• Click để copy

Mỏ đất hiếm mang lại hy vọng cho châu Âu

Việc một công ty khai khoáng của Thụy Điển phát hiện ra mỏ đất hiếm lớn nhất ở “lục địa già” mở ra hy vọng mới cho Liên minh châu Âu (EU) trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Mới đây, công ty khai khoáng LKAB thuộc sở hữu nhà nước Thụy Điển cho biết đã phát hiện mỏ đất hiếm tại Kiruna, phía Bắc nước này. Ước tính, mỏ đất hiếm này chứa khoảng một triệu tấn oxit đất hiếm. Đây là mỏ đất hiếm với quy mô lớn nhất từ trước tới nay được phát hiện tại châu Âu.

Ông Jan Moström, Giám đốc điều hành (CEO) của LKAB nhận định: “Đó là một tin tốt không chỉ đối với LKAB, địa phương và người dân Thụy Điển mà còn đối với châu Âu và vấn đề khí hậu”.

Mỏ đất hiếm mang lại hy vọng cho châu Âu

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch (bên phải) và CEO LKAB Jan Moström vui mừng khi phát hiện ra mỏ đất hiếm tại thành phố Kiruna. Ảnh: LKAB

Theo The New York Times, nhu cầu về đất hiếm tăng vọt khi thế giới cần nguyên liệu này để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đất hiếm có vai trò rất quan trọng trong sản xuất ô tô điện và turbine gió, cũng như nam châm, màn hình, loa và nhiều thiết bị điện tử khác. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia có vị thế vững chắc trong ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu. Trong khi đó, Nga cũng là nước đi đầu trong việc khai thác đất hiếm.

Phát hiện của LKAB có thể mở ra triển vọng đất hiếm được khai thác ở châu Âu trong bối cảnh khu vực này hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đất hiếm nhập khẩu từ nước ngoài. Theo CNBC, trong năm 2020, EU nhập khẩu 99% lượng đất hiếm từ Trung Quốc. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch đã ví phát hiện này chẳng khác nào tìm thấy “một mỏ vàng”. Theo bà Busch, khả năng EU có thể tự cung tự cấp và thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài sẽ bắt đầu tại mỏ đất hiếm mới phát hiện này.

Trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính, EU đang tìm cách phát triển các nguồn đất hiếm của riêng mình. Giới chức châu Âu đã xác định việc khai thác đất hiếm là mục tiêu chính của khối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen từng nhận định, đất hiếm và lithium sẽ nhanh chóng trở nên quan trọng hơn dầu mỏ và khí đốt. Dự kiến, nhu cầu đất hiếm tại châu Âu sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là mất bao lâu để có thể bắt đầu khai thác trữ lượng đất hiếm khổng lồ mà LKAB vừa phát hiện. Theo công ty khai khoáng này, có thể mất 10-15 năm hoặc lâu hơn nữa để đưa lượng đất hiếm ở Kiruna ra thị trường. Bởi lẽ, việc hoàn tất nghiên cứu về tác động đến môi trường và các thủ tục cần thiết khác để được phép vận hành một mỏ khai thác khoáng sản ở châu Âu sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian.

Nhà phân tích Ross Embleton tại công ty tư vấn Wood Mackenzie nhận định, mỏ đất hiếm mà LKAB mới phát hiện thực sự có quy mô đáng kể. Dù vậy, ông lưu ý mỏ đất hiếm này khó có thể nhanh chóng tạo ra sự khác biệt lớn trên bức tranh nguồn cung toàn cầu, trừ khi các thủ tục cấp phép của châu Âu được rút ngắn. “Với trữ lượng đất hiếm ở châu Âu, lộ trình phát triển thực sự bị cản trở bởi quy trình cấp phép phức tạp”, ông Embleton đánh giá.

Hiện nay, tại “lục địa già” không có hoạt động khai thác đất hiếm quy mô lớn nào, một phần là do các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xin cấp phép cho các mỏ khai thác. LKAB hy vọng, nhu cầu về đất hiếm ngày càng tăng và tính cấp thiết của việc phát triển đất hiếm ở châu Âu sẽ giúp công ty sớm được cấp phép cho mỏ khai thác đất hiếm mới. “Nếu không có mỏ đất hiếm mới ở châu Âu, xe điện khó được phổ biến nhanh chóng”, CEO Moström của LKAB nhấn mạnh.

EU đã đặt mục tiêu tự cung tự cấp nguyên liệu thô lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, khi khối này tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào bên ngoài, đồng thời củng cố tham vọng thúc đẩy công nghệ xanh. Để đạt mục tiêu này, EC đang thực hiện các kế hoạch nới lỏng rào cản pháp lý trong việc khai thác và sản xuất các vật liệu quan trọng như lithium và than chì vốn cần thiết cho các trang trại gió, tấm pin mặt trời và xe điện.

LÂM ANH

Bài liên quan

Tin mới

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 8 tháng đầu năm tăng hơn 13%
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 8 tháng đầu năm tăng hơn 13%

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI
Lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI

Trước tình hình mưa, lũ còn diễn biến rất phức tạp, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) thống nhất lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận sang tháng 12/2024.

Đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ
Đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Công văn số 3064/UBND-KTN ngày 16/9/2024 về việc đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ.

Hàng không mở bán vé máy bay Tết sớm phục vụ người dân
Hàng không mở bán vé máy bay Tết sớm phục vụ người dân

Đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Ất Tỵ 2025, các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt mở bán vé Tết; theo đó, Vietnam Airlines Group mở bán gần 1,5 triệu chỗ, Vietjet mở bán 2,6 triệu chỗ.

Kiểm soát giấy tờ đi tàu bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.
Kiểm soát giấy tờ đi tàu bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.

Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) tiếp tục có văn bản gửi các Hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam về kiểm soát giấy tờ đi tàu bay đối với hành khách nhập cảnh, quá cảnh.

Hà Nội: Còn 26 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp
Hà Nội: Còn 26 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hầu hết các trường trên địa bàn TP Hà Nội đã đón học sinh trở lại trường học tập bình thường.