NATO không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan
Sau khi Ba Lan tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định triển khai, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh quân sự không có kế hoạch như vậy.
Hãng thông tấn APA ngày 24-4 đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ba Lan, ông Stoltenberg nhấn mạnh: "Không có kế hoạch mở rộng chương trình chia sẻ hạt nhân hay triển khai thêm vũ khí hạt nhân tới các quốc gia thành viên NATO khác".
NATO có 3 nước thành viên là quốc gia hạt nhân gồm: Mỹ, Anh và Pháp. Chương trình chia sẻ hạt nhân được NATO xác định là trọng tâm trong bảo đảm năng lực phòng thủ và răn đe của liên minh quân sự, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. NATO xem các lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ, Anh và Pháp, nhất là của Mỹ, là "sự bảo đảm tối cao" cho an ninh của khối.
![]() |
Ông Jens Stoltenberg khẳng định NATO không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan. Ảnh: Reuters |
Theo AP, thông qua chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO, Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân tới một số quốc gia đồng minh trong liên minh quân sự là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ có toàn quyền kiểm soát đối với những vũ khí hạt nhân của mình được triển khai ở nước ngoài.
NATO tuyên bố, mặc dù chương trình chia sẻ hạt nhân tồn tại từ trước khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ra đời và có hiệu lực, song vẫn "tuân thủ đầy đủ" NPT. Mỹ thực hiện "các quy trình nghiêm ngặt" để bảo đảm an ninh, an toàn cho vũ khí hạt nhân được triển khai tại châu Âu "trong mọi thời điểm".
Phát biểu của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố sẵn sàng để NATO triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này; nhấn mạnh Warsaw ý thức được nghĩa vụ của mình trong liên minh gồm 32 nước thành viên. "Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan trong khuôn khổ chương trình chia sẻ hạt nhân để củng cố an ninh sườn Đông của NATO, chúng tôi rất sẵn sàng", Tổng thống Duda khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải ngày 22-4.
AP cho biết, trước đây, Tổng thống Duda cũng đã từng đề cập tới "sự cởi mở" của Ba Lan với chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO. Bình luận về phát biểu của Tổng thống Duda, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng đây là "một ý tưởng rất lớn"; khẳng định bất kỳ sáng kiến tiềm năng nào cũng phải được những người có trách nhiệm "chuẩn bị kỹ lưỡng" và có được "sự nhất trí hoàn toàn".
Hôm 23-4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Nga sẽ có những bước đi cần thiết để bảo đảm an ninh nếu NATO triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan. "Quân đội Nga sẽ phân tích tình hình trong trường hợp kế hoạch đó được thực hiện và sẽ thực hiện mọi biện pháp đáp trả cần thiết để bảo đảm an toàn của chúng tôi", ông Peskov khẳng định.
Ngày 24-4, Sputnik dẫn tuyên bố từ Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN)-một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ tại 100 quốc gia nhằm thúc đẩy việc tuân thủ và thực thi Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), cho rằng NATO sẽ vi phạm tinh thần NPT nếu triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan. NPT chính thức có hiệu lực vào năm 1970.
Theo đó, các quốc gia phi hạt nhân cam kết không sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân trong khi các quốc gia hạt nhân cam kết "không hỗ trợ hay khuyến khích" bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.
VŨ HOÀNG
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.