Tham dự sự kiện có Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh; Phó Tổng Cục trưởng Chu Thị Thu Hương; cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Tổng cục; lãnh đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố và đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông cùng người tiêu dùng tham quan.
Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham dự của ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cùng đại diện các phòng ban của UBND huyện.
Nhận diện sản phẩm sâm Ngọc Linh và sâm trồng tại các tỉnh thành khác
Phòng Trưng bày với chủ đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng, khách tham quan 2 nội dung, sản phẩm chính đó là sâm tươi và các sản phẩm được chiết suất từ sâm.
Điểm nhấn tại sự kiện lần này đó là sự góp mặt của rất nhiều chủng loại sâm củ, cây tươi đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau trên địa bàn cả nước, trong đó, nổi bật là sâm được trồng tại đỉnh núi Ngọc Linh, Kon Tum - vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư.
Mở cửa Phòng Trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường” từ 12 đến 18/4
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh giới thiệu với phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông những đặc điểm nhận diện sâm Ngọc Linh Kon Tum và sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác
Ngay tại sự kiện ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đã giúp người tiêu dùng cũng như các cơ quan báo chí truyền thông nhận diện phân biệt sâm được trồng tại đỉnh Ngọc Linh Kon Tum.
“Nếu để củ sâm Ngọc Linh đơn lẻ thì người tiêu dùng, khách tham quan rất khó để phân biệt và nhận diện với củ sâm đến từ các tỉnh, thành phố khác. Nhưng nếu đặt chung các sản phẩm lên cùng một bề mặt, thì có rất nhiều đặc điểm để nhận diện và phân biệt”, ông Mạnh thông tin và chia sẻ, để nhận diện sâm Ngọc Linh trên thị trường, người tiêu cùng cần lưu ý đến bề mặt, hình dáng củ...
Ông Võ Trung Mạnh giúp người tiêu dùng nhận diện phân biệt sâm được trồng tại đỉnh Ngọc Linh Kon Tum và các sản phẩm chiết xuất từ sâm
“Bề mặt vỏ củ sâm Ngọc Linh xù xì, xấu xí, thô ráp do sinh trưởng trong điều kiện sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên. Trong khi đó, sâm trồng tại các tỉnh thành khác lớp vỏ ngoài có độ bóng mượt, ít sần sùi. Lưu ý thứ hai để chọn sâm Ngọc Linh là nhìn vào cấu trúc mắt. Đốt mắt sâm Ngọc Linh có nhiều rễ bám, có u cục ở gốc, khoảng cách các mắt không đều, nằm so le (hình đốt trúc). Mỗi năm phát triển một đốt. Còn sâm ở các tỉnh thành khác có thể phát triển nhiều đốt trong một năm, các đốt không so le, khoảng cách mắt đều”, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông hướng dấn người dẫn nhận diện.
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT Kon Tum chia sẻ, cách nhận diện phân biệt cây, lá sâm Ngọc Linh tươi
Trong khi đó, chỉ ra các đặc điểm nhận diện, phân biệt cây sâm Ngọc Linh non, ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT Kon Tum chia sẻ, đặt hai cây sâm non có độ tuổi 2 năm đứng cạnh nhau, người tiêu dùng cũng rất dễ nhận ra các đặc điểm khác biệt để phân biệt đâu là cây sâm Ngọc Linh non và cây sâm non trồng ở các tỉnh, thành phố khác. Theo đó, cây sâm Ngọc Linh non sẽ có thân, cuống lá màu trắng và dần đổi sang màu tím khi trưởng thành, quá trình này mất từ 3-5 năm đầu. Thứ hai, lá của cây sâm Ngọc Linh non có hình tròn, khác với hình thon dài của loại sâm khác. Thứ ba, lông mao trên bề mặt lá Ngọc Linh mềm hơn, dày dặn hơn; còn lông mao sẽ cứng hơn, thưa hơn trên bề mặt lá của cây sâm trồng ở các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh các sản phẩm củ tươi, Phòng Trưng bày “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” còn giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm khác được chiết xuất từ sâm như: rượu lá sâm Ngọc Linh; rượu hoa sâm Ngọc Linh... cùng các sản phẩm khác như: trà sâm Ngọc Linh, nước tăng lực sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh K5 Kids, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sâm Ngọc Linh, dịch chiết Sâm Ngọc Linh...
