• Click để copy

Nhìn thẳng - Nói thật: Vấn nạn lãng phí thực phẩm

Có những sự vô tình, vô tâm tưởng như vô thưởng vô phạt chẳng gây hại đến ai, nhưng sự thật lại là nỗi trăn trở khiến bất cứ ai có lương tri cũng không khỏi xót xa. Đó chính là sự lãng phí thực phẩm đã, đang gây ra biết bao hệ lụy mà không ít người trong xã hội thời nay vẫn còn thái độ dửng dưng, vô cảm.

Thông tin gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, mỗi năm có tới 30% thực phẩm bị lãng phí trên hành trình từ trang trại đến bàn ăn, tương đương khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm. Số lượng thực phẩm này đủ để nuôi sống người dân của 3 châu lục (châu Phi, châu Mỹ, châu Âu) trong vòng một năm.

Cách nay 45 năm, tổ chức FAO quyết định lấy ngày 16-10 hằng năm là Ngày Lương thực thế giới, với sự hưởng ứng tham gia của hơn 150 quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức của người dân toàn thế giới về những vấn đề nghèo và đói, về sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm. Nhận thấy vấn đề cấp bách của vấn nạn lãng phí thực phẩm ngày càng trầm trọng, cách đây 4 năm, tổ chức FAO và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chính thức lấy ngày 29-9 hằng năm là Ngày Quốc tế Nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm.  

Nhìn thẳng - Nói thật: Vấn nạn lãng phí thực phẩm
Ảnh minh họa: Báo Tin tức 

Một nghịch lý là thế giới có gần 300 triệu người thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn thì sự lãng phí thực phẩm lại trở thành một trong những thách thức đối với an ninh lương thực thế giới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi chất thải thực phẩm bị đưa ra bãi rác hoặc chất đống, chúng sẽ phân hủy yếm khí, tạo ra khí metan (CH4) có tác dụng giữ nhiệt cao hơn CO2 gần 30 lần. Đây cũng là một trong những “thủ phạm” gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường trên trái đất.

Nước ta chưa giàu, đến cuối năm 2023, cả nước còn khoảng 815.000 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nhưng sự lãng phí thực phẩm của người Việt rất đáng báo động. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ hai về lãng phí thực phẩm, tương đương 3,9 tỷ USD/năm.

Để dễ hình dung hơn, sự lãng phí thực phẩm của nước ta còn cao hơn cả nguồn thu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn cộng lại trong năm 2022 là 3,71 tỷ USD. Nói cách khác, 4 tỉnh nghèo nhất Việt Nam làm quần quật quanh năm mới có nguồn thu gần bằng sự... lãng phí thực phẩm của cả nước!

Theo kết quả nghiên cứu “Nguyên nhân dẫn đến thói quen lãng phí thực phẩm ở cấp hộ gia đình tại Việt Nam” do Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG) phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh công bố mới đây, có 4 yếu tố làm tăng nguy cơ lãng phí thực phẩm bao gồm: Thói quen mua sắm, thói quen nấu ăn, thói quen ăn uống và cách đánh giá chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng. Trong đó, mua sắm dư thực phẩm và nấu nhiều đồ ăn so với nhu cầu thực tế là nguyên nhân chủ yếu.

Căn nguyên sâu xa gây ra sự lãng phí thực phẩm của người Việt xuất phát từ tâm lý tiểu nông trong văn hóa ăn uống. Dù trình độ dân trí, điều kiện kinh tế-xã hội thời nay đã phát triển vượt bậc so với thời bao cấp trước đây nhưng số đông người Việt vẫn mang nặng tâm lý “no bụng đói con mắt”; “thừa còn hơn thiếu”; “chủ nhà mời khách thì phải thịnh soạn”; “ăn hết phần là mất lịch sự”... Đó là hệ quả dai dẳng của văn hóa tiểu nông chuộng hình thức, sính phô trương, thích sĩ diện, thậm chí có người khi trở nên sung túc vẫn bị ám ảnh tiềm thức ăn để “trả thù”, đền bù cho một thời đói kém.

Nói thẳng ra là những người nào còn mang nặng tâm lý, thói quen ăn uống như vậy không chỉ gây chồng chất thêm rác thải thực phẩm khiến “mẹ trái đất” phải oằn mình gánh nặng ô nhiễm môi trường mà còn khoét sâu khoảng cách giàu nghèo và gây thêm bất công xã hội. 

THUẬN THIẾT

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.