• Click để copy

Lo cung cấp điện những tháng cao điểm mùa khô

Tình hình cung cấp điện trong năm 2024, nhất là mùa khô ở miền Bắc được dự báo gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều nguồn điện bổ sung, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, trong khi đó phụ tải tăng trưởng khá cao. Bộ Công Thương khẳng định, với sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, năm 2024, vấn đề điện cơ bản được bảo đảm.

Nhu cầu điện tăng cao

Các ngành sản xuất tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao ngay trong những tháng đầu năm 2024. Trong 3 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện toàn hệ thống đạt khoảng 11,5%, cao hơn mức bình quân do Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó có một số tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng điện tăng hơn 20% như: Quảng Ninh (28,59%), Hà Tĩnh (23,33%)...

Trước áp lực khô hạn, nắng nóng gay gắt dự kiến sẽ căng thẳng hơn cùng kỳ các năm trước, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 4, tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là đối với hệ thống điện miền Bắc.

Lo cung cấp điện những tháng cao điểm mùa khô
Kiểm tra hệ thống điện tại Trạm biến áp 220kV Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: QUÝ HOÀNG

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày. Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, lượng điện tiêu thụ đã vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày, tăng 11% so với đầu năm. Với mức độ tăng trưởng như đầu năm đến nay, dự kiến lượng điện sử dụng toàn quốc sẽ đạt đỉnh điểm tới hơn 1 tỷ kWh/ngày trong những ngày nắng nóng nhất từ nay đến tháng 7, tăng hơn 10% so với hiện tại, kéo theo nguy cơ cho hệ thống khi tất cả nguồn điện đã được huy động.

Riêng miền Bắc, theo tính toán của A0, dự kiến tháng 6, công suất khả dụng của tất cả hệ thống ở miền Bắc chỉ từ 23.900 đến 24.500MW trong khi giờ cao điểm tiêu thụ điện lên tới 25.245-27.480MW. Đồng nghĩa miền Bắc có thể thiếu hụt khoảng 1.600-2.900MW vào giờ cao điểm.

Thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Bắc trong tháng 5, tháng 6-2023 là bài học khiến tất cả chúng ta đều phải ý thức và nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng và vai trò trụ cột của việc bảo đảm an ninh cung cấp điện đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đứng trước những thách thức và bài học năm 2023, thời gian qua, với tinh thần chỉ đạo trong mọi hoàn cảnh không để xảy ra thiếu điện cho phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thực hiện mọi giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng, vận hành...

Tiết kiệm năng lượng là giải pháp quan trọng trong cả ngắn hạn và dài hạn

Thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, trong khi tiến độ bổ sung các nguồn điện chưa theo kịp nhu cầu sử dụng điện, để bảo đảm cấp điện, các đơn vị cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện, bao gồm cả nhà máy điện, đường dây truyền tải phân phối điện.

Tập trung bảo đảm tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là các hệ thống lưới điện để giải tỏa công suất. Tăng cường khả năng đấu nối các khu vực, trung tâm năng lượng, cũng như tăng cường nhập khẩu từ các nước xung quanh.

Đặc biệt, triển khai mạnh những chương trình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. “Sử dụng năng lượng hiệu quả là giải pháp quan trọng cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng, cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện và không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, thực chất và có hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình quản lý nhu cầu điện, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; phối hợp nghiên cứu thúc đẩy sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng.

Khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, là lĩnh vực chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%.

Hiện nay, cả nước có hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện hơn 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm, trung bình chúng ta sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện; và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả đem lại là cực kỳ to lớn.

Từ hiệu quả thực tế của chương trình quản lý nhu cầu điện đã được Bộ Công Thương phát động triển khai trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cũng thông tin thêm, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 1MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 1MW công suất nguồn điện bằng việc xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2023, vào những thời gian cao điểm và căng thẳng cung cấp điện, với sự tham gia tự nguyện của khách hàng sử dụng điện, đã có thời điểm tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (tránh sử dụng điện vào giờ cao điểm) là gần 500MW, điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện cũng như giảm tình trạng phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.

Thông tin thêm về vấn đề bảo đảm điện trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện cho các tháng mùa khô. Với riêng kế hoạch từ tháng 4 đến tháng 7, trên cơ sở đó rà soát hằng tháng, hằng quý và có báo cáo để điều chỉnh kịp thời. "Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và các đơn vị liên quan đề ra nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Chúng tôi tin tưởng và khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu điện và cố gắng bảo đảm đủ điện trong những năm tiếp theo", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và bao trùm là tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi tình huống. Với nhiệm vụ này, Bộ Công Thương yêu cầu EVN bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện. Định kỳ hằng tháng cập nhật tăng trưởng phụ tải để xây dựng phương án cung cấp điện sát với thực tế theo quy định; lập kế hoạch huy động tối ưu các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn thủy điện (kể cả những thủy điện nhỏ) trong các giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.

Đặc biệt, Bộ Công Thương yêu cầu EVN điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế trên nguyên tắc tiết kiệm giữ mực nước bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa khô (thường là vào tháng 5, tháng 6 hằng năm) và có tính toán bảo đảm dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.

Bài và ảnh: VŨ DUNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.