• Click để copy

Nhận diện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Ngày 10/10/2020, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử (gọi tắt là Kế hoạch 399). Để tiếp tục triển khai một cách thực chất và hiệu quả Kế hoạch 399, việc nhận diện rõ và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm nói chung (xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói riêng) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.


Ảnh minh họaẢnh minh họa

  Khái niệm về thương mại điện tử

 Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), “thương mại điện tử” (tiếng Anh là “electronic commerce” hay “e-commerce”) được định nghĩa “một khu vực thương mại mới trong môi trường điện tử mà ở đó xảy ra sự chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa. Nói rộng ra, đây là hoạt động sản xuất, quảng bá, bán và phân phối sản phẩm thông qua các mạng lưới viễn thông. Ví dụ rõ ràng nhất của hàng hóa được phân phối trong môi trường điện tử đó chính là sách, nhạc, video được truyền tải xuống các thiết bị thông qua đường truyền điện thoại hoặc Internet”.

 Ủy ban Thương mại điện tử của Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) định nghĩa: "Thương mại điện tử liên quan đến các giao dịch thương mại trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các nhóm (cá nhân) mang tính điện tử chủ yếu thông qua các hệ thống có nền tảng dựa trên Internet.

Pháp luật Việt Nam định nghĩa: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.

 Từ các định nghĩa trên, có thể thấy rằng khái niệm “thương mại điện tử” theo pháp luật Việt Nam khá rộng, tương đồng với định nghĩa này của WTO. (Có thể hiểu ngắn gọn là hoạt động thương mại trong môi trường Internet và các mạng viễn thông khác). Trong khi đó, định nghĩa của Ủy ban Thương mại điện tử APEC tập trung hơn, chỉ trú trọng môi trường Internet là dấu hiệu cơ bản để nhận diện loại hình thương mại này.

 Đặc điểm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Theo định nghĩa về thương mại điện tử như đã phân tích trên đây, có thể nhận thấy thương mại điện tử và thương mại truyền thống có cùng bản chất là các hoạt động “thương mại”. Do đó, về nguyên tắc, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đều bị áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý theo quy định chung của pháp luật. Mặt khác, do được tiến hành trong môi trường điện tử, hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường này có một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, hành vi xâm phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử mang tính đa lĩnh vực.

 Trong thương mại truyền thống, hành vi xâm phạm quyền SHTT thường bị áp dụng các quy định về bảo hộ quyền SHTT và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến quyền SHTT để xem xét, xử lý. Trong các quy định được áp dụng, đặc biệt kể đến Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và 2022), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020); Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/202).

Trong thương mại điện tử, để xác định và xử lý hành vi vi phạm, ngoài các quy định pháp luật như đã đề cập trên đây, cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu ý đến các quy định tại các ngành/lĩnh vực pháp luật khác, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021) và các văn bản pháp luât về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan.

Thứ hai, việc xác định đối tượng, hành vi vi phạm trong thương mại điện tử trong nhiều trường hợp rất khó khăn.

Thương mại điện tử cho phép các bên tham gia giao dịch có thể “ẩn danh” hoặc dùng danh tính ảo (đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như instagram, facebook…) để kinh doanh. Do đó, việc tìm và xác định đối tượng vi phạm trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

 Hơn nữa, ngoài việc trực tiếp quảng cáo và bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các trang thương mại điện tử, đối tượng vi phạm có thể sử dụng các thủ đoạn gian dối, lừa đảo khi bán hàng. Ví dụ: Đối tượng vi phạm quảng cáo, trưng bày sản phẩm thật trên trang thông tin điện tử nhưng khi bán, giao hàng có thể thay thế bằng các loại hảng giả, hàng kém chất lượng; hoặc đối tượng vi phạm cố ý trà trộn hàng giả, hàng kèm chất lượng với hàng thật khi đưa đến người tiêu dùng.

Thứ ba, hành vi xâm phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử thường xảy ra đồng thời với một số hành vi khác.

 Hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền SHTT thường đồng thời diễn ra với các hành vi vi phạm khác. Điển hình là để bán hàng giả mạo nhãn hiệu (thường là hàng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng), đối tượng vi phạm thường đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng tên miền trùng hoặc tượng tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ của người khác, làm thiệt hại cho uy tín, danh tiếng của chủ nhãn hiệu chân chính, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

 Do đó, để xử vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền SHTT, cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu ý việc áp dụng đồng bộ các quy định pháp luật. Cụ thể: Cùng với việc xử phạt vi phạm hành (hoặc hình sự) đối với kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền SHTT, cơ quan chức năng cần xử lý đồng thời hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký và sử dụng tên miền gây nhầm lẫn; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi hoặc buộc đối tượng vi phạm trả lại tên miền vi phạm (theo trình tự quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 08/6/2016 của Bộ Thông tin Truyền Thông và Bộ Khoa học và Công nghệ, hướng dẫn trình tự thử tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ).

Thứ tư, trong hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường điện tử, xuất hiện vai trò và trách nhiệm của các bên trung gian.

 Đối tượng xâm phạm quyền SHTT trong thương mại truyền thống thường là bên bán/cung cấp sản phẩm vi phạm; và người bị thiệt hại thường là bên mua/người tiêu dùng sản phẩm.

Tuy nhiên, trong các giao dịch điện tử, ngoài bên bán/cung cấp và bên mua/người tiêu dùng, xuất hiện vai trò và trách nhiệm các bên trung gian. Đó là các nhà cung cấp dịch vụ internet/người tạo ra môi trường cho các hoạt động thương mại điện tử (thường là các sàn giao dịch điện tử) và các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ logistic, vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng (thường là các công ty bưu chính). Do đó, khi xảy ra các hành vi vi phạm trên không gian mạng, các chủ thể này cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

 Liên quan đến các sàn giao dịch điện tử, khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định: Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cần có cơ chế kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm: “Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin vi phạm; gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; phối hợp với các chủ thể quyền SHTT rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền SHTT…”

Tuy nhiên, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại không có quy định xử phạt các sàn giao dịch điện tử trong tường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định được đề cập trên đây.

 Cùng với đó đơn vị vận chuyển (công ty bưu chính) được ghi nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử tại khoản 6, Điều 1, Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, trách nhiệm pháp lý của đơn vị này trong vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Khuyến nghị: 

Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chống xâm phạm quyền SHTT nói riêng, trong thương mại điện tử là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều mặt, trong đó:

Về pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính đầy đủ, hiệu quả và khả thi. Trong đó, đặc biệt cần bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các sàn giao dịch điện tử và đơn vị vận chuyển (công ty bưu chính) đối với hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT;

 Về quản lý nhà nước, cần tăng cường hoạt động phối hợp đa ngành, liên ngành trong các lĩnh vực liên quan. Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/10/2020, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử (gọi tắt là Kế hoạch 399). Kế hoạch 399 thể hiện sự nỗ lực, tính chủ động của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, để Kế hoạch được tiếp tục triển khai hiệu quả và thực chất trong thời gian tới, cùng với các mục tiêu mang tính tổng quát, cơ quan chức năng cần “khoanh vùng”, chi tiết hóa nhiệm vụ cần thực hiện. Liên quan đến lĩnh vực SHTT, có thể tập trung vào việc chống kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu ở một số lĩnh vực, mặt hàng, thương hiệu “nóng”; và/hoặc tập trung nỗ lực “làm sạch” một số sàn giao dịch điện tử lớn (có hiện tượng bán hàng vi phạm) để tạo lập thói quen kinh doanh đúng pháp luật và văn hóa tiêu dùng văn minh.  Cùng với các vấn đề được đề cập trên đây, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng để “nói không” với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 

Đỗ Thị Minh Thủy

Bài liên quan

Tin mới

Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân
Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 19-9 trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có mưa vừa, mưa to đến rất to gây chia cắt các ngầm tràn trên các tuyến quốc lộ, đường liên xã, đường nội thôn ở một số địa phương. Đặc biệt, tại một số khu vực thuộc huyện Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở núi gây ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống nhân dân.

Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4
Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4

Do ảnh hưởng của bão số 4, đến 5 giờ sáng 20-9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức sơ tán 874 hộ với 3.059 người ra khỏi vùng có nguy cơ cao do sạt lở.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tháng 9 và quý IV/2024.

Lào Cai: Hoàn thành 25 căn nhà tạm cho bà con trong thôn Làng Nủ vào ngày 21-9
Lào Cai: Hoàn thành 25 căn nhà tạm cho bà con trong thôn Làng Nủ vào ngày 21-9

Ngày 20-9, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Yên Đặng Văn Mạnh cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, ngày 21-9 sẽ chuyển 25 hộ dân trong thôn Làng Nủ đã mất nhà do mưa lũ và các hộ đang trong diện nguy cơ sạt cao sang khu nhà tạm, nhằm đảm bảo an toàn.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 8 tháng đầu năm tăng hơn 13%
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 8 tháng đầu năm tăng hơn 13%

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.