Mở rộng đối tượng được ở nhà công vụ
Chiều 16-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có đề xuất mở rộng đối tượng ở nhà công vụ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp.
Bảo đảm khả thi khi quy định về nhà công vụ
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, thảo luận về việc bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ (Điều 45 dự thảo luật), có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 45 đối tượng được thuê nhà ở công vụ là người làm công tác cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, cơ yếu; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại vùng sâu, vùng xa”.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành thảo luận về tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). |
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, so với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ năm đã bổ sung đối tượng “hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” được thuê nhà ở công vụ. Tiếp thu các ý kiến, dự thảo luật trình Quốc hội xem xét tại phiên họp ngày 26-10 đã mở rộng thêm đối tượng được thuê nhà ở công vụ, cụ thể là đã bổ sung “công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo”.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu Quốc hội và Bộ Quốc phòng cũng có văn bản đề nghị tiếp tục bổ sung một số đối tượng không giữ chức vụ nhưng được thuê nhà ở công vụ, không chỉ tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo mà ở tất cả các địa bàn, bao gồm: Công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. |
Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, nếu tiếp tục bổ sung đối tượng như đề nghị nêu trên thì phạm vi đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ được mở quá rộng so với Luật Nhà ở hiện hành, trong khi điều kiện nguồn lực nhà nước cho phát triển nhà ở công vụ còn rất khó khăn sẽ khó bảo đảm tính khả thi.
Việc bổ sung đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ theo đề nghị trên sẽ ảnh hưởng lớn đến sự cân đối, đồng bộ về chính sách nhà ở công vụ đối với các nhóm đối tượng khác trong hệ thống chính trị, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật thì cán bộ, công chức phải giữ chức vụ nhất định, như ở trung ương phải là Phó thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương trở lên, ở địa phương phải là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phó giám đốc Sở và tương đương trở lên mới thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không giữ chức vụ, chỉ được thuê nhà ở công vụ khi được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. |
Vì thế, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ phạm vi đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ. Cụ thể là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; trừ trường hợp pháp luật quy định đối tượng thuộc điểm này phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân.
Cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố càng cần nhà công vụ
Cho ý kiến vào nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến cử tri khi tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Cử tri cho rằng việc ưu tiên nhà ở công vụ cho nhóm đối tượng giữ các chức vụ như vậy là chưa hợp lý, bởi đó là nhóm đối tượng có tiền lương cao hơn. Trong khi đó, nhóm cán bộ, công chức bình thường có lương thấp hơn lại không được ở nhà công vụ, phải đi thuê nhà rất đắt đỏ.
![]() |
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị có chính sách nhà công vụ hợp lý hơn. |
Cán bộ, công chức, viên chức nói chung (không chỉ người thuộc lực lượng vũ trang) được luân chuyển, điều động, biệt phái tới vùng sâu, vùng xa có khi lại không gặp khó khăn về nhà ở, vì có thể thuê nhà với chi phí rất rẻ, thậm chí có thể ở nhờ nhà dân. Nhưng cán bộ, công chức, viên chức ở các thành phố lớn thì phải thuê nhà với chi phí rất đắt đỏ. Có trường hợp vợ, chồng công tác ở 2 thành phố khác nhau nên phải thuê 2 nhà, rất tốn kém. Do vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần có chính sách nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ở mọi địa bàn nói chung, không riêng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, việc tiếp cận nhà công vụ đối với cán bộ công tác còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu thực tế. Dự thảo luật hiện đang có hướng giải quyết cho vấn đề này, tuy nhiên nếu mở rộng hết các đối tượng được sử dụng thì không có đủ nguồn nhà ở công vụ cho các lực lượng.
![]() |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung bố trí tùy theo quỹ nhà công vụ của lực lượng vũ trang hoặc của địa phương; với số cán bộ điều động, luân chuyển, giao Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh xem xét cân nhắc bố trí thêm cho các trường hợp khác.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói thêm, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế nên trong dự thảo luật cần diễn đạt rõ ý hơn về các đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ. Bởi nếu định nghĩa như dự thảo, nguồn lực bố trí cho việc thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ của Đảng, Nhà nước rất khó thực hiện.
THÙY LÂM
Tin mới
Bắc Giang triệt phá cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả
Ngày 16/4/2025, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với Công an xã Tân Hưng và Đội Quản lý thị trường số 3 (Chi Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang) kiểm tra, bắt quả tang Nguyễn Văn Vĩnh đang sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả các loại tại nhà riêng của đối tượng tại thôn Bãi Sim, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các luật phải cụ thể, thể chế hóa toàn bộ các chủ trương của Đảng
Sáng 18-4, kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ hai tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện 6 rõ trong xây dựng pháp luật và 6 rõ trong tổ chức triển khai, thực thi pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển bền vững
Sáng 18-4, tiếp ông Jefferey Perlman, Tổng Giám đốc Quỹ Warburg Pincus, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ (USABC), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Quỹ mở rộng đầu tư nhiều hơn, nhanh hơn vào Việt Nam; có tiếng nói với chính quyền Hoa Kỳ có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy thương mại song phương công bằng, bền vững như tinh thần trao đổi gần đây giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: Kiên quyết không sử dụng cán bộ thiếu năng lực, bị kỷ luật, bị điều tra
Sáng 18-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tiếp xúc cử tri tại thành phố Đà Lạt trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Hà Nội thành lập cụm công nghiệp làng nghề
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2092/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Nam Tiến, huyện Phú Xuyên. Cụm công nghiệp này được xây dựng với định hướng phát triển bền vững, tập trung vào công nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm
Sáng 18-4, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các đại biểu Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.