.
Vòm bê tông khổng lồ che kín chất thải hạt nhân trên đảo Runit. Ảnh: Ashahi Shimbun |
Do các vụ thử được tiến hành với quy mô lớn và vị trí bãi thử nằm gần các khu dân cư nên ảnh hưởng của phóng xạ là rất rõ ràng. Năm 1962, một vụ thử bom hạt nhân có sức công phá 100 Kiloton được tiến hành ở độ sâu 190m. Hậu quả của vụ nổ tạo ra một hố sâu 100m, rộng 400m và hơn 12 triệu tấn đất đá cùng bụi phóng xạ đã được thổi bay lên không trung. Chúng tạo ra 2 đám mây bụi nhiễm xạ ảnh hưởng tới các bang Illinois, Nebraska, Iowa, South Dakota. Tuy nhiên, do yêu cầu bảo mật thông tin, không ai ở thời điểm đó biết về hậu quả của các vụ thử hạt nhân như vậy.
Cùng với sa mạc Nevada, Mỹ còn tiến hành thử bom hạt nhân tại quần đảo Marshall. Một vụ tai nạn trong quá trình thử bom nhiệt hạch được ghi nhận tại đây vào tháng 3-1954. Các nhà khoa học Mỹ đã tính toán sai kết quả một vụ thử bom nhiệt hạch thuộc chiến dịch “Lâu đài Bravo”. Do khối lượng vật chất phóng xạ sử dụng trong đầu đạn bị sai lệch nên đã tạo ra vụ nổ gấp 2,5 lần so với dự tính, lên mức 15 Megaton.
Hậu quả của vụ thử được ghi nhận tương đương với thảm họa tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Vụ thử đã gây nhiễm xạ tới một số đảo san hô có người ở. Trong giai đoạn 1946-1958, quần đảo Marshall có hơn 850 cư dân bản địa thiệt mạng do các bệnh phơi nhiễm phóng xạ.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.