Nắng nóng nguy hiểm đe dọa nhiều nước châu Á
Các nước châu Á đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, nhiều nơi chạm mức nguy hiểm.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngay từ đầu mùa nắng nóng đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người dân khiến các nước phải tìm cách ứng phó.
Philippines đã phát đi những khuyến cáo đối với người dân khi nắng nóng lên đến 50 độ C ở nhiều nơi. Theo Manila Times, Cơ quan quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (Pagasa) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi chỉ số nóng bức tại nhiều nơi ở nước này đạt mức nguy hiểm, có thể lên tới 50 độ C ở nhiều khu vực, mức cao nhất kể từ khi mùa khô nóng bắt đầu ở nước này.
Nắng nóng ở Ấn Độ khiến nhiều người tử vong vì say nắng (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters |
Pagasa cảnh báo say nắng có thể xảy ra nếu một người tiếp xúc với chỉ số nhiệt từ 42 đến 52 độ C. Mức nhiệt độ từ 52 độ C trở lên được phân loại là “mức cực kỳ nguy hiểm”. Cơ quan này kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời và giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt là vào buổi trưa và đầu giờ chiều khi nắng nóng gay gắt nhất. Việc tiếp xúc với nhiệt độ cao và các hoạt động nặng nhọc có thể dẫn đến kiệt sức vì nóng, chuột rút do nắng nóng và nghiêm trọng hơn là say nắng.
Theo Pagasa, dựa trên dự báo tại trạm Science Garden ở thành phố Quezon, khu vực này có thể trải qua chỉ số nóng bức lên đến 50 độ C vào ngày 22-4. Người dân, đặc biệt là ở thành phố Quezon, Manila và Pasay sẽ trải qua nền nhiệt cao khi chỉ số nóng bức dự báo tăng vọt lên 50 độ C. Chỉ số nóng bức là “thước đo chỉ ra mức độ khó chịu mà một người phải trải qua do tác động kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm của không khí”.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với thời tiết nắng nóng kinh hoàng, thậm chí gây tử vong. Bangladesh trong tuần qua chứng kiến nhiệt độ cao nhất trong gần 60 năm qua, còn ở Ấn Độ, ít nhất 13 người thiệt mạng vì say nắng. Theo Axios, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Thái Lan đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong hai tuần qua, vượt quá 40 độ C. Báo The Guardian (Anh) dẫn đánh giá của các chuyên gia khí hậu cho rằng, đợt nắng nóng khắc nghiệt được mô tả là “sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á”.
Tại Bangladesh, quốc gia nằm trên tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu, nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C ở thủ đô Dhaka hôm 15-4, ngày nóng nhất trong 58 năm, khiến mặt đường nóng chảy. Một quan chức của Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu của nước này cho biết, nếu nắng nóng không hạ nhiệt, họ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về nhiệt độ ở một số khu vực. Trong tuần này, cơ quan khí tượng Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo màu cam về đợt nắng nóng nghiêm trọng ở các vùng của Bihar, Jharkhand, Odisha, Andhra Pradesh và Tây Bengal. Tất cả bang này đều có tỷ lệ lao động nông thôn cao và những người lao động buộc phải làm việc bên ngoài ngay cả khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Lãnh đạo bang Tây Bengal đã quyết định đóng cửa tất cả trường học của bang trong tuần này do lo ngại về nắng nóng gay gắt, đồng thời kêu gọi các tổ chức giáo dục tư nhân thực hiện biện pháp tương tự.
Thái Lan cũng đã đưa ra các cảnh báo về sức khỏe do thời tiết nắng nóng bất thường. Cơ quan y tế nước này cảnh báo về nguy cơ say nắng, đặc biệt đối với những người tập thể dục hoặc làm việc nhiều giờ bên ngoài, chẳng hạn như công nhân xây dựng và nông dân. Nhiệt độ cao được dự báo có thể tiếp tục gia tăng ở Thái Lan sau những tháng mùa hè, gây ra hạn hán và khả năng mất mùa.
Theo CNN, tình trạng nắng nóng gay gắt tại Nam Á và Đông Nam Á dự kiến sẽ vẫn tiếp diễn. Giới khoa học nhận định, khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra trở nên trầm trọng hơn và nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, các đợt sóng nhiệt sẽ trở nên phổ biến hơn. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Harvard và Đại học Washington đăng trên Tạp chí Communications Earth and Environment năm 2022, ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, người dân có thể tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm. Những ngày có nhiệt độ ở mức cực kỳ nguy hiểm-chạm ngưỡng 51 độ C-có thể tăng gấp đôi, thách thức giới hạn về khả năng sinh tồn của con người.
XUÂN PHONG
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.