Nga bày tỏ quan điểm về giải quyết xung đột tại Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định muốn sớm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời nêu rõ quan điểm của Moscow trong việc tìm giải pháp thông qua đàm phán.
TASS đưa tin, trả lời báo chí sau một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước ngày 22-12, khi đề cập đến khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống Putin nhấn mạnh mục tiêu của nước này không phải là thúc đẩy, mà là nỗ lực chấm dứt chiến sự càng sớm càng tốt. Theo người đứng đầu Điện Kremlin, việc xung đột kéo dài sẽ dẫn đến những tổn thất không cần thiết. Mặt khác, nhà lãnh đạo Nga nhận định mọi cuộc xung đột trên thế giới đều kết thúc bằng đàm phán và chính quyền Ukraine cần chấp nhận thực tế đó. “Chúng tôi chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán”, TASS dẫn lời Tổng thống Nga nêu rõ.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cho rằng, quyết định của Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không Patriot chỉ khiến kéo dài cuộc xung đột. Trước đó, giới chức Nga từng nhiều lần cảnh báo động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng cũng như dẫn đến khả năng đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow ngày 21-12. Ảnh: en.kremlin.ru |
Tuyên bố trên được Tổng thống Nga đưa ra sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây được cho là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Zelensky từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2 năm nay. Theo CNN, tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine đã thảo luận về “công thức hòa bình” mà Kiev muốn hướng đến. Mặt khác, Washington cũng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá hơn 1,8 tỷ USD, bao gồm cả hệ thống Patriot.
Cũng trong ngày 22-12, Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nhận định hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga sẵn sàng hòa đàm. Ngược lại, theo The Moscow Times, người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov sau đó đáp trả rằng chuyến thăm của Tổng thống Ukraine đến Mỹ chứng tỏ không có tín hiệu sẵn sàng cho đàm phán hòa bình.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã kéo dài gần 10 tháng. Đến nay, nhiều vòng đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev đã được tổ chức nhưng không ghi nhận kết quả đột phá, thậm chí đang rơi vào tình trạng đình trệ.
Ở một diễn biến khác, ngày 23-12, Reuters dẫn phát biểu trên truyền hình của Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẵn sàng giảm sản lượng dầu khoảng 500-700.000 thùng (tương đương 5-7%) mỗi ngày vào đầu năm 2023, như một biện pháp đáp trả giới hạn giá nhiên liệu do phương Tây đặt ra. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), các thành viên của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia tuyên bố đồng ý áp mức giá trần đối với dầu thô có nguồn gốc từ Nga ở mức 60USD/thùng, có hiệu lực từ ngày 5-12 vừa qua. Mới đây, EU còn đi đến thống nhất mức trần giá khí đốt tự nhiên tại “lục địa già” là 180 euro/MWh từ giữa tháng 2-2023. Những động thái này nằm trong nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm làm suy giảm nguồn thu của Moscow từ xuất khẩu năng lượng, kèm theo hy vọng có thể ngăn giá nhiên liệu toàn cầu tăng đột biến.
Theo TASS, Tổng thống Nga tuyên bố Moscow sẽ không bán các sản phẩm dầu mỏ của mình cho những nước đồng ý áp giá trần và có quyền không tuân thủ các hợp đồng khí đốt nếu giá trần do EU áp đặt vi phạm các hợp đồng này. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cho biết dự kiến ký một sắc lệnh về các biện pháp trả đũa vào đầu tuần tới.
NGÂN ANH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.