Lý giải huyền tích ra đời của Lý Công Uẩn trên sân khấu cải lương
Thông qua vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng ấp”, tác giả kịch bản PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên đã lý giải về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý.
Vở cải lương đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng công phu với cách thể hiện mới mẻ, trong sự phối hợp hài hòa giữa nghệ thuật cải lương truyền thống với thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo ấn tượng với khán giả. Vở diễn sẽ được nhà hát đưa đi tham dự Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2022, diễn ra tại Long An từ ngày 5-11 tới.
Vở cải lương lý giải chân dung một vị vua mở ra triều đại nhà Lý rực rỡ với nền văn minh Đại Việt. |
Trong lịch sử nước ta, cho đến nay sự ra đời của nhân vật Lý Công Uẩn, sau này là vua Lý Thái Tổ vẫn khoác màu huyền thoại và gắn với nhiều huyền tích dân gian. Vai trò của vua Lý Công Uẩn rất lớn vì đã mở ra một triều đại nhà Lý rực rỡ với nền văn minh Đại Việt. Do đó, để lý giải chân dung một vị vua mà không có chính sử, chỉ dựa vào huyền thoại cũng là thách thức đối với những người sáng tạo nghệ thuật.
Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, kịch bản “Huyền thoại gò Rồng ấp” của tác giả Nguyễn Thể Kỷ đã từng được đạo diễn dựng kịch nói cùng tên, Sân khấu Lệ Ngọc công diễn cách đây hơn 1 năm. Dựng bản sân khấu kịch nói hay cải lương, đạo diễn mong muốn lý giải thấu đáo điều gì đã làm nên một Lý Công Uẩn – một vị vua có xuất thân khá đặc biệt nhưng lại làm nên một triều đại sáng chói trong lịch sử nước Việt.
Những khoảnh khắc nhuốm màu huyền thoại được ê kíp nghệ sĩ tái hiện khiến khán giả rung động. |
“Trước đây tôi đã dựng vở này dưới dạng kịch nói trên sân khấu Lệ Ngọc. Tuy nhiên, phiên bản cải lương mang nhiều màu sắc hơn, hướng đến một tác phẩm ca kịch truyền thống có nhiều yếu tố đương đại. Cải lương khai thác nhiều hơn khía cạnh biểu diễn tâm lý. Quá trình biểu đạt tâm lý gần với sự thật để câu chuyện dẫu huyền thoại cũng phải rất gần gũi, để khán giả cảm nhận một cách tự nhiên, không phải cái gì quá mơ hồ, xa rời với đời sống đương đại”, đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.
“Huyền thoại gò Rồng ấp” mở đầu bằng câu chuyện kể về một người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp tên là Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu – nơi sư Vạn Hạnh trụ trì.
Thị Ngà mồ côi cha mẹ, được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ hai ông bà đến táng ở gò Rồng ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng. Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, một lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ, vô tình lúc ấy sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.
Nghệ sĩ Quang Khải hóa thân vai Thiền sư Vạn Hạnh tạo ấn tượng trong vở cải lương huyền sử. |
Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm Kỷ Dậu, tức là 36 năm sau đó, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, nối quốc thống vững bền, đó chính là triều Lý. Gò Rồng ấp chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn…”. điềm báo ấy ứng vào bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà.
Ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên là Hồng Kỳ vô tình biết chuyện đã nổi lòng tham, bốc mả cha mình đem táng ở gò Rồng ấp với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Hắn lại biết Thị Ngà đang mang thai thiên tử nên đã bày đặt những âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà. Có lẽ cũng bởi sự gia hộ của đất trời mà Thị Ngà đã vượt qua hết kiếp nạn, để rồi đến kỳ sinh nở, đến được cổng chùa Cổ Pháp – nơi sư Khánh Văn trụ trì. Sức cùng, lực kiệt không thể sinh nở, Thị Ngà đã dùng mảnh sành tự rạch bụng để con trẻ được chào đời. Tiếng trẻ khóc cũng là lúc người mẹ lìa xa cõi thế.
"Huyền thoại gò Rồng ấm" tạo nên những hình tượng nhân vật mang tính tương phản rõ nét. |
Thông điệp vở diễn gửi đến khán giả là một lần nữa khẳng định: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ tinh anh và linh khí nghìn đời để hun đúc và sản sinh ra những vĩ nhân mang thiên mệnh làm rạng danh cho giống nòi, tiên tổ.
“Huyền thoại gò Rồng ấp” có sự phối hợp giữa phương pháp biểu hiện và thể nghiệm, kết hợp giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Trong quá trình biểu diễn, từ phong cách hát, đến phục trang, ngôn ngữ hình thể đã tạo nên những hình tượng nhân vật mang tính tương phản rõ nét. Một bên là cái thiện, một bên cái ác, một bên là nhân văn, một bên là tính quỷ.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, khi viết “Huyền thoại gò Rồng ấp” ông muốn tái hiện một bức tranh mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập. Không gian của vở diễn được xác định là nền văn minh châu thổ sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cụ thể là các lễ hội truyền thống lưu truyền từ ngàn đời nay, như lễ hội Trò nhại Nõ Nường (hay còn gọi là Trò Trám) cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc.
Phong cách thể hiện mới mẻ tạo tính hấp dẫn cho nghệ thuật sân khấu cải lương qua vở diễn. |
Xem xong vở diễn, NSƯT Lê Chức bày tỏ: “Vở kịch mang đến cho chúng ta những kiến giải về sự xuất hiện của vương triều nhà Lý. Nếu vở diễn đến được với học sinh, sinh viên thì các bạn trẻ thêm hiểu rõ hơn về lịch sử và từ đó mà lý giải về huyền thoại. Huyền thoại chính là mơ ước, ước vọng về một đấng quân vương. Đóng góp của vở diễn này đó là làm thay đổi những nhận thức chính trị, tư tưởng và khơi gợi thêm lòng tự hào dân tộc trong mỗi người”.
Bài và ảnh: HÀ ANH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.