Nhận diện, phân biệt lá và củ sâm Ngọc Linh tươi trên thị trường với lá, củ sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác |
Phòng Trưng bày với chủ đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” diễn ra từ 12-18/4/2023 nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và một số loại sâm khác. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngoài ra, Phòng Trưng bày cũng hướng tới mục tiêu giới thiệu các địa chỉ uy tín, chính hãng trong việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh qua đó góp phần phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặt khác, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Hải (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) vui vẻ cho biết, trước giờ chỉ được nghe, nhìn thấy củ sâm, cây sâm Ngọc Linh trên báo, trên tivi, đây là lần đầu tiên tôi được “mục sở thị” cây dược liệu quý hiếm và đắt đỏ này. Hoa sâm có, cây con có, cây trưởng thành có, cây đang ra hoa có và củ sâm cũng có. Đây thực sự là một cuộc trải nghiệm thú vị đối với tôi và gia đình. Qua đây, tôi sẽ tự tin hơn trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Chung tay bảo tồn và phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển cây dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch là con đường thoát nghèo duy nhất của huyện. Trong đó, cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng là định hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu cho bà con Xơ Đăng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có hơn 1.710 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, có 1.650 ha là của các doanh nghiệp, số còn lại gần 70 ha là của gần 40 nhóm với trên 300 hộ dân cùng cán bộ, viên chức tham gia liên kết trồng sâm với doanh nghiệp. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân khá hiệu quả, bền vững, ưu tiên cho từ 500-700 lao động là người địa phương có việc làm với thu nhập ổn định.
Đông đảo người tiêu dùng quan tâm, tìm hiểu các đặc điểm nhận diện sâm Ngọc Linh Kon Tum
Giai đoạn 2019 - 2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo thì khoảng 70% trong đó nhờ trồng cây dược liệu. Riêng năm 2022 vừa qua, tính riêng 3 xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây đã có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu, đạt thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Nhờ biết tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển cây dược liệu, đồng bào đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhiều bản làng ở Tu Mơ Rông đã “thay da đổi thịt” với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm.
Quý và khan hiếm là vậy, song hiện nay, trên thị trường, từ miền Nam, ra miền Bắc, vào đến miền Trung, thậm chí, ngay trên “thánh địa”, “thủ phủ” trồng sâm Ngọc Linh, các lực lượng chức vẫn thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến sâm Ngọc Linh.
Điển hình, đầu tháng 3/2021, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Kon Tum đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô mật phục, vây bắt vụ vận chuyển các loại củ giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum được ngụy trang trong các thùng hoa phong lan. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện 3 thùng xốp, trong đó có 2 kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ. Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ xe cho biết, số hàng hóa trên đều là củ tam thất, vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc đưa vào huyện Đăk Tô. Trước đó, Đội QLTT số 2 đã phát hiện 7 thùng với 112 chai rượu “lá sâm Ngọc Linh”, tại TT. Đắk Tô, huyện Đắk Tô. Tất cả số rượu trên được sản xuất tại Quảng Nam, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.
Đáng chú ý, trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, chỉ cần gõ “sâm Ngọc Linh” là vô số các bài viết, hình ảnh liên quan sẽ được hiện ra với nhiều sản phẩm, chủng loại, từ củ tươi, củ khô, lá sâm đến cả rượu và các sản phẩm chiết xuất từ sâm.
Các loại sâm khác được các cơ sở kinh doanh thu mua hô biến, hoán đổi thành sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán giá cao hơn, đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Kiều Hưng - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kon Tum chia sẻ các giải pháp góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo tồn, phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum
Trong thời gian tới, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo tồn, phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, ông Kiều Hưng - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kon Tum đề xuất, việc bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh theo đúng vùng chỉ dẫn địa lý thì cần phải có nhiều giải pháp và trách nhiệm từ nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia. UBND huyện cần tăng cường quản lý nguồn gốc giống trồng mới; quản lý vùng trồng, đối tượng trồng theo hướng chặt chẽ hơn đến từng hộ dân, tiểu khu để tránh sự xâm nhập của cây sâm khác vào huyện; phối hợp kiểm tra và cấp tem truy xuất nguồn gốc đối với sâm củ; đề nghị các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình xây dựng vườn sâm phải có hồ sơ vườn sâm cá nhân để thuận tiện cho việc kiểm tra định kỳ.
Đối với lực lượng QLTT, ông Kiều Hưng cho biết, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Kon Tum sẽ chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường lực lượng, kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng vào các mặt hàng trọng điểm, trong đó có sản phẩm sâm Ngọc Linh củ, cây tươi và các sản phẩm chiết xuất khác từ sâm Ngọc Linh.
“Lực lương QLTT tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất sứ, sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng và xử lý hình sự”, Phó Cục trưởng Kiều Hưng nhấn mạnh.