Người trẻ thu “trái ngọt” từ cổ phục
Những năm trở lại đây, phong trào phục dựng cổ phục đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Ngày càng có nhiều nhóm cổ phục được thành lập và ngành thời trang cũng đang chú ý đến xu hướng này. Điều đáng nói là hầu hết nhóm phục dựng cổ phục là người trẻ.
Chọn những mẫu cổ phục triều Nguyễn có từ trăm năm trước để phục dựng với mong muốn đưa cổ phục vào các dự án văn hóa, nghệ thuật có tính lan tỏa lớn ở cộng đồng, năm 2019, nhóm bạn trẻ Vũ Đức, Tuấn Anh đã sáng lập nên Great Vietnam.
“Khi thành lập, mục đích của Great Vietnam là tạo nên một kho dữ liệu để sau này trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thành phần khác nhau trong xã hội ứng dụng, giúp văn hóa trang phục của chúng ta được rõ ràng hơn. Để một ngày nào đó, chúng ta có thể đối sánh được với các nước bạn về văn hóa trang phục truyền thống”, Vũ Đức chia sẻ.
Great Vietnam trình diễn đám cưới truyền thống người Việt trong “Tuần lễ Việt Nam”, tổ chức tại Washington D.C. (Hoa Kỳ). Ảnh: Great Vietnam |
Vũ Đức cho biết, ban đầu, anh theo đuổi việc vẽ tranh, đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội; còn Tuấn Anh thì tìm hiểu, tự thiết kế và may những hoa văn truyền thống. Nhóm thường vẽ lại long bào, phượng bào, dựa vào những mẫu trang phục, hình ảnh được cho là phục dựng mà không có bất kỳ sự hoài nghi nào. Nhưng sau đó, khi nghiên cứu sâu hơn, nhất là sau khi tiếp cận các hình ảnh gốc của nhiều hiện vật, họ đã nhận ra những sai lệch.
Vì thế, Great Vietnam bắt đầu con đường phục dựng theo cách riêng của mình. Great Vietnam thống nhất chỉ phục dựng những trang phục có hình ảnh, tư liệu hiện vật để bảo đảm có thể đối chiếu. Tuấn Anh là kỹ sư chuyên về kỹ thuật, đảm nhận khâu thực hiện bản vẽ trang phục. Vũ Đức học về truyền thông, khoa học chính trị, lo phần tìm kiếm tài liệu, đối chứng...
Để bảo đảm theo sát bản gốc, từ khi thực hiện bản vẽ đến khi ra mắt thành phẩm, có mẫu mất đến 3 năm, đặc biệt với long bào, phượng bào. Để tìm nguồn tư liệu, hình ảnh chính xác, họ đến các sàn đấu giá quốc tế, một số bảo tàng ở châu Âu, Mỹ để tìm hình ảnh còn được lưu giữ. May mắn có những trang phục được ghi kích thước cụ thể, có hình ảnh để phóng to.
Sau khi có được bản vẽ thống nhất, nhóm sẽ cho in vải, may thành mẫu thật. Với các áo thêu, phụ kiện, mũ mão sẽ chuyển cho nghệ nhân ở các làng nghề thực hiện. Về chất liệu, nhóm tìm đến các làng nghề như: Vạn Phúc, La Khê, Bưởi, Nha Xá, Nam Cao, Mã Châu, Tân Châu... Mỗi mẫu trang phục, nhóm đăng tải trên fanpage, đính kèm tư liệu để công chúng có thể tiếp nhận hoàn chỉnh hơn.
Những nỗ lực cũng đến ngày thu “trái ngọt”. Thương hiệu Great Vietnam hiện nay đã xuất hiện trong nhiều chương trình, dự án nghệ thuật lớn. Nhóm đã để lại dấu ấn trong “Tuần lễ Việt Nam” (Vietnam Week) tổ chức tại Washington D.C. (Hoa Kỳ) cuối năm 2022. Tại đây, Great Vietnam đại diện cho Việt Nam trình diễn đám cưới truyền thống của người Việt và trưng bày cổ phục.
Với sự chuẩn bị công phu, người xem (đa phần là khán giả quốc tế và người Việt xa xứ) được cung cấp cái nhìn độc đáo về nền văn hóa cổ truyền tưởng như bị quên lãng. Cũng nhân dịp này, ê-kíp đã mang theo rất nhiều trang phục truyền thống như áo dài, áo tấc, áo mã tiên... để khán giả quốc tế trải nghiệm mặc thử khi tham dự chương trình tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á quốc gia (Smithsonian National Museum of Asian Art).
Tại lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII, sự kiện Ngày hội Việt phục “Bách hoa bộ hành” của Great Vietnam được trao giải Sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại và được Ban tổ chức đánh giá sự tích cực của các bạn trẻ trong việc quảng bá, giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng, trong nước và quốc tế.
TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống, sự cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt đang được nâng cao trong giới trẻ. Điều đáng nói là những bạn trẻ tâm huyết, gìn giữ, làm lan tỏa cổ phục cũng chính là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
TS Phan Thanh Hải nhận định, nhiều năm qua, trào lưu phục dựng, thúc đẩy văn hóa mặc cổ phục Việt, đặc biệt là áo dài đã được phổ biến ở nhiều vùng, miền trên cả nước. Những nhóm bạn trẻ thành lập nên “thương hiệu” như: Đại Việt Cổ Phong, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên do Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự thành lập... với sự nỗ lực, tâm huyết đã đưa những bộ trang phục cổ bước ra khỏi bảo tàng, đến với công chúng thông qua nhiều con đường khác nhau (trên sân khấu, vào các MV, phim điện ảnh, các bộ ảnh chụp của giới trẻ), thúc đẩy người trẻ tìm hiểu truyền thống và lịch sử nước nhà.
ĐÌNH CHUNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.