Nguy cơ thị trường năng lượng thế giới bị xáo trộn
Ngày 5-2, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác của Nga chính thức có hiệu lực. Lệnh cấm này làm dấy lên lo ngại thị trường năng lượng sẽ có sự xáo trộn đáng kể trong thời gian tới.
Theo Bloomberg, trong nhiều thập kỷ, các đội tàu chở dầu đều đặn di chuyển giữa một cảng nhỏ ở Tây Bắc châu Âu và biển Baltic. Mỗi chiếc tàu chở khoảng 40 triệu lít dầu diesel của Nga để giúp duy trì hoạt động kinh tế của châu Âu. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 5-2, hoạt động này sẽ dừng lại khi EU triển khai lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga.
Lệnh cấm trên có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm dầu của Nga mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia đưa ra. Các bên nhất trí áp mức giá trần 100USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Hồi tháng 12-2022, EU cũng đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển.
![]() |
Lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có thể khiến châu Âu thiếu dầu diesel. Ảnh: Getty Images |
Việc đưa ra các lệnh cấm vận và mức giá trần đối với sản phẩm dầu từ Nga là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế doanh thu dầu mỏ-nguồn tài chính quan trọng của Moscow. Nga hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia. Điện Kremlin đánh giá lệnh cấm vận của phương Tây đối với việc cung cấp các sản phẩm dầu của Nga là một quyết định tiêu cực, có thể dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trên thị trường năng lượng thế giới.
Theo TASS, phát biểu với báo giới, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá lệnh cấm này là tiêu cực. Tất nhiên điều đó sẽ tiếp tục khiến các thị trường năng lượng thế giới mất cân bằng hơn nữa. Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình trước các rủi ro liên quan”.
Theo kênh truyền hình Asharq, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cảnh báo các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga có thể gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai. Trong bài phát biểu tại một hội nghị về năng lượng ở thủ đô Riyadh, ông Abdulaziz bin Salman nêu rõ: “Các biện pháp trừng phạt, cấm vận và cắt giảm đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung tất cả các loại nhiên liệu.
Chúng ta cần nhận ra rằng hàng trăm triệu người đang bị thiếu năng lượng”. Trong khi đó, theo TASS, sau khi phân tích tình hình, Bộ Năng lượng Hungary cho rằng lệnh cấm mới sẽ khiến các nước thành viên EU đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel và lạm phát gia tăng. Trong một tuyên bố, Bộ Năng lượng Hungary nhấn mạnh: “Châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel và tăng giá đối với các sản phẩm dầu mỏ vì một nửa nhu cầu dầu diesel của EU cho đến nay được cung cấp từ Nga”.
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian ban đầu sau khi lệnh cấm của EU có hiệu lực, một số gián đoạn nguồn cung nhiên liệu từ Nga sẽ xảy ra. Ông Matthew Sherwood, nhà phân tích tại Tổ chức dự báo và tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có một số gián đoạn, đặc biệt là ngay sau lệnh cấm khi các thị trường EU tiếp tục sắp xếp các nguồn cung cấp thay thế. Chúng tôi cũng cho rằng, điều này sẽ gây áp lực tăng giá đối với các sản phẩm dầu mỏ nói chung”.
Các nhà phân tích tại EIU cho rằng, sẽ có một số thay đổi đối với dòng chảy của dầu. Nga sẽ vận chuyển nhiều dầu hơn đến Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, trong khi châu Âu tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và Mỹ. Điều đó có nghĩa là châu Âu có thể mua sản phẩm dầu từ các khu vực xa hơn với giá cao hơn nhiều so với mua dầu từ Nga.
Hãng tin DW nhận định, việc thị trường năng lượng thế giới có bị ảnh hưởng sau lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu của Nga hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng khối này và Moscow tìm kiếm những đối tác thay thế. Nếu cả hai bên đều thành công, tác động đối với nguồn cung và giá cả sẽ không đáng kể và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Trường hợp ngược lại, lệnh cấm có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn trong các ngành phụ thuộc vào dầu diesel như giao thông vận tải và nông nghiệp. Giá nhiên liệu tăng cũng sẽ tiếp tục làm suy yếu cuộc chiến chống lạm phát của nhiều nền kinh tế.
LÂM ANH
Tin mới
Nhiều cửa hàng công khai bán hàng thời trang giả tại các tuyến phố du lịch ở Đà Nẵng
Chiều 20/5, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại các tuyến phố du lịch trung tâm Thành phố.
Ninh Thuận: Phát hiện gần 1.000 sản phầm quần áo không rõ nguồn gốc bán qua ZALO, FACEBOOK.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận vừa tiến hành xác minh và tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở bán hàng online qua các kênh zalo, Facebook, phát hiện lượng lớn quần áo vi phạm.
Nghệ An: Tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn huyện Thanh Chương
Ngày 19/5/2025, Đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh B.V.P có địa chỉ tại Khối 11, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương với mức phạt tiền 10 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.
Lào Cai: Tạm giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 19/5/2025 của UBND tỉnh Lào Cai mở cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai mở đợt cao điểm đấu tranh, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc, sữa, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2025.
Trên 5.000 đồ chơi trẻ em có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu và kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh
Trong thời gian từ ngày 14 đến 21/5/2025, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 1 và Hải quan khu vực VI liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn).