Mối quan hệ Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững hơn
Chuyến thăm chính thức Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chủ trì Kỳ họp thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào và bế mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 từ ngày 11-12/01/2023 sẽ góp phần đẩy mạnh quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu.
Vượt qua thách thức
Mặc dù sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19 cộng thêm thiên tai lũ lụt khiến hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Lào gặp một số trở ngại. Thế nhưng, thời gian gần đây giao thương giữa hai nước đã lấy lại đà tăng trưởng, cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng.
Ảnh: TTXVN.
Để có được kết quả này là sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của Lãnh đạo cấp cao hai nước, sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng, kịp thời giải quyết và khắc phục những vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hai nước để thích ứng nhanh với bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thống kê cho thấy, năm 2020 kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 11,5% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 571,7 triệu USD, giảm 18,5%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 458,1 triệu USD, giảm 0,7% so với năm 2019.
Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,7 triệu USD, tăng 4% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,2 triệu USD, tăng 69,8% so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào vẫn tăng trưởng tốt, đạt 1,63 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021. Đây được coi là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Lào.
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chính gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả.
Ngoài ra, hai bên đạt tiến triển tích cực trong triển khai một số dự án quan trọng như Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Xaysomboun, Học viện Tài chính Kế toán Dongkhamxang giai đoạn III, Trường dạy nghề tỉnh Khammouan; Công viên hữu nghị Việt Lào, Trường chính trị Công an Nhân dân tại Vientiane và một số công trình, dự án khác.
Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về kim ngạch thương mại, từ năm 2012 đến nay, hai Bộ Công Thương liên tục hoàn thành tốt mục tiêu duy trì tăng trưởng kim ngạch thương mại hàng năm ít nhất 10% mà lãnh đạo cấp cao đề ra.
Bên cạnh đó, hai bên đã phối hợp chặt chẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý về thương mại đầy đủ, toàn diện và ưu đãi đặc biệt cho nhau thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào năm 2015.
Trong lĩnh vực năng lượng, một trong những kết quả hợp tác nổi bật là hai bên đã ký kết và triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện giữa hai nước.
Theo đó, việc chuẩn bị nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam được thực hiện tốt. Tổng công suất các nhà máy điện tại Lào đã được phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện về Việt Nam đạt khoảng 90% công suất cam kết nhập khẩu điện giai đoạn đến năm 2025 (2.689 MW trên tổng số 3.000 MW cam kết đến năm 2025).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu, giá cả hàng hóa, giá năng lượng, cước vận tải, lạm phát toàn cầu gia tăng đặt ra nhiều rủi ro về an ninh năng lượng và lương thực.
Do đó, nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nếu không có những biện pháp phù hợp, ứng phó và thích nghi với bối cảnh mới. Vì vậy, ngành công thương, năng lượng và mỏ Việt Nam - Lào cần tăng cường gắn kết, bổ trợ cho nhau nhiều hơn nữa để giúp nền kinh tế Việt Nam và Lào vững vàng vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Mới đây, sau khi tham quan các nhà máy tại Tổ hợp ô tô VinFast, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith bày tỏ lời khâm phục trước tốc độ xây dựng của Tập đoàn Vingroup khi chỉ trong 21 tháng đã biến khu vực chỉ là đầm lầy thành một tổ hợp công nghiệp sản xuất hiện đại. Phía Lào mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ phía Việt Nam và tìm hiểu các sản phẩm cũng như giá thành, quy trình bán hàng, bảo hành của VinFast để có thể tiếp cận được với thị trường Lào.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith, phía Lào cũng đang thúc đẩy quá trình phát triển xe điện để giảm áp lực về xăng dầu. Hiện tại, các cơ quan Chính phủ của Lào đang ban hành nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư vào Lào liên quan đến lĩnh vực xe điện.
Hơn nữa, Lào đang nhập khẩu xe chủ yếu từ Trung Quốc và một số nước châu Âu nên dư địa cho phát triển lĩnh vực này là rất lớn. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Lào sẽ sẵn sàng tạo mọi điều kiện để Vingroup có thể tiếp cận và đầu tư tại Lào lĩnh vực xe điện nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung góp phần thúc đẩy thương mại 2 nước.
Cùng nhau phát triển
Điểm lại những điểm hạn chế và nguyên nhân khiến thương mại Việt Nam - Lào chưa phát triển tương xứng, các chuyên gia thương mại đã chỉ ra những chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả.
Cùng đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng cũng như chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính chủ động và xác định những tiềm năng và thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam để có chiến lược xuất khẩu kinh doanh phù hợp với Lào.
Đánh giá về quan hệ song phương trong thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, kim ngạch song phương giữa Việt Nam-Lào thời gian gần đây tăng nhanh nên nhiều khả năng đạt mốc 2 tỷ USD hoàn toàn có thể sớm đạt được mục tiêu này.
Đáng lưu ý, các sản phẩm chế biến chế tạo, vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng và hải sản có tiềm năng tốt do Lào không giáp biển. Cùng đó, các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng có nhiều dư địa tại thị trường này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư kiên trì xây dựng thương hiệu và phân phối để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác. Ngược lại, gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản, phân bón… là các mặt hàng tiềm năng Việt Nam có thể nhập khẩu.
Để thúc đẩy quan hệ thương mại, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của các hiệp định thương mại để tránh vướng mắc khi làm thủ tục thông quan. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng.
Bộ trưởng Malaythong Kommasith cho rằng, thời gian qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng tích cực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị giữa hai bên. Do đó, tới đây Bộ Công Thương Lào sẽ tăng cường hợp tác với phía Việt Nam để triển khai các định hướng, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là thương mại qua biên giới, trao đổi các mặt hàng hai bên có thế mạnh và nhu cầu; trong đó, có lĩnh vực năng lượng và mỏ.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ Lào tháo gỡ khó khăn trước bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang phức tạp.
Đặc biệt, trao đổi thương mại song phương có thể đạt mốc 2 tỷ USD nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Do vậy, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào sẽ tích cực phối hợp để triển khai các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai bên.
Lê Pháp (T/h)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.