Nhà giáo Học viện Kỹ thuật quân sự trong hành trình 40 năm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự của quân đội
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người trước, súng sau”, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật luôn được Đảng, Nhà nước và quân đội chú trọng, được coi là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển của quân đội cả giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) tự hào là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của quân đội, trung tâm đào tạo cán bộ hàng đầu của quân đội và đất nước. Học viện có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam.
Học viện KTQS được Bộ Quốc phòng xác định là một trong những cơ sở nòng cốt cung cấp nguồn cán bộ kỹ thuật, chỉ huy tham mưu kỹ thuật chất lượng cao cho quân đội. Trong hành trình 40 năm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự cho quân đội, đội ngũ nhà giáo của Học viện KTQS chính là lực lượng nòng cốt, đóng góp phần lớn công sức vào những thành tựu về công tác đào tạo mà học viện đã đạt được.
Học viên Học viện KTQS trong một giờ thực hành. |
Để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo được giao, Học viện KTQS luôn chú trọng xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng chuyên môn cao, cơ cấu chuyên môn phù hợp. Trong hành trình xây dựng và phát triển đội ngũ, có thể khái quát về nhà giáo Học viện KTQS với những nét truyền thống đặc trưng sau:
Một là, truyền thống quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, kiên định trong mọi tình huống.
Học viện KTQS thường xuyên quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn đường lối, quan điểm của Đảng, sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương để xác định phương hướng phát triển của học viện, thực hiện tốt mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Công tác xây dựng học viện về chính trị luôn tiến hành có nền nếp, đảm bảo chất lượng và chiều sâu, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, đảng viên. Từ đó, mọi cán bộ, giảng viên của học viện luôn giữ vững và nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, củng cố khối đoàn kết nhất trí, là cơ sở để học viện luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Hiện nay, Học viện KTQS xác định định hướng phát triển học viện theo mô hình trường đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực. Với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng học viện trở thành trường đại học nghiên cứu trong tốp đầu về khoa học, kỹ thuật và công nghệ của đất nước; hội nhập với hệ thống các trường đại học trong khu vực và trên thế giới; góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Những mục tiêu đó đã đặt ra với đội ngũ nhà giáo những nhiệm vụ nặng nề trong việc không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, bao gồm yêu cầu về trình độ chuyên môn, yêu cầu về năng lực sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin,... Với bản lĩnh của mình, đội ngũ nhà giáo của Học viện KTQS đã luôn phát huy tốt nhất tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục mọi khó khăn để thực hiện các mục tiêu, định hướng chung của học viện.
Học viên trình bày đồ án tốt nghiệp. |
Hai là, truyền thống tích cực, chủ động, gắn nhà trường với chiến trường và thực tiễn đơn vị, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo.Trong từng thời kỳ phát triển, Học viện KTQS luôn tích cực, chủ động đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ nhà giáo của học viện không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo gắn với vũ khí trang bị kỹ thuật, công tác tổ chức đào tạo sát với thực tiễn đơn vị theo chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức đào tạo phù hợp với từng đối tượng đào tạo. Trong đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm được học viện triển khai đồng bộ, bài bản từ cấp học viện đến cấp khoa, bộ môn và đến từng giảng viên.
Mục đích của việc dạy và học tích cực nhằm nâng cao ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu; phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, nâng cao kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kỹ năng trình bày, thảo luận cho học viên. Vai trò của giảng viên được thể hiện ở việc tổ chức, hướng dẫn, định hướng đối với hoạt động học, hoạt động tư duy sáng tạo và rèn luyện kỹ năng của học viên. Trong công tác tổ chức triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy, học viện đã nhấn mạnh vai trò chủ trì của các khoa và bộ môn, tất cả các khoa đều thành lập Tổ công tác triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiệm vụ đi dự giảng và đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm cho các giảng viên trong khoa.
Từ năm 2020, hằng năm học viện đều tổ chức Hội thi phương pháp giảng dạy với quy mô tổ chức ngày càng lớn, ở cả cấp khoa, viện và cấp học viện. Qua hội thi đã phát hiện ra nhiều tấm gương điển hình trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, lan tỏa nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên.
Một giờ thực hành của học viên tại Học viện KTQS. |
Ba là, truyền thống phát huy trí tuệ, hợp tác rộng rãi, không ngừng đổi mới, phát triển.
Đây là nét truyền thống đặc trưng nhất của đội ngũ nhà giáo Học viện KTQS. Đội ngũ nhà giáo của Học viện KTQS không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật cho quân đội mà còn khẳng định trí tuệ, năng lực thông qua kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự phát triển nền khoa học kỹ thuật của quân đội.
Trong mọi thời kỳ, Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và đưa nghiên cứu khoa học thành hoạt động tự giác của cán bộ, giảng viên. Ngoài những kết quả nổi bật về số lượng các đề tài, bài báo khoa học trong nước và quốc tế, học viện đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ có hàm lượng trí tuệ cao, mang thương hiệu học viện như: Đạn rải nhiễu PK-16VN, PK-10VN.1, máy hỏi/đáp hệ PAROL, kính ngắm lai ghép ngày - đêm DNS-B41VN lắp trên súng B41 và DNS lắp trên xe PT76, trường bắn ảo, thiết bị bắn tập súng bộ binh, thiết bị chế áp flycam CA18, rô-bốt y tế Vibot hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19,... Học viện cũng đã thiết kế, chế tạo hơn 200 chủng loại vật tư kỹ thuật phục vụ đắc lực công tác sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân và Cảnh sát biển,... Kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học được nhanh chóng cập nhật vào nội dung giảng dạy, từ đó học viên luôn được tiếp cận với những kiến thức mới nhất của khoa học, kỹ thuật.
Học viện KTQS luôn chú trọng tăng cường hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài quân đội, các trường đại học trong nước và quốc tế với các hình thức hợp tác đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm để cùng thực hiện nhiệm vụ.
Đối với hợp tác quốc tế, học viện luôn chủ động đẩy mạnh hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu mạnh của học viện với các nhóm nghiên cứu và chuyên gia quốc tế, tích cực khai thác có hiệu quả các nguồn kinh phí, học bổng, các đề án để đưa cán bộ, giảng viên, học viên đi đào tạo, thực tập ở nước ngoài. Đối với các đơn vị kỹ thuật trong toàn quân, học viện luôn có sự hợp tác và gắn kết chặt chẽ để vừa cùng với các đơn vị thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ kỹ thuật, vừa tăng cường khả năng thực tế của cán bộ, giảng viên và học viên của học viện. Cùng với đó, Học viện KTQS thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương xây dựng đơn vị, địa bàn an toàn; tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, văn hóa, thể thao và thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn đóng quân.
Để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, để tô thắm hơn nữa truyền thống của đội ngũ nhà giáo Học viện KTQS trong hành trình 40 năm đào tạo cán bộ kỹ thuật cho quân đội, toàn học viện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành mọi nhiệm vụ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng học viện vững mạnh toàn diện; tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong 40 năm qua, Học viện KTQS đã đào tạo và cung cấp cho quân đội 10.014 học viên tốt nghiệp hệ kỹ sư quân sự dài hạn; 3.130 học viên tốt nghiệp hệ liên thông và văn bằng 2 quân sự; 576 tiến sĩ và 4.452 thạc sĩ kỹ thuật và chỉ huy quản lý kỹ thuật; 493 học viên đào tạo dài hạn Chủ nhiệm kỹ thuật cấp trung, sư đoàn, 1.680 học viên đào tạo ngắn hạn Chỉ huy quản lý kỹ thuật cấp chiến thuật - chiến dịch và bồi dưỡng ngắn hạn Chủ nhiệm Kho kỹ thuật cùng hàng nghìn học viên các lớp bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng yêu cầu công tác kỹ thuật ở các đơn vị trong toàn quân.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN MINH THẮNG, Phó chính ủy Học viện Kỹ thuật quân sự
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.