Nguy cơ sạt lở đất ở Quảng Bình
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất, núi gần các khu dân cư. Chính quyền địa phương đã triển khai các phương án, giải pháp phòng, chống nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm
Thời gian qua, hơn 40 hộ dân thuộc tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình) luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng. Nguyên nhân bởi núi Cây Sường phía sau khu vực sinh sống của các hộ dân xuất hiện vết nứt lớn với chiều dài bán kính vòng cung khoảng 60m. Cứ sau mỗi đợt mưa lớn, đất đá trên núi lại theo nước sạt xuống vào các nhà dân.
Theo người dân sinh sống trong khu vực, vết nứt trên sườn núi Cây Sường được phát hiện từ năm 2018. Nhận thấy nguy hiểm, người dân đã đóng nhiều cọc gỗ vào vị trí vết nứt để theo dõi, đánh giá mức độ sạt lở. Đến nay, khu vực sạt lở ngày càng rộng hơn, có chỗ sườn núi bị hạ thấp xuống gần 3m so với vị trí ban đầu.
Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, cho biết: "Qua mỗi mùa mưa, vết nứt lại kéo dài, đẩy đất, đá về sát nhà dân. Nếu xảy ra sạt lở đất, tính mạng của hơn 200 người dân sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, đến mùa mưa bão, chúng tôi lại vận động bà con di dời đến trụ sở UBND xã hoặc nhà văn hóa tổ dân phố để tránh trú, bảo đảm an toàn".
Vết nứt lớn trên núi Cây Sường với chiều dài bán kính vòng cung khoảng 60m. Ảnh: HỒ HIẾU |
Khu tái định cư xóm Ba Cồn, thôn 5 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa tựa lưng vào sườn núi, hiện có 20 hộ dân. Đây là những gia đình được chính quyền di dời từ khu vực có nguy cơ sạt lở đất ở nơi khác về sinh sống.
Tuy nhiên, khi đến nơi ở mới chưa được bao lâu thì gần 80 nhân khẩu phải tiếp tục đối mặt với nguy hiểm do sạt lở mái ta-luy, trong đó có 5 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bà Phạm Thị Lành-một người dân sống ở đây, cho biết: "Khi có mưa là đất đá trên núi rơi xuống, tràn cả vào nhà, nhất là ban đêm. Chúng tôi lo sợ núi lở thì trở tay không kịp".
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện toàn tỉnh có 85 điểm sạt lở núi, khu dân cư với 1.116 hộ/3.625 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 8 điểm nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng trực tiếp tới 252 hộ/1.051 nhân khẩu.
Di dân là giải pháp chủ yếu
Huyện miền núi Minh Hóa là địa phương có nhiều điểm sạt lở núi, khu dân cư. Ngoài khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở tổ dân phố 8 (thị trấn Quy Đạt) thì các xã biên giới như Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa cũng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đất, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có khảo sát, quy hoạch các điểm bố trí khu vực sinh sống ổn định cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở núi.
Núi Cây Sường bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 40 hộ dân thuộc tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình). Ảnh: HỒ HIẾU |
"UBND huyện đã triển khai 4 khu tái định cư ở các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa. Đối với giải pháp chống sạt lở ở tổ dân phố 8, huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở đồi núi tại thị trấn Quy Đạt với tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp vướng mắc, nhất là nguồn kinh phí. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn, thi công tính toán lại phương án thiết kế, thi công, làm cơ sở trình UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề xuất tăng thêm ngân sách để xây dựng công trình bảo đảm chắc chắn, phát huy hiệu quả cao", đồng chí Đinh Minh Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết.
Để chủ động phòng tránh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở ở từng khu vực, sẵn sàng các phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ".
Các địa phương đã triển khai tập huấn, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho lực lượng phòng, chống thiên tai cấp xã, phát triển đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp thôn, bản, cộng đồng dân cư. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 149/151 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 12.000 người.
UBND tỉnh Quảng Bình đã đầu tư xây dựng một số công trình chống sạt lở đồi núi, đồng thời rà soát lập kế hoạch sơ tán người dân để bảo đảm an toàn trong thiên tai. "Phương án chủ yếu là di dân, còn các phương án ứng phó với sạt lở, đặc biệt là giải pháp công trình thì khó thực hiện và tốn kém", đồng chí Trần Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay.
PGS, TS Trần Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi, cho biết: "Việc phòng, chống sạt lở cần có sự tính toán đồng bộ, khoa học trên cơ sở xác định được những vùng có nguy cơ cao để lập bản đồ rủi ro, tiến đến cảnh báo. Bên cạnh di dân thì giải pháp công trình lâu dài nhằm giảm tải áp lực lên bề mặt đất là rất quan trọng, cần ưu tiên. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp khác như trồng rừng, làm thêm hệ thống thoát nước, gia cố mái dốc, ta-luy... để phòng tránh thiệt hại do sạt lở đất gây ra".
TRẦN MINH TÚ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.