Nền kinh tế Nhật Bản nhìn từ món mì ramen
Những gì mà nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt, đặc biệt là tình trạng lạm phát, phần nào được thể hiện qua nỗi trăn trở của các chủ tiệm mì ramen-món ăn phổ biến và giá cả từng rất phải chăng ở xứ sở mặt trời mọc.
Theo tờ The Washington Post, mì ramen là món ăn nhanh bình dân, được nhiều sinh viên, học sinh và những người làm công ăn lương ở Nhật Bản yêu thích. Giá của món ăn nổi tiếng này hiếm khi cao hơn 1.000 yên/tô (tương đương khoảng 6,8USD).
Thế nhưng, tình trạng lạm phát tại Nhật Bản tác động mạnh tới giá của mỗi tô mì ramen. Bằng chứng là kể từ đầu năm đến nay, nhiều tiệm mì ramen ở Nhật Bản buộc phải đóng cửa khi các chủ quán phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đó là hoặc phải tăng giá vượt quá 1.000 yên/tô hoặc phải chấp nhận ngừng kinh doanh. Công ty nghiên cứu doanh nghiệp Teikoku Databank có trụ sở ở Tokyo cho biết, tính đến tháng 7 năm nay, đã có tổng cộng 49 cửa hàng mì ramen nộp đơn xin phá sản do chi phí nguyên liệu, nhân công và giá điện đã tăng tới 10% chỉ trong vòng 3 năm qua.
Thực khách thưởng thức mì ramen trong một quán ăn lâu đời ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: The Washington Post |
“Giá cả đã tăng trong những năm qua, nhưng 3 năm trở lại đây thì thật không thể tin được. Tôi nghĩ mọi người trong ngành đều đang gặp khó khăn”, Tetsuya Kaneko, chủ một quán mì ramen ở khu vực phía Tây Tokyo chia sẻ. Năm ngoái, quán của ông Kaneko đã phải tăng giá thêm 50 yên lên 1.000 yên cho một tô mì ramen tiêu chuẩn.
Tất nhiên 49 trường hợp phá sản nói trên không ảnh hưởng tới “văn hóa mì ramen” của người Nhật Bản, bởi đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số hơn 21.000 quán mì ramen tại nước này. Nhưng đó cũng phần nào cho thấy thực tế đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đó là lạm phát, đồng yên mất giá trong khi giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo The Washington Post, chỉ trong vòng 5 năm qua, đồng yên của Nhật Bản đã mất hơn 40% giá trị so với đồng USD.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhưng cú sốc đối với người tiêu dùng Nhật Bản trở nên đặc biệt nặng nề vì trước đây họ đã quen với việc giá cả ổn định trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, dù tiền lương cơ bản ở Nhật Bản đang được nâng lên với tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 thập kỷ qua nhưng vẫn không theo kịp đà lạm phát, khiến người dân nước này cảm thấy... ngày càng nghèo hơn.
Theo Jesper Koll, nhà kinh tế đồng thời là nhà đầu tư ở Tokyo, nếu hỏi khách hàng xem có nên tăng giá hay không, tất nhiên họ sẽ trả lời là “Không”. Tuy nhiên, áp lực chi phí, chẳng hạn như giá lương thực và đặc biệt là giá năng lượng tăng cao, khiến các chủ tiệm mì ramen buộc phải tăng giá và gửi lời xin lỗi đến khách hàng.
Taisei Hikage, chủ quán mì Menya Taisei ở phía Tây Tokyo cho biết, khi anh khởi nghiệp cách đây chừng 10 năm, mì ramen rất rẻ nên thường được gọi là “bữa ăn một xu”. Nhưng trong khoảng 2-3 năm qua, mì ramen đã tăng giá bởi mọi nguyên liệu để làm ra món ăn này, từ thịt lợn, thịt gà, lúa mì, rong biển, măng, hành lá, nước tương và thậm chí cả dầu ăn đều đắt đỏ hơn trước. Các nhà kinh tế giải thích rằng, giá một số loại thực phẩm ở Nhật Bản tăng là do thu hoạch mùa màng kém và còn do nước này phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Norihiro Yamaguchi tại công ty tư vấn Oxford Economics dự đoán, áp lực từ tình trạng giá lương thực tăng cao ở Nhật Bản sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất là đến cuối năm. Từ nay tới lúc đó, nhiều chủ quán mì ramen sẽ tăng giá một cách thận trọng lên mức 1.000 yên/tô hoặc hơn, trong khi vẫn phải bảo đảm chất lượng món ăn để giữ chân thực khách. Tờ Nikkei Asia cho biết thêm, một số chuỗi cửa hàng mì ramen đang chuyển ra vùng ngoại ô để mang bữa ăn giá rẻ đến với các gia đình đang phải vận lộn với tình trạng lạm phát.
Một chủ quán tâm sự rằng, mì ramen luôn là món ăn chủ yếu của những người có thu nhập thấp hoặc sinh viên, giới trẻ Nhật Bản nên ông không muốn nó trở thành thứ vượt ngoài khả năng của họ.
ANH VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.