Mong manh ngành đồ uống
Khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp trong ngành đồ uống (bia-rượu-nước giải khát) do nhu cầu thị trường sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.
Trong bối cảnh doanh nghiệp nói chung, ngành đồ uống nói riêng gặp khó khăn, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, lộ trình phù hợp để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia có thể tới 100% vào năm 2030
Trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Trong đó, đối với mặt hàng rượu, bia, đề xuất mức tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục trong giai đoạn từ năm 2026 đến 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới.
Cụ thể, cơ quan này đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình với rượu hơn 20 độ tăng dần từ 70-80% lên 90-100% vào năm 2030; với rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 40-50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 70-80% lên 90-100%. Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Người dân lựa chọn sản phẩm đồ uống tại cửa hàng ở quận Đống Đa, TP Hà Nội. |
Theo các doanh nghiệp ngành đồ uống, việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này là chưa phù hợp bởi sẽ làm cho các doanh nghiệp thêm khó khăn, người tiêu dùng giảm mua, doanh thu sẽ tiếp tục giảm và việc nộp ngân sách sẽ giảm theo, người lao động mất việc làm... Các doanh nghiệp ngành đồ uống đề nghị, trong giai đoạn khó khăn này, Nhà nước nên có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phục hồi, yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện, ngành đồ uống là ngành kinh tế có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Song từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống liên tục phải chịu rất nhiều tác động lớn từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn... Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao 15%-30%, nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất tăng khoảng 30-40% so với mức giá bình quân năm 2022.
Đề xuất giảm mức tăng và giãn lộ trình tăng thuế
Mới đây, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027. Đối với sản phẩm rượu, bia, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây sốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới. Cụ thể, với rượu hơn 20 độ, VBA đề nghị tăng từ 75% vào 2027, theo lộ trình lên 80% vào năm 2031. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế sẽ từ 40% lên tối đa 50%; bia các loại từ 70% lên cao nhất 80%.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA thông tin, những năm gần đây, ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng cửa. Theo số liệu Hiệp hội có được, thị trường của Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã sụt giảm hai con số trong năm 2023. Còn Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) có 26 nhà máy ở 20 tỉnh, thành phố. Từ năm 2021 tới nay, SABECO tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số.
Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20-40%, trong khi giá bán không thể tăng. Cùng với đó, Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (HABECO) phản ánh, năm 2023, sản lượng tiêu thụ giảm gần 30% so với năm 2019, doanh thu giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (HALICO) liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay. Đến cuối năm 2023, HALICO đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, lũy kế lên đến 457,7 tỷ đồng. Đồng thời, theo VBA, khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, sử dụng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả...
Các doanh nghiệp trong ngành đồ uống cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều chỉnh giá bán chưa phải là công cụ duy nhất giúp thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vào đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại lợi ích cho người dùng, nền kinh tế. Bên cạnh giải pháp tăng thuế, cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bài và ảnh: MINH ĐỨC
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.