Mở rộng cao tốc huyết mạch cho khu vực phía Nam
Sau gần 10 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trở thành tuyến đường trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam. Hiện nay, lưu lượng phương tiện trên tuyến tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc, việc nghiên cứu, mở rộng tuyến đường này là yêu cầu cấp thiết.
Dự báo sớm mãn tải, lưu lượng vượt 25% năng lực lưu thông
Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 30-6-2016 với chiều dài 54km, quy mô 4 làn xe. Trong số 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác, đây là tuyến cao tốc có lưu lượng lớn nhất (các tuyến còn lại gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Trong 6 tháng đầu năm 2024, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đạt 11,68 triệu lượt xe, tăng 18,53% so với cùng kỳ năm 2023.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là một phần của trục cao tốc Bắc-Nam phía Đông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực phát triển năng động và đóng góp lớn cho nền kinh tế cả nước. Khu vực này cũng tập trung nhiều đầu mối giao thông đường bộ, đường biển, hàng không. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đang được xây dựng, định hướng trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế. Để phát huy hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, việc tăng cường các hệ thống đường giao thông kết nối là yêu cầu không thể thiếu, trong đó có tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VEC |
Tuy nhiên, do lưu lượng tăng cao, hiện nay, tuyến cao tốc này thường xuyên ùn ứ giao thông, đặc biệt là đoạn từ Km12 đến Km23 hướng Long Thành đi TP Hồ Chí Minh và từ Km4 đến Km12 hướng TP Hồ Chí Minh đi Long Thành. Ngoài lưu lượng tăng đột biến vào các ngày cuối tuần, lễ, tết, tình trạng ùn ứ trên tuyến cao tốc này còn xuất phát từ sự cố, va chạm, hư hỏng xe trên cầu Long Thành. Theo tính toán, trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Km0 đến Km25+920) hiện đã mãn tải, đến năm 2025, nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực lưu thông của tuyến. Với quy mô hiện tại, đoạn tuyến này sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt, đến năm 2026, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác, tuyến cao tốc kết nối với sân bay sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành.
Đề xuất mở rộng cao tốc lên 8-10 làn xe
Theo Tổng công ty VEC, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Km0 đến Km25+920) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Trên cơ sở phương án đề xuất của VEC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chấp thuận phương án đầu tư mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Cụ thể, đoạn tuyến được mở rộng dài 21,92km từ nút giao vành đai 2 (TP Hồ Chí Minh) đến nút giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (từ Km4 đến Km25+920). Quy mô mở rộng đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh) lên 8 làn xe (từ Km4 đến Km8+770); đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu lên 10 làn xe (từ Km8+770 đến Km25+920). Cầu Long Thành xây dựng thêm một đơn nguyên mới tương tự cầu hiện tại.
Dự án do VEC làm chủ đầu tư và huy động 100% vốn thực hiện, tổ chức quản lý, khai thác, thu phí hoàn vốn. Hạng mục giải phóng mặt bằng tách thành dự án độc lập, giao địa phương thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư của dự án theo phương án đề xuất là hơn 14.955 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 5.555 tỷ đồng (37%), vốn vay thương mại là 9.400 tỷ đồng (63%). Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2027.
Với vai trò là chủ đầu tư, năng lực tài chính của VEC sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng triển khai dự án mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành. Để bảo đảm khả năng huy động vốn, VEC kiến nghị được khoanh, lùi trả nợ gốc từ giai đoạn 2022-2026 sang giai đoạn 2031-2034 đối với khoản trái phiếu do Bộ Tài chính đã ứng trả. Với đề xuất này, khi hòa chung dòng tiền 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư (4 dự án đang khai thác và dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công), lũy kế dòng tiền sau thuế của các dự án luôn ở mức dương. Từ đó, giúp VEC bảo đảm khả năng trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng khi huy động vốn thực hiện dự án cũng như nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp.
MẠNH HƯNG
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.