Nhớ mãi trận đánh Tết Mậu Thân năm ấy…
Tết Mậu Thân 1968 là cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Phúc Thanh.
Tết năm đó, ông được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 để bước vào một chiến dịch lớn - Chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Trong hồi ký, ông ghi lại nhiều chuyện xúc động về trận đánh Tết Mậu Thân năm ấy…
Vượt sông vào đêm trừ tịch
Chiều 29 Tết, Đại đội 6 bắt đầu hành quân. Gần sáng thì tới khu vực rừng thông ở Dương Hòa bên bờ Bắc sông Hương. Nơi này được chọn làm nơi ém quân qua ngày 30 Tết để đêm mai đơn vị sẽ tiến vào thành phố Huế thân yêu.
Trong hồi ký, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh ghi rõ: Đó là một ngày dài nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Sau này được học, được đọc nhiều tài liệu khoa học nghiên cứu tâm sinh lý con người tôi mới hiểu thế nào là “thời gian tâm lý”. Một ngày mà trong lòng chúng tôi vừa có nỗi nhớ nhà da diết, vừa có sự lo lắng phập phồng vì đang ở quá gần địch.
Trong làng Dương Hòa, nhà nhà đang rối rít bận bịu với việc chuẩn bị Tết. Tiếng trẻ con nô đùa, tiếng lợn kêu eng éc, làn khói bếp và hương nếp thơm… tất cả đều gợi lên nỗi nhớ khôn nguôi. Có lẽ giờ này ở quê hương, gia đình chúng tôi cũng đang tất bật chuẩn bị đón Tết, tôi biết rằng vào những giờ khắc này, cha mẹ và các em cũng đang đau đáu nhớ thương những đứa con xa nơi tiền tuyến…
Quân giải phóng tiến vào thành Ngọ Môn - Huế. Ảnh tư liệu
Vào đúng đêm Trừ tịch, Đại đội 6 lặng lẽ vượt sông Hương ở đoạn Nguyệt Biều. Sau khi vượt sông sẽ theo sườn đồi Tứ Tây, Ngũ Tây tiến về phía Ngự Bình, Nam Giao. Mục tiêu đầu tiên của Đại đội 6 là tiến công vào khu vực ga Huế, Trại Bảo an, Trại Quân cụ rồi phát triển sang Dinh tỉnh trưởng. Lần đầu chỉ huy bộ đội hành quân chiến đấu trong vùng địch, lại phải vượt sông trong đêm nên Đại đội trưởng Nguyễn Phúc Thanh rất lo lắng. Đêm 30 Tết, trời tối đen, nước sông lạnh buốt như cắt vào da thịt. Đại đội trưởng truyền lệnh vừa đủ nghe, nhắc anh em bám chắc đội hình, vừa bơi vừa cảnh giới, kiểm tra lẫn nhau.
Có một chuyện xảy ra vào cái đêm vượt sông đáng nhớ ấy, cho đến sau này, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh còn day dứt mãi. Đó là khi Đại đội đã vượt được sang bờ bên kia, kiểm tra quân số thấy thiếu hai chiến sĩ: Nguyễn Văn Đạt và Phùng Văn Mậu. Lập tức, cán bộ trung đội, tiểu đội quay lại tìm nhưng trời tối, sông sâu không tìm thấy họ nữa. Mệnh lệnh hành quân vượt sông là phải tuyệt đối bí mật, không tiếng động, không ánh sáng. Có lẽ khi qua sông, hai chiến sĩ đã bị chuột rút. Nếu họ kêu cứu thì có thể đội hình vượt sông sẽ bị lộ, pháo địch trùm lên ngay lập tức. Hai chiến sĩ này đã hiểu được điều đó và khi bị chuột rút, họ chấp nhận hy sinh chứ kiên quyết không kêu cứu để làm lộ đội hình. Tấm gương hy sinh của họ thật lớn lao.
“Khai hỏa” ngày mồng 1 Tết
Đại đội 6 hoàn thành vượt sông vào lúc 4 giờ sáng ngày 1-2-1968, tức sáng mồng 1 Tết âm lịch. Lúc này súng đã nổ ran trên toàn mặt trận - Trận tổng tiến công Tết Mậu Thân vào thành phố Huế bắt đầu. Đại đội 6 hành tiến theo đội hình, khi vượt qua làng Ngũ Tây thì có chừng một trung đội bảo an địch xuất hiện. Chúng đang ăn nhậu ở đâu đó nghe tiếng súng tấn công của ta thì bỏ chạy về khu vực cầu Bạch Hổ. Đại đội trưởng Nguyễn Phúc Thanh lập tức ra lệnh cho Trung đội 7 do Nguyễn Văn Hạnh chỉ huy tiến lên vậy chặt, bắt gọn tốp lính. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tiêu chỉ huy tiểu đội nhanh chóng dùng hỏa lực áp chế rồi đánh chiếm các điểm chốt, các ụ súng trên cầu.
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh viết: Nghe tiếng súng râm ran, tôi đoán, các mũi, các hướng của ta đang phát triển vào nội thành, mình không thể chậm trễ nên sau khi chiếm cầu Bạch Hổ, tôi xốc lại đội hình cho Đại đội tiến thẳng vào mục tiêu tiếp theo là trại lính Lê Lai. Trại này có tường cao, hàng rào chắc, địch bên trong khá đông. Lúc này chúng đã kịp tổ chức đánh trả. Đạn bắn ra như xối. Tôi ra lệnh cho bộc phá viên Nguyễn Văn Đẩu nhanh chóng tiếp cận, dùng bộc phá cho nổ tung cổng trại để anh em xông vào đánh chiếm mục tiêu. Trái bộc phá của Nguyễn Văn Đẩu nổ tốt, cổng trại lính Lê Lai bị hất tung lên. Các chiến sĩ Đại đội 6 bật dậy xung phong, địch trong trại chống trả yếu ớt, đa số vội đầu hàng ngay.
Bảy giờ sáng, Đại đội 6 bắt đầu nổ súng tiến công Dinh tỉnh trưởng. Để hỗ trợ hướng tiến công chủ yếu, Đại đội trưởng Nguyễn Phúc Thanh điều thêm hai khẩu đại liên và một khẩu ĐKZ lên chi viện, nhiệm vụ của các khẩu đội hỏa lực là phải nhanh chóng thổi tung các ụ súng, boong-ke không để hỏa lực địch không kịp phát dương, cản trở đường tiến công của ta.
Sau hơn một giờ chiến đấu, Đại đội 6 đã làm chủ được hoàn toàn mục tiêu Dinh tỉnh trưởng Thừa Thiên, tiêu diệt một số địch, bắt sống hơn 50 tên. Riêng tên tỉnh trưởng đến 15 giờ chiều ta mới bắt được khi hắn chạy về tới ngã sáu gần khu nhà thờ Phú Cam.
9 giờ sáng mồng 1 Tết Mậu Thân, các chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 đã kéo cờ giải phóng lên cột cờ Dinh tỉnh trưởng Thừa Thiên. Trong khi đó, Trung đoàn 9 đã triển khai Tiểu đoàn 1, đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn nhà lao Thừa Phủ, giải thoát 3.400 tù nhân. Chiến thắng đầu Xuân tràn ngập khắp thành phố Huế.
TRỊNH DŨNG (lược ghi)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.