• Click để copy

Mặt trái kinh tế thị trường tác động đến việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ

Trong những năm qua, gia đình Việt Nam đã được xây dựng và phát triển theo hướng tiến bộ với nhiều thành tựu. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ vẫn đang đối mặt với một số thách thức.

Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Vậy gia đình Việt Nam tiến bộ là gì? Hiểu một cách đơn giản, gia đình Việt Nam tiến bộ là gia đình được xây dựng và phát triển theo hướng đi lên, phù hợp với xu hướng phát triển của lịch sử, của thời đại. Đối với Việt Nam, gia đình tiến bộ phải hội tụ được những đặc điểm tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam truyền thống và xu hướng phát triển của gia đình hiện đại. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình Việt Nam truyền thống như sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và sự hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em... chính là nền tảng làm nên sức sống mãnh liệt của gia đình và xã hội Việt Nam. Đồng thời, trong quá trình hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam có nhiều cơ hội giao lưu với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước, vì vậy những xu hướng tốt đẹp nhất của nhân loại cần được tiếp nhận và phát triển.

Trân trọng những phút giây gia đình bên nhau. Ảnh: THANH THỦY

Trân trọng những phút giây gia đình bên nhau. Ảnh: THANH THỦY

Trong những năm qua, gia đình Việt Nam đã được xây dựng và phát triển theo hướng tiến bộ với nhiều thành tựu. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ vẫn đang đối mặt với một số thách thức. Đáng chú ý trong đó là vấn đề bạo lực gia đình còn rất nghiêm trọng ở Việt Nam. Đằng sau các lá đơn ly hôn, phản ánh một sự thật là tác động của nền kinh tế thị trường đã len lỏi vào đời sống gia đình, nhiều khi chi phối cả tình cảm giữa chồng và vợ. Hậu quả lớn của các cuộc ly hôn chính là sự phát triển thiếu toàn diện của con cái cũng như sự thiếu tôn trọng của con cái đối với cha mẹ sau này.

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, một số cha mẹ không có điều kiện quan tâm đầy đủ đến con cái. Đặc biệt, trong hai thập niên qua đã nảy sinh một hiện tượng mới trong quá trình phát triển ở Việt Nam, đó là “sự phân ly gia đình" do quá trình di cư nội địa và quốc tế diễn ra một cách mạnh mẽ, với hàng triệu người hằng năm. Cần khẳng định rằng, di cư đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao mức sống gia đình, tạo điều kiện tốt hơn về vật chất và việc học hành của con cái. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng ở nhiều làng, xã chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, gây khó khăn cho việc chăm sóc người cao tuổi và trẻ em. Nhiều trẻ em thiếu sự chăm sóc trực tiếp và tình cảm thương yêu của cha mẹ. Điều này làm giảm gắn kết tình cảm cha mẹ-con cái và tăng nguy cơ đối với các hành vi lệch chuẩn của trẻ em khi mà giáo dục xã hội chưa đủ sức thay thế cho gia đình. Cũng do cha mẹ có ít thời gian dành cho con, trong nhiều gia đình, việc chăm sóc và giáo dục trẻ em đã khoán trắng cho ông bà hoặc người giúp việc. Điều này có thể làm hạn chế sự phát triển toàn diện của trẻ em khi kiến thức và kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em của người cao tuổi hoặc người giúp việc không phù hợp với các em.

Quá trình già hóa dân số mạnh mẽ đang diễn ra ở Việt Nam cũng làm cho việc chăm sóc người cao tuổi trong gia đình gặp nhiều thách thức. Nhiều người cao tuổi phải sống một mình và tự chăm sóc cho bản thân, phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính và bệnh tật. Chưa kể một số người cao tuổi còn phải chăm sóc các cháu vì bố mẹ của chúng đi làm xa. Điều đáng lo ngại nữa là các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra đối với một bộ phận người cao tuổi. Một khảo sát với 922 người cao tuổi cho thấy, khoảng 5,7% đã từng bị bạo lực trong 12 tháng trước khảo sát. Nguyên nhân góp phần dung dưỡng hành vi bạo lực đối với người cao tuổi là sự tôn thờ giá trị đồng tiền của một số cá nhân và sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. Những mâu thuẫn gia đình nảy sinh và tích tụ trong quá trình chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt khi họ ốm đau, cũng góp phần dẫn tới các hành vi bạo lực.

Kinh tế thị trường với sự đề cao lợi ích kinh tế cũng dẫn đến những mâu thuẫn trong việc chăm sóc bố mẹ hay chia các tài sản thừa kế giữa các anh chị em ruột, một trong những vấn đề dễ gây ra xung đột nhất trong quan hệ anh chị em ruột hiện nay. Các vụ việc đau lòng gần đây liên quan đến việc chia tài sản thừa kế giữa anh chị em ruột là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp trong mối quan hệ này. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, tình cảm của anh chị em ruột bị lợi dụng cho những vụ tranh chấp quyền lực, địa vị vì đằng sau chức vụ của một cá nhân thường là uy thế của một dòng họ.

Bất chấp những bất lợi do kinh tế thị trường mang lại, gia đình vẫn là thiết chế không thể thay thế đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế-xã hội. Hơn nữa, trong bối cảnh chung của tình trạng nhiều gia đình phân ly hiện nay, mối quan hệ tâm lý-tình cảm của vợ chồng hay việc chăm sóc đời sống tình cảm cho trẻ em là vấn đề cần được quan tâm. Xu thế giảm chức năng chăm sóc người cao tuổi của gia đình là không thể đảo ngược, do đó, xã hội cần chuẩn bị tốt hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia công việc này.

Mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái cần được quan tâm xây dựng trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Chúng ta cũng cần có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân. Cần triển khai những nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Các nghiên cứu khoa học cần được tiến hành một cách hệ thống trước khi hoạch định chính sách. Đồng thời, cần xây dựng hệ tiêu chí cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.

GS, TS NGUYỄN HỮU MINH (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Bài liên quan

Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025

Sáng 20-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.

Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 67/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia

Sáng 19-5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 / 2-9-2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội

Sáng 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa, TP Hà Nội.

Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Sáng 19-5, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu
Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu

Ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.