• Click để copy

Nhật Bản và nỗi lo an ninh năng lượng

Là quốc gia nghèo tài nguyên khoáng sản, Nhật Bản từ lâu đã lo lắng về vấn đề an ninh năng lượng (ANNL). Bởi Nhật Bản từ trước tới nay vẫn phải phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 khiến giá dầu tăng vọt và cơn hoảng loạn mua giấy vệ sinh vẫn in đậm trong ký ức người dân Nhật Bản. Còn giờ đây, sự cố rò rỉ phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 và cuộc xung đột Nga-Ukraine là những lời nhắc nhở không mong muốn về những điểm yếu trong ANNL của Nhật Bản.

Bài viết mới đăng tải trên trang East Asia Forum dẫn lời cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay: “Trong lĩnh vực ANNL, chúng tôi phụ thuộc vào Trung Đông để bảo đảm 90% nhu cầu dầu thô... Đó là lý do tại sao chúng tôi coi hòa bình và ổn định của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản”. Một trong những phản ứng đầu tiên của Nhật Bản sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là củng cố mối quan hệ lâu dài với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia-những nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Nhật Bản, và cả với Qatar, nhà cung cấp khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất cho Tokyo.

Chuyến công du tới 3 quốc gia vùng Vịnh hồi tháng trước của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio không nằm ngoài chiến lược “ngoại giao năng lượng” của Tokyo. Theo giới phân tích, trước tác động của những xung đột địa-chính trị toàn cầu, nhằm bảo đảm ANNL, Nhật Bản buộc phải tìm cách thúc đẩy các biện pháp cần thiết để mua dầu thô và LNG từ Trung Đông một cách ổn định. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở Trung Đông đang cố gắng giảm sự phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ do lo ngại giá trị của nhiên liệu hóa thạch có thể giảm trong bối cảnh xu hướng khử carbon toàn cầu. Bằng hợp tác chuyển giao công nghệ, Nhật Bản cam kết thực hiện các bước tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi các quốc gia sản xuất dầu ở Trung Đông thành trung tâm xuất khẩu năng lượng khử carbon và các nguyên liệu thiết yếu.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (bên trái) gặp Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan trong chuyến công du tới Abu Dhabi (UAE), ngày 17-7. Ảnh: AP 

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (bên trái) gặp Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan trong chuyến công du tới Abu Dhabi (UAE), ngày 17-7. Ảnh: AP 

Đa dạng hóa các loại năng lượng cũng là một khía cạnh quan trọng trong chính sách ANNL của Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua đã thôi thúc Tokyo quay trở lại với năng lượng hạt nhân-một chủ đề vốn được coi là nhạy cảm về mặt chính trị sau sự cố hạt nhân Fukushima. Sau nhiều cân nhắc, tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố Nhật Bản sẽ khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động, đồng thời xem xét kéo dài tuổi thọ của những nhà máy trên 60 năm tuổi. Quyết định này được đưa ra vào thời điểm hóa đơn năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu điện đã làm xói mòn ý chí phản đối năng lượng hạt nhân của người dân nước này.

Một cuộc thăm dò mới đây của Nikkei cho thấy, 53% người dân Nhật Bản ủng hộ việc khởi động lại các lò phản ứng nếu bảo đảm được an toàn. Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, đa số người dân lại bày tỏ quan điểm ủng hộ năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, các quy định nghiêm ngặt về an toàn, các cuộc thanh tra của cơ quan quản lý hạt nhân và một số vụ kiện tập thể đã cản trở tốc độ mong muốn của việc quay trở lại điện hạt nhân thời hậu Fukushima. Dù vậy, năng lượng hạt nhân đã trở thành một phần trong quá trình chuyển đổi xanh của Nhật Bản nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Cùng với đó, Nhật Bản cũng tích cực đầu tư cho năng lượng tái tạo để đến năm 2023, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 36-38% nguồn cung điện cho nước này. Thúc đẩy “ngoại giao năng lượng”, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường phòng ngừa rủi ro, Tokyo đã và đang tìm cách đương đầu với những thay đổi thất thường trên “bàn cờ chính trị toàn cầu”. Tuy nhiên, khi tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, nhu cầu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 lại đặt ra một biến số khác cho bài toán ANNL của Nhật Bản.

HÀ PHƯƠNG

Bài liên quan

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.