Luôn giương cao cờ Tổ quốc
Vở kịch nói “Vì Tổ quốc” do hai tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là Đào Hồng Cẩm và Xuân Đức viết chung, lấy bối cảnh mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm 1967, được đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng truyền cảm hứng tới người xem về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
“Vì Tổ quốc” là công trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân vừa được các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội ra mắt tại sân khấu Thủ đô.
Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cho biết, lý do Nhà hát chọn dựng kịch bản này vì chủ đề, tư tưởng cũng như ý nghĩa các vấn đề trong kịch bản đặt ra rất phù hợp và có giá trị sâu sắc, như: Công tác cán bộ; tính nêu gương của người đảng viên; tình quân dân gắn bó; tinh thần của người lính Cụ Hồ trước những khó khăn, gian khổ, không quản ngại hy sinh... Một điều đặc biệt nữa, tác giả Đào Hồng Cẩm nguyên là Đoàn trưởng Đoàn Kịch nói Quân đội (tên gọi trước kia của Nhà hát Kịch nói Quân đội)-người đặt nền móng đầu tiên xây dựng Đoàn, ông có nhiều đóng góp to lớn trong sự trưởng thành, phát triển của kịch nói Quân đội. Các tác phẩm của ông cũng trở thành mẫu mực và ghi đậm dấu ấn của sân khấu kịch nói Quân đội nói riêng, kịch nghệ Việt Nam nói chung. Việc dàn dựng lại vở diễn “Vì Tổ quốc” cũng là lời tri ân, tưởng nhớ của thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát đến bậc tiền bối đã có công tạo dựng thương hiệu kịch nói Quân đội.
Hình ảnh trong vở kịch nói “Vì Tổ quốc”. |
Nhắc đến nhà viết kịch Quân đội Đào Hồng Cẩm, nhiều người nhớ tới những tác phẩm nổi tiếng: “Chị Nhàn”, “Nổi gió”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Tiếng hát”... Riêng vở kịch “Vì Tổ quốc” (viết chung với Xuân Đức) là một câu chuyện nhiều giá trị. Năm 1967, lúc không quân, hải quân Mỹ đánh ra miền Bắc quyết liệt nhất, tác giả Đào Hồng Cẩm có mặt ở Vĩnh Linh trong đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác và biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân. Tại đây, ông đã chứng kiến nhiều lần hình ảnh lá cờ nơi đầu cầu giới tuyến trúng bom đạn giặc Mỹ. Nhưng chỉ sau ít phút, dưới làn bom đạn của kẻ thù, lá cờ Tổ quốc lại được các chiến sĩ ta kéo lên bay cao, làm ấm lòng đồng bào và chiến sĩ. Ý định viết một vở kịch về Vĩnh Linh, về lá cờ Tổ quốc luôn thôi thúc ông... Đầu năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tác giả Đào Hồng Cẩm ra Hà Nội. Hôm nhà văn Xuân Đức đến chơi, ông đề nghị hợp tác viết vở về Vĩnh Linh, trong đó lấy hình tượng lá cờ Tổ quốc là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt vở diễn. Đến năm 1976, chuẩn bị chương trình phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam, vở diễn được dàn dựng để biểu diễn. Với tên gọi “Tổ quốc”, các nhân vật đều hiện lên lấp lánh phẩm chất cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Qua mối tình của người chiến sĩ trinh sát chọn địa điểm quan sát địch trên cột cờ với cô gái xã đội trưởng, các tác giả đã đề cập cách nhìn, cách suy nghĩ của những người con đất Việt về Tổ quốc.
“Những người chiến sĩ-nghệ sĩ của Nhà hát Kịch nói Quân đội mong muốn truyền tải tới khán giả hôm nay một tinh thần yêu nước lan tỏa từ vở kịch. Xem để yêu Tổ quốc, yêu quê hương nhiều hơn”, Đại tá Lê Thị Mai Phương khẳng định.
Vở diễn dàn dựng lại, lấy nguyên tên kịch bản ban đầu “Vì Tổ quốc” của tác giả. Từ vở diễn dài hơn 3 giờ đồng hồ, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cô đọng lại gần 2 giờ đồng hồ, với 9 cảnh. Hơn 60 nghệ sĩ, diễn viên được huy động tham gia vở diễn. Không gian sân khấu được mở rộng, ngoài bục bệ, thiết kế mỹ thuật phù hợp với bối cảnh mặt trận Vĩnh Linh năm 1967, ê kíp sáng tạo cũng tận dụng tối đa không gian để các diễn viên có “đất” diễn như dọc lối hành lang lên sân khấu, khoang âm nhạc (phía trước sân khấu)... Những cảnh tái hiện trên đỉnh cột cờ, Bộ đội Pháo binh đánh trận bất ngờ với quân địch, người chiến sĩ trên đài quan sát nhào lộn trên không với động tác xiếc tạo nên hiệu ứng mạnh khi tái hiện cảnh chiến tranh. Ở kết vở, Bộ đội Pháo binh bắn rơi máy bay B-52 và hình ảnh bộ đội hành quân vào Nam hừng hực khí thế trước đại cảnh lá cờ đỏ sao vàng...
Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, để hiểu hơn về giai đoạn lịch sử này, ông đã phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu và phim tài liệu, sau đó chia sẻ lại với ê kíp sáng tạo cùng anh chị em diễn viên. Đặc biệt, Nhà hát Kịch nói Quân đội cũng đưa các nghệ sĩ, diễn viên về thăm Quảng Trị, tới mảnh đất Vĩnh Linh, dâng hương tri ân những anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu ở mảnh đất lịch sử này. “Tôi vô cùng ấn tượng và xúc động về câu chuyện tác giả Đào Hồng Cẩm tận mắt chứng kiến nhiều lần hình ảnh lá cờ nơi đầu cầu giới tuyến bị bom đạn giặc Mỹ làm cho rách nát. Chính vì vậy, khi dàn dựng vở diễn, tôi đã cố gắng tái hiện hình ảnh lá cờ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mang tinh thần: Cờ còn, Tổ quốc còn! Bằng cả xúc cảm và tình yêu để thông qua vở diễn lan tỏa tới thế hệ ngày nay truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng khi tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc ta”, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.