• Click để copy

Những động lực phát triển Thủ đô

LTS: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024), Báo Quân đội nhân dân mở Chuyên mục "Hà Nội - 70 năm Thủ đô anh hùng" nhằm khẳng định giá trị to lớn của sự kiện giải phóng Thủ đô; những đóng góp của Hà Nội trong các cuộc kháng chiến; thành tựu xây dựng, phát triển của Hà Nội trong suốt 70 năm qua, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới tới nay. Qua đó để thấy được Thủ đô Hà Nội là Thủ đô anh hùng cả trong chiến đấu, cả trong xây dựng, sản xuất; đồng thời nêu bật những cơ hội phát triển của Hà Nội trong thời gian tới.

Qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay Hà Nội đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần khi mới giải phóng (ngày 10-10-1954), với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, luôn giữ vị trí đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Mỗi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào khi Thủ đô Hà Nội đang là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới.

Hà Nội chiếm 8,1% về dân số; đóng góp 17,07% về thu ngân sách nhà nước của cả nước. Hà Nội có 51,7% dân số trẻ và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%. Hà Nội là địa phương có cộng đồng doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước, nơi đặt trụ sở chính của hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, ngân hàng và trung tâm tài chính lớn nhất cả nước. Đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số.

Những động lực phát triển Thủ đô
Các tuyến đường vành đai sẽ là xương sống phát triển cho các địa phương trong vùng thủ đô Hà Nội. Ảnh: baodaibieunhandan.vn 

Động lực phát triển của Hà Nội thời gian qua được khai thác, đa dạng hóa và kết hợp hài hòa các nguồn lực Nhà nước, tư nhân, trong nước, nước ngoài nhờ sự nỗ lực của thành phố và sự đồng hành của các ngân hàng trong việc chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Hà Nội cũng đã quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, với tinh thần sâu sát và 3 “rõ”: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ. 

Động lực phát triển Thủ đô thể hiện tập trung ở nguồn lực tài chính dồi dào trên địa bàn. Tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2023 tăng bình quân 10,65%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng hằng năm 9,47%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét: Khu vực nhà nước giảm từ 51% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3% năm 2023; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 59%. Lũy kế có 4.500 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp hơn 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội... trên địa bàn Thủ đô.

Động lực phát triển Thủ đô được phát huy từ nguồn lực văn hóa - du lịch vô giá trên địa bàn. Hà Nội là trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc và được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, TP Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới bình chọn các danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023” và “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á”; “Điểm đến du lịch 19 thành phố hàng đầu thế giới 2023”. Hà Nội còn là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử-văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia và cũng là thành phố đầu tiên ban hành nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đóng góp 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố vào năm 2025; 8% GRDP năm 2030 và đạt 10% GRDP vào năm 2045.

Động lực tăng trưởng Thủ đô ngày càng dựa trên việc mở rộng xã hội hóa đầu tư, thúc đẩy dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và ứng dụng khoa học-công nghệ. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Trong hai năm 2021-2022 đã có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm và năm 2023 có thêm 33 sản phẩm của 24 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần qua các năm. Hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... được chú trọng phát triển; các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Động lực tăng trưởng được gia tăng bởi thúc đẩy chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 5 địa phương và đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; giá trị đạt được của kinh tế số chiếm hơn 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân hơn 7,5%/năm... Năm 2023, thành phố được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước. Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ hai cả nước, với tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%, tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng đạt 90%. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.

Thành phố luôn quan tâm thu hút đầu tư vào các dự án tiêu biểu trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc; Trung tâm Ươm tạo và đào tạo công nghệ cao... nhằm hình thành hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo.

Động lực phát triển của Thủ đô còn được ghi nhận cả trong nỗ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, giảm nghèo và khuyến khích làm giàu; Thủ đô hiện có tổng cộng 2.167 sản phẩm OCOP và 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thành phố còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề (318 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống), với 47/52 nghề truyền thống của cả nước; tạo việc làm cho hàng triệu lao động, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/lao động/tháng; giá trị sản xuất xấp xỉ 1 tỷ USD và 200 triệu USD cho giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thủ đô cuối năm 2023 chỉ còn 0,03% (tương đương 690 hộ nghèo); trong đó, 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo và 5 quận không còn hộ cận nghèo.

Động lực phát triển Thủ đô còn được gia tăng từ quá trình tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ dự án, công trình trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai; các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô và các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch... Đồng thời, cải thiện các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính gây phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của nhân dân và doanh nghiệp; nhận diện và khắc phục tình trạng trì trệ, chồng chéo, xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi thực thi công vụ...

Là Thủ đô anh hùng, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng, truyền thống “Thủ đô nghìn năm văn hiến”, giá trị “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”. Thời gian qua, Hà Nội đã quán triệt, triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô; Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Có nhiều cơ sở để kỳ vọng Hà Nội sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đã đề ra theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Tin mới

Công điện khẩn của Bộ Công Thương về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Công điện khẩn của Bộ Công Thương về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành Công điện số 7229/CĐ-BCT ngày 18 tháng 9 năm 2024 về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4: Đề phòng những diễn biến bất thường
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4: Đề phòng những diễn biến bất thường

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang có dấu hiệu di chuyển chậm lại và có khả năng hình thành bão số 4. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bày tỏ lo ngại thời tiết có những diễn biến bất thường, khó lường.

Miền Trung: Nhiều địa phương cấm biển, sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn
Miền Trung: Nhiều địa phương cấm biển, sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn

Triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần Biển Đông, ngày 18-9, nhiều địa phương tại miền Trung đã có lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi; tổ chức lực lượng và phương tiện, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII

Sáng 18-9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị.

Cảnh sát 141 hóa trang, chặn bắt 45 "quái xế" trong đêm Trung thu
Cảnh sát 141 hóa trang, chặn bắt 45 "quái xế" trong đêm Trung thu

Sáng 18-9, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội cho biết, các tổ công tác cảnh sát 141 Công an TP Hà Nội đã hóa trang, chặn bắt "quái xế" phóng xe máy lạng lách, nẹt pô tại các tuyến đường, địa bàn vui chơi trong đêm Trung thu.

Quân khu 1 trao hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Quân khu 1 trao hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Sau khi bão số 3 đổ bộ, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh phía Bắc, hưởng ứng lời phát động, kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 1 đã và đang tích cực quyên góp tiền, hiện vật ủng hộ đồng bào vùng bão lũ.