Nhà giáo càng phải thanh liêm
Người Việt có câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Đặt trong ngữ cảnh ca dao, hình tượng “cầu kiều” được hiểu là loại cầu đẹp, quý phái nối từ bờ ra với cái lầu để hóng mát, ngâm thơ ở giữa hồ sen. Chữ “sang” lấp lánh hai bờ ý nghĩa, đều có thể hiểu cả hai, theo nghĩa tính từ (sang trọng) và động từ (đi sang).
Ngoài nói về sự biết ơn, kính trọng người thầy, câu ca dao còn chứa đựng hàm ý: Cũng như cái cầu kiều, giáo dục phải là cả một quá trình đẹp, sang trọng, tinh tế. Đó là minh triết dân gian nói về nghề dạy người cao quý phải đặt trong môi trường trong sáng, nhân văn, tránh xa cái phàm tục.
Để nhắc người thầy phải giữ chữ “liêm”, trọng danh dự, không tham lam, hết mình vì người, vì nghề, làm gương mẫu mực cho trò noi theo, Khổng Tử-vị “vạn thế sư biểu” của giáo dục phương Đông, suốt đời theo đuổi thuyết chính danh luôn yêu cầu thầy trò phải “tu thân” (sửa mình) để “thầy ra thầy, trò ra trò”.
Ngoài truyền đạt tri thức, thầy phải rèn luyện phẩm chất, đạo đức mẫu mực. Ngoài sự chăm chỉ, chịu khó học hành, trò phải tuân theo “lễ” tức những quy phạm ứng xử tốt đẹp với thầy, gia đình, xã hội.
![]() |
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh. |
Tiếp thu những quan niệm trên, triết học giáo dục hiện đại nhấn mạnh đến việc muốn có sản phẩm giáo dục tốt, trước hết phải tạo ra môi trường giáo dục tốt đẹp.
Mục tiêu giáo dục không chỉ dạy cách lao động, kiếm sống, mà còn hướng tâm hồn trò vươn đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Người thầy giỏi là người truyền đạt kiến thức bằng con tim chứ không phải chỉ từ sách vở. Tức đề cao tấm lòng, tâm huyết, phương pháp, đặc biệt là biết cách truyền cảm hứng.
Với trò, khi đã coi thầy là tấm gương, là thần tượng thì nguồn cảm hứng từ thầy sẽ khơi gợi, kích hoạt cảm hứng ở trò (nhất là học trò bậc phổ thông) một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Cảm hứng nhân lên cảm hứng. Người trò sẽ vượt qua mọi cửa ải khó khăn để tự mình chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức. Chỉ nhờ vậy, tinh thần dân chủ trong học tập mới được phát huy cao nhất. Người thầy giỏi lại tự hào có nhiều trò vượt lên trên mình.
Soi những điều mang tính nguyên lý trên vào việc dạy thêm để thu tiền gây bức xúc dư luận thời gian qua là vi phạm điều chuẩn mực của giáo dục. Một là, giáo viên dạy rồi thu tiền của học sinh tức đã mang tính trục lợi (vi phạm về pháp lý), quan hệ thầy-trò bị thay thế bằng quan hệ thị trường, kẻ bán người mua.
Hai là, dạy thêm nhiều tất yếu tạo ra áp lực không tốt cho trò. Chương trình đã nặng, môn nào cũng yêu cầu học thêm, trò lấy đâu ra thời gian, tâm sức để tiếp thu, từ đó vô tình tước đi ở trò những suy tư hồn nhiên, những trò chơi hữu ích, việc rèn luyện thân thể.
Ba là, “bệnh thành tích” sẽ ngày càng nặng thêm, vì phụ huynh muốn con điểm cao lại phải nhờ thầy dạy thêm; nhà trường muốn học sinh điểm cao nên đầu tư thời gian dạy thêm nhiều môn học, trong khi điểm số không hẳn phản ánh năng lực thực chất của học sinh.
Vì những lẽ đó, có thể khẳng định Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực từ ngày 14-2-2025) quy định giáo viên không được dạy thêm có thu tiền của học sinh đang trực tiếp giảng dạy, là hoàn toàn đúng đắn từ mọi góc độ: Nguyên lý giáo dục, chân lý lịch sử (trong quá khứ, ở hầu hết nền giáo dục, nghề dạy học đều mang tính vô tư, trong sáng), pháp lý và đạo lý.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, điều căn cốt là ở người thầy-chủ thể giáo dục, cần tâm huyết hơn nữa, miệt mài tìm ra những cách truyền thụ phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt là kiến tạo, trao truyền niềm cảm hứng, tinh thần, phương pháp tự học cho học sinh một cách hiệu quả. Vì thời đại “4.0”, việc tự học suốt đời của mỗi người là giải pháp hữu hiệu để không bị tụt hậu, đào thải trước "đại dương kiến thức" mênh mông của nhân loại.
THANH MAI
Tin mới
Nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 178/2024/QH15 của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội.
Công bố Quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
Ngày 21-2, tại TP Đà Nẵng, đoàn kiểm tra số 1909 của Bộ Chính trị đã công bố quyết định kiểm tra năm 2025 của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Thời tiết hôm nay (22-2): Không khí lạnh tăng cường
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết hôm nay, 22-2: Bộ phận không khí lạnh đã báo đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng gần sáng ngày 23-2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật cấp 6.
Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân
Quốc hội vừa quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ đang thực hiện tổng lực, đồng bộ các giải pháp, trong đó có sự chuẩn bị nguồn nhân lực để xây dựng, đưa dự án này vận hành trong các năm 2030-2031.
Ghế nóng: Tai tiếng từ vấn đề trọng tài
Kể từ khi Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) lên chuyên nghiệp vào năm 2000, gần như mùa nào cũng có lùm xùm giữa các câu lạc bộ với đội ngũ trọng tài. Dù nhiều trận đấu ở mùa giải 2024-2025 được áp dụng công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài), một lần nữa vấn đề trọng tài lại nóng lên.
Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Đồng USD phục hồi phiên chốt tuần
Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Rạng sáng 22-2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 5 đồng, hiện ở mức 24.638 đồng.