• Click để copy

Mở ra triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine

Ngày 24-2-2025 đánh dấu tròn 3 năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cuộc xung đột kéo dài không chỉ gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên mà còn kéo theo những hệ lụy trên phạm vi toàn cầu.

Cách đây 3 năm, ngày 24-2-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo RIA Novosti, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh đây là biện pháp bắt buộc vì “Nga không có cơ hội để làm khác khi rủi ro về an ninh đã được tạo ra đến mức không thể đáp trả bằng các biện pháp khác”.

Hãng tin AP nhận định cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, các thành phố ở Ukraine đã bị biến thành đống đổ nát, hàng triệu người Ukraine trở thành người tị nạn và Nga bị phương Tây cô lập. Cuộc xung đột không chỉ tác động đến hai bên tham chiến mà còn gây ra cú sốc cho thị trường năng lượng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giáng đòn mạnh vào an ninh lương thực khi Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới.

Mở ra triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine
Tòa nhà tại thành phố Kiev ngày 20-12-2024 khi xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn. Ảnh: Tân Hoa xã

Xung đột kéo dài khiến cả Nga và Ukraine đều bị thiệt hại. Trong khi đó, phương Tây đã cảm thấy thấm mệt trong việc hỗ trợ cho Ukraine để chống lại Nga. Hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm gây sức ép cho Moscow không thể làm nền kinh tế Nga sụp đổ mà lại khiến phương Tây chịu tổn hại, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Nga vào tháng 1 năm nay, mục tiêu giải quyết xung đột ở Ukraine mà Nga hướng tới không phải là một lệnh ngừng bắn ngắn hạn và thời gian nghỉ ngơi để tập hợp lại lực lượng và tái vũ trang nhằm tiếp tục xung đột mà là nền hòa bình lâu dài. Hồi tháng 6-2024, ông Putin nêu rõ để Nga ngừng bắn, Ukraine cần đáp ứng các điều kiện, bao gồm: Từ bỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi các khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền; tiến hành phi quân sự hóa và phi phát xít hóa; cam kết trung lập, không liên kết và không có hạt nhân. Ngoài ra, phương Tây cũng cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.

Triển vọng hòa bình ở Ukraine đã mở ra sau cuộc điện đàm hiệu quả hôm 12-2 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin khi hai bên nhất trí đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Tại vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 18-2 ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, phái đoàn Mỹ và Nga nhất trí thành lập các nhóm làm việc cấp cao để giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo Euronews, sau vòng đàm phán đầu tiên, ông Trump thông báo phái đoàn Mỹ và Nga sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ hai cũng tại Riyadh vào ngày 25-2 để tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Giới phân tích nhận định, việc Mỹ và Nga ngồi vào bàn đàm phán là tín hiệu tích cực cho cuộc xung đột ở Ukraine. Thay vì chính sách đối đầu căng thẳng với Nga của người tiền nhiệm Joe Biden, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách hâm nóng quan hệ với Moscow, thúc đẩy đối thoại để thu hẹp bất đồng, tháo gỡ rào cản nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.

Những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine được Trung Quốc hoan nghênh. Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Johannesburg (Nam Phi) vào ngày 20-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: “Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho hòa bình ở Ukraine, bao gồm cả sự đồng thuận gần đây đạt được giữa Mỹ và Nga”.

Tuy nhiên, Kiev và châu Âu không thấy hài lòng và lo ngại sẽ bị gạt bên lề tiến trình tìm kiếm thỏa thuận hòa bình cho Ukraine khi không có đại diện tham dự đàm phán. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà không có sự tham gia của Kiev. Trước phản ứng của Kiev và châu Âu, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz phủ nhận việc các đồng minh của Mỹ và Ukraine không được tham vấn. Theo ông Waltz, thời điểm hiện tại cần tiến hành ngoại giao con thoi bởi việc cùng lúc đưa tất cả các bên vào bàn đàm phán sẽ không mang lại hiệu quả. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha để tái khẳng định cam kết của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, trong đó có việc thông qua các hành động hiệu quả tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việc đạt được một thỏa thuận mang lại nền hòa bình bền vững ở Ukraine, trong đó bảo đảm lợi ích của tất cả các bên, không phải là điều dễ dàng. Các nhà hòa giải cần nỗ lực hơn nữa khi Moscow và Kiev còn nhiều khác biệt. Sau khi thiếu đi sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, liệu Ukraine có thể nhượng bộ trong đàm phán với Nga hay không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, việc một số nước châu Âu tiếp tục công khai ủng hộ Ukraine và có phản ứng gay gắt với Nga như “đổ thêm dầu vào lửa”, tạo rào cản cho nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột.

LÂM ANH

Bài liên quan

Tin mới

Hà Nội: Điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông tại tuyến đường 8 làn xe
Hà Nội: Điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông tại tuyến đường 8 làn xe

Việc điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông giúp chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường 8 làn xe Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Triệt phá thành công chuyên án lợi dụng mê tín dị đoan chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng
Triệt phá thành công chuyên án lợi dụng mê tín dị đoan chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng

Ngày 24-2, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Đắk Lắk), đơn vị vừa triệt xóa thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chiêu trò “mê tín dị đoan” để chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng.

Khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận
Khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận

Ngày 24-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định thành lập 15 đảng bộ thuộc Đảng ủy Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định thành lập 15 đảng bộ thuộc Đảng ủy Chính phủ

Sáng 24-2, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quyết định của Đảng ủy Chính phủ về việc thành lập 15 đảng bộ các bộ, cơ quan trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Ngành Y tế cần đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Ngành Y tế cần đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2025), sáng 24-2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm, làm việc với Bộ Y tế về kết quả thực hiện công tác y tế trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Sáng 24-2, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban chỉ đạo) đã chủ trì phiên họp thứ nhất năm 2025 Ban chỉ đạo